Thụy Điển: Số người ch.ết cao nhất trong 150 năm giữa dịch Covid-19

Văn phòng Thống kê Quốc gia Thụy Điển cho biết, số người chết trong 6 tháng đầu năm nay ở nước này là cao nhất trong 150 năm qua. Số liệu thống kê được đưa ra trong đại dịch Covid-19 - dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của gần 6.000 người Thụy Điển.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, có 51.405 người Thụy Điển đã chết chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, cao nhất kể từ sau năm 1869.

Năm 1869, một nạn đói kinh hoàng đã xảy ra ở Thụy Điển, cướp đi sinh mạng của 55.431 người. Dân số Thụy Điển khi đó là 4,1 triệu người, trong khi dân số hiện nay là 10,3 triệu.

Kể từ sau năm 1869 đến khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm nay, Thụy Điển chưa từng ghi nhận số người tử vong ở mức cao như vậy.

Tỷ lệ người tử vong vì Covid-19 ở Thụy Điển cao hơn nhiều so với các quốc gia khác cùng khu vực Bắc Âu.

Đến ngày 20.8, Thụy Điển ghi nhận 85.411 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 5.802 trường hợp tử vong.

Đại dịch Covid-19 khiến số người chết ở Thụy Điển cao hơn 10% so với mức trung bình trong 5 năm qua, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia. Riêng trong tháng 4, số người tử vong ở Thụy Điển cao hơn gần 40% so với mức trung bình do sự gia tăng ca nhiễm Covid-19.

Người Thụy Điển thoải mái ra đường trong dịch Covid-19, hầu như không đeo khẩu trang (ảnh: The Guardian)

Phản ứng với dịch bệnh của Thụy Điển được cho là đi theo con đường “miễn dịch cộng đồng”, đề cao ý thức của người dân nhằm làm chậm đà lây lan của Covid-19, giảm áp lực cho hệ thống y tế.

Khác với một số quốc gia châu Âu cùng khu vực, Thụy Điển không áp dụng những biện pháp kiểm dịch mạnh tay. Hầu hết nhà hàng, doanh nghiệp, trường học ở Thụy Điển vẫn mở cửa.

Tuy nhiên, số người chết do Covid-19 ở Thụy Điển cao hơn so với các nước láng giềng Bắc Âu lựa chọn các biện pháp ngăn dịch cứng rắn. Na Uy, quốc gia láng giềng có số dân bằng một nửa Thụy Điển, chỉ ghi nhận 260 ca tử vong do Covid-19.

Phần Lan - nước láng giềng khác của Thụy Điển - chỉ ghi nhận 334 người tử vong do virus.

Kinh tế Phần Lan cũng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bằng Thụy Điển, mặc dù ban hành các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Trong khi số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tiếp tục tăng, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Thụy Điển – ông Anders Tegnell – bác bỏ khả năng bắt buộc người dân nước này đeo khẩu trang.

“Sẽ rất nguy hiểm nếu tin rằng khẩu trang làm thay đổi tình hình dịch bệnh. Các nước bắt buộc đeo khẩu trang rộng rãi như Bỉ, Tây Ban Nha đang chứng kiến số người nhiễm Covid-19 gia tăng”, ông Anders Tegnell trả lời phỏng vấn của Financial Times hôm 19.8.

Covid-19 vẫn đang gieo rắc kinh hoàng ở nhiều quốc gia trên thế giới (ảnh: The Guardian)

“Việc bắt buộc đeo khẩu trang sẽ khiến nhiều người nghĩ họ có thể thoải mái chen chúc nhau trên xe bus hay trong trung tâm mua sắm. Khẩu trang chỉ nên là một biện pháp bổ sung khi chiến lược kiểm dịch được thực hiện triệt để”, ông Tegnell nói.

Ông Tegnell được cho là “tác giả” của chiến lược “miễn dịch cộng đồng” gây tranh cãi ở Thụy Điển.

Tháng trước, ông Tegnell bác bỏ khả năng bắt buộc người Thụy Điển đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng.

“Chúng tôi thấy việc đeo khẩu trang không có ích gì ở Thụy Điển, thậm chí ngay cả khi đeo trong phương tiện công cộng”, ông Tegnell nói.

Trong cuộc khảo sát mới đây, tỷ lệ người Thụy Điển ủng hộ chiến lược kiểm soát dịch bệnh của chính phủ chỉ còn 38% trong tháng 6, giảm từ mức 50% của tháng trước.

