Thực phẩm siêu chế biến - tiện lợi nhưng nguy cơ tử vong sớm

Thực phẩm siêu chế biến được coi là loại thực phẩm tiện lợi, màu sắc bắt mắt được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên loại thực phẩm này lại không hề an toàn.

Dễ mắc bệnh nếu lạm dụng thực phẩm siêu chế biến

Thực phẩm siêu chế biến là thực phẩm đã trải qua nhiều quá trình chế biến, trong đó có nhiều công đoạn không thể tự làm tại nhà, mà làm tại các nhà máy.

Theo đó, công đoạn chế biến thường là hydro hóa, tạo khuôn..., không sử dụng gia vị nấu nướng thông thường (dầu, muối, đường) mà dùng sản phẩm công nghiệp (chất tạo ngọt nhân tạo, protein thủy phân, dầu hydro hóa và chất nhũ hóa). Cuối cùng, về mặt hình thức, thực phẩm siêu chế biến thường có bao bì hấp dẫn và bán dưới các chiến dịch tiếp thị rầm rộ.

Các loại thực phẩm siêu chế biến phổ biến nhất là những món ăn được chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm đông lạnh, bánh mì sản xuất hàng loạt, bánh quy, bánh ngọt, kẹo và các loại đồ ngọt khác, các sản phẩm làm từ sữa, nước uống có gas, thực phẩm (mì, ngũ cốc, xúp) ăn liền.

thuc-pham-sieu-che-bien-tien-loi-nhung-nguy-co-tu-vong-som

 Thực phẩm siêu chế biến được nhiều người dùng nhưng tránh lạm dụng

Mặc dù thực phẩm siêu chế biến khá tiện lợi nhưng mới đây, có hai báo cáo đăng trên tập san uy tín BMJ cùng chỉ ra tác hại của thực phẩm siêu chế biến: người ăn càng nhiều loại thức ăn sản xuất công nghiệp này thì càng dễ bệnh, thậm chí dễ tử vong.

Một trong hai báo cáo này cho biết, ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch. Nghiên cứu còn lại cho rằng có mối liên hệ giữa chế độ ăn đa số dựa vào thực phẩm siêu chế biến với việc tăng nguy cơ tử vong vì nhiều nguyên nhân.

Một nghiên cứu khác của ĐH Montreal (Canada) cho thấy, uống nhiều nước ngọt, ăn bánh quy và kem sản xuất công nghiệp, sữa chua dùng chất tạo ngọt công nghiệp sẽ dẫn đến các bệnh mãn tính.

Nhóm nghiên cứu khảo sát 13.608 người từ 19 tuổi trở lên và nhận ra những người nạp calorie chủ yếu từ thực phẩm siêu chế biến sẽ có nguy cơ bị béo phì, tiểu đường và cao huyết áp nhiều hơn so với những người ăn ít loại thực phẩm này hơn.

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Canada trước đó, thực phẩm siêu chế biến chiếm trung bình 47% lượng calorie nạp vào cơ thể mỗi ngày của người trưởng thành.

Điều quan trọng, theo tác giả nghiên cứu Jean-Claude Moubarac - giáo sư dinh dưỡng tại ĐH Montreal, thực phẩm siêu chế biến không chỉ không đóng góp gì cho chế độ ăn uống lành mạnh của chúng ta, mà lại chiếm chỗ của các thực phẩm lành mạnh khác.

“Lượng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến của một người càng nhiều thì có nghĩa họ càng ăn ít thực phẩm lành mạnh” - GS Moubarac kết luận.

Thực phẩm siêu chế biến có nguy cơ tăng cân nhanh chóng

Còn theo kết quả một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Cell Metabolism, những người ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn (còn gọi là siêu chế biến) - chẳng hạn các món đông lạnh, bánh mì trắng và đồ ăn đóng hộp - có xu hướng tiêu thụ nhiều calorie hơn những người ăn thực phẩm ít hoặc chưa qua chế biến.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia (Mỹ) đã mời một nhóm tình nguyện viên sẵn sàng sống trong phòng thí nghiệm 28 ngày và chỉ tiêu thụ thực phẩm do họ cung cấp. Mỗi người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên để dùng bữa ăn có chứa thực phẩm siêu chế biến trong 2 tuần hoặc bữa ăn chỉ có thực phẩm ít hoặc chưa qua chế biến. Các bữa ăn được thiết kế chứa cùng một lượng chất dinh dưỡng và calorie. Sau 2 tuần, các tình nguyện viên đổi sang chế độ ăn của nhóm kia.

Được biết, danh mục thực phẩm siêu chế biến gồm các sản phẩm như bánh bao đóng hộp, đào đóng hộp có nhiều si rô, xúc xích gà tây, mì ống đông lạnh và phô mai, gà rán đông lạnh. Còn danh mục thực phẩm ít hoặc chưa qua chế biến là trái cây tươi, khoai tây nghiền, trứng tươi cuộn, ức gà nướng, rau củ tươi đông lạnh.

Các nhà nghiên cứu đã tính toán nhu cầu calorie mỗi ngày mà người tham gia cần để duy trì cân nặng, rồi tăng gấp đôi năng lượng cho các bữa ăn, sau đó yêu cầu họ ăn nhiều như ý muốn. Các tình nguyện viên cho biết cả hai chế độ ăn đều ngon và thỏa mãn họ, nghĩa là họ không ăn ít thực phẩm chưa qua chế biến vì vấn đề hương vị.

Kết quả, nhóm nghiên cứu phát hiện mọi người ăn nhiều hơn khoảng 500 calorie khi dùng bữa ăn có chứa thực phẩm siêu chế biến. Đáng chú ý là mặc dù các bữa ăn tương ứng về lượng muối, đường và chất béo - những thành phần mà mọi người nghĩ là gây tăng cân, các chuyên gia nhận thấy mức tiêu thụ gia tăng đáng kể ở nhóm dùng thực phẩm siêu chế biến.

“Đây là một bất ngờ đối với chúng tôi” - trưởng nhóm nghiên cứu Kevin Hall cho biết. Cụ thể, trong 2 tuần ăn thực phẩm chế biến sẵn, các tình nguyện viên tiêu thụ trung bình thêm 508 calorie/ngày so với những ngày họ ăn thực phẩm chưa qua chế biến. Không chỉ vậy, sau 2 tuần tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến còn khiến tình nguyện viên tăng trung bình hơn 900g so với mức giảm tương tự sau 2 tuần ăn thực phẩm ít hoặc chưa qua chế biến.

Theo VietQ