Thực hư chuyện người dân bị phong tỏa rồi bỏ rơi ở Bình Tân, TP HCM

 Liên tục những ngày qua, xuất hiện nhiều bài viết được cho là của người dân sống tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM phản ánh "bị phường bỏ rơi" sau khi thực hiện lệnh phong tỏa, cách ly y tế.

thuc-hu-chuyen-nguoi-dan-bi-phong-toa-roi-bo-roi-o-binh-tan-tp-hcm

Thực phẩm gửi vào khu phong tỏa thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM phải khử khuẩn.

Phóng viên báo Người Lao Động liên lạc với chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt (một trong số người viết bài chia sẻ) để xác minh.

Theo chị Nguyệt chị sống ở khu phố 4, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM - nơi đã bị phong tỏa từ ngày 20-6. Trong những ngày đầu chính quyền tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Tuy nhiên tính đến nay, dù đã cách ly hơn 21 ngày không phát sinh thêm ca nhiễm nhưng không có thông báo dỡ bỏ phong toả.

Ông Tô Hoàng Giang, Chủ tịch UBND phường An Lạc thông tin

Phản hồi việc này, ông Tô Hoàng Giang, Chủ tịch UBND phường An Lạc gửi lời xin lỗi đến người dân ngụ tại khu phố 4 vì để xảy ra những bức xúc không đáng có. Theo ông Giang, hơn một tháng qua địa phương liên tục "gồng mình" chống dịch. Từ ổ dịch ban đầu tại chung cư Ehom3 phát sinh thêm nhiều điểm khác nên lãnh đạo Thành phố đồng ý phong tỏa một phần cụm dân cư thuộc phường An Lạc. 

"Tại khu phố 4 địa phương thành lập một đội riêng biệt thực hiện các việc khử khuẩn, xét nghiệm chứ không hề bỏ rơi. Tuy nhiên, để xảy ra việc người dân bức xúc cũng có phần trách nhiệm của chính quyền sở tại" – ông Giang nêu.

Ông Giang cho biết sau phản ánh của Báo Người Lao Động, phường sẽ chủ động liên lạc trực tiếp người dân để hỗ trợ và thông tin cho người dân rõ về tình hình dịch bệnh tại khu phố 4.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay sau khi kết thúc cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, UBND phường An Lạc, quận Bình Tân đã lập tức cử cán bộ xuống trao đổi trực tiếp người dân khu vực phong tỏa và gửi lời xin lỗi.

Nói về hành động trên của địa phương, chị Nguyệt bày tỏ: "Rất cảm ơn sự hỗ trợ từ Báo Người Lao Động khi những phản ánh của người dân được phản hồi tích cực. Chính quyền đã xin lỗi và cam kết quan tâm nhiều hơn khiến người dân yên tâm một phần".

Theo NLD

------

Xem thêm:

Đã có 148 điểm bán hàng lưu động tại TP. HCM phục vụ nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con vùng dịch

Sở Công thương TP. HCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã tổ có 148 điểm bán hàng, phân bổ hàng hóa lưu động tại các quận, huyện, TP. Thủ Đức để phục vụ người dân trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp.​

Theo thông tin từ Bộ Công thương, tại TP. HCM trong sáng 14/7 đã tổ chức được 70 điểm bán (trong đó Viettel Post và VN Post tổ chức 56 điểm, 14 lượt xe bán hàng lưu động); lũy kế đến hôm nay đã tổ chức được 148 điểm bán phân bổ bán hàng lưu động tại các quận, huyện, TP. Thủ Đức.

Trong đó Viettel Post và VN Post tổ chức 90 điểm, 68 lượt xe bán hàng lưu động (1 điểm bán có thể bố trí từ 1 đến 2 xe).

da-co-148-diem-ban-hang-luu-dong-tai-tp-hcm-phuc-vu-nhu-yeu-pham-thiet-yeu-cho-ba-con-vung-dich

TP. HCM có 148 điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân.

Tại thành phố Biên Hòa: Kể từ 15h ngày 9/7, các khu vực chợ tạm, chợ tự phát tại các xã, phường tạm ngưng hoạt động. Đồng thời, chợ Biên Hòa cũng tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Hiện Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đang triển khai mạnh công tác hỗ trợ các điểm bán hàng cố định, lưu động; phối hợp với UBND TP. Biên Hòa khảo sát để mở các điểm bán hàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa và xây dựng các điểm cung ứng tại các chốt của các khu phong tỏa.

Về nguồn hàng, đối với mặt hàng thịt sẽ do Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cung ứng; mặt hàng rau, củ, quả do Công ty TNHH TMDV Phụng Hoàng Phát K.V.C cung ứng; phối hợp với Cục QLTT hỗ trợ thu mua nông sản (rau, củ, quả) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, phối hợp Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng thu mua nông sản, cung ứng cho các khu cách ly y tế trên địa bàn với khoảng 25-30 tấn/ngày.

Tại Đồng Tháp: Ngày 14/7 thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh, mặc dù sức mua tăng cao nhưng hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn đa dạng, phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân.

Tại tỉnh Bình Dương: Tình hình cung ứng hàng hóa ngày 14/7 trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Nguồn cung ứng hàng hóa siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh dồi dào, phong phú. Các siêu thị Aeon, BigC, Co.opmart… đã triển khai hoạt động bán hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà cho người dân, kể cả trong khu vực đang bị cách ly, phong tỏa.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Giá cả ổn định, nguồn hàng hàng hoá đảm bảo cung cấp