Theo Dân Việt

----

Xem thêm:

Chống Covid-19 "ngược đời", Thụy Điển mất cả chì lẫn chài

Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở châu Âu, Thụy Điển đã thu hút sự chú ý của thế giới nhờ cách chống dịch trái ngược hoàn toàn.

Đất nước này đã giúp cộng đồng quốc tế xác định được điều gì sẽ xảy ra khi chính phủ cho phép cuộc sống tiếp diễn một cách bình thường khi có đại dịch. Không chỉ có số ca tử vong cao hơn hàng ngàn ca so với những nước láng giềng có lệnh phong tỏa mà kinh tế Thụy Điển cũng hầu như không có tiến triển. 

"Họ gần như chẳng đạt được điều gì. Đây là một vết thương tự tạo và họ không đạt được lợi ích kinh tế" - trích lời chuyên gia Jacob F. Kirkegaard, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson ở thủ đô Washington - Mỹ. 

Ngoài Thụy Điển, một số nơi khác cũng có kết quả tương tự. Tại Mỹ, nơi virus đang lây lan với tốc độ đáng báo động, rất nhiều tiểu bang đã không phong tỏa hay gỡ bỏ lệnh phong tỏa quá sớm với giả định rằng điều này sẽ thúc đẩy việc hồi sinh nền kinh tế, cho phép người dân trở lại làm việc, mua sắm và đến nhà hàng. 

chong-covid-19-nguoc-doi-thuy-dien-mat-ca-chi-lan-chai

Người dân Thụy Điển tắm nắng và đi bơi tại cầu tàu vào ngày 25-6. Ảnh: Reuters

Cách tiếp cận này có thể được ngầm hiểu rằng chính phủ phải so sánh ưu - nhược điểm giữa việc cứu sống người dân và hồi phục kinh tế.

Tuy nhiên, kết quả đáng buồn của Thụy Điển, nhiều người chết hơn và thiệt hại kinh tế cũng tương đương, cho thấy việc lựa chọn giữa mạng sống của người dân và kinh tế là một sai lầm. Không áp dụng lệnh giãn cách xã hội có thể cùng lúc gây thiệt hại cả về tính mạng người dân và việc làm.

Chính phủ Thụy Điển cho phép các nhà hàng, phòng tập thể dục, cửa hàng, sân chơi và hầu hết các trường học mở cửa. Ngược lại, Đan Mạch và Na Uy lại chọn biện pháp cách ly nghiêm ngặt khi cấm tụ tập đông người và đóng cửa các cửa hàng, nhà hàng.

Hơn 3 tháng sau, dịch Covid-19 khiến 5.420 người chết tại Thụy Điển. Dù con số này có vẻ ít khi so với Mỹ nhưng dân số Thụy Điển chỉ khoảng 10 triệu người. Khi tính trên 1 triệu người thì Thụy Điển có nhiều người chết hơn Mỹ 40%, gấp 12 lần Na Uy, 7 lần Phần Lan và 6 lần Đan mạch.

Việc số người chết tăng cao do cách chống dịch của Thụy Điển đã trở nên không thể chối cãi từ nhiều tuần trước. Điều khó hiểu là tại sao Thụy Điển dù đã mở cửa để kinh tế phát triển bình thường lại vẫn phải chịu cảnh thiệt hại tương đương với các nước láng giềng.

Ngân hàng trung ương Thụy Điển dự đoán nền kinh tế nước này sẽ bị thu hẹp 4,5% trong năm nay trong khi trước đó họ dự kiến kinh tế sẽ tăng trưởng 1,3%. Tỉ lệ thất nghiệp nhảy vọt lên 9% trong tháng 5, tăng 1,9% so với hồi tháng 3. "Thiệt hại chung cho nền kinh tế có nghĩa là việc phục hồi sẽ bị kéo dài trong khi tỉ lệ thất nghiệp vẫn tăng cao" - hãng tư vấn Oxford Economics kết luận.

Thiệt hại kinh tế của Thụy Điển cũng tương đương với ở Đan Mạch, nơi ngân hàng trung ương dự đoán nền kinh tế sẽ giảm 4,1% trong năm nay và tỉ lệ thất nghiệp đã tăng từ 4,1% trong tháng 3 lên 5,6% trong tháng 5.

Nói ngắn gọn, Thụy Điển có tỉ lệ tử vong cao hơn rất nhiều trong khi vẫn không thu được lợi nhuận kinh tế dự kiến vì cách chống dịch đi ngược với thế giới.

Theo NLD

-----

Xem thêm:

+Ca tử vong vượt 1.000, Thụy Điển vẫn chống dịch 'ngược chiều thế giới'

+Những nghề lạ trong khách sạn, nghe qua không khỏi hoang mang

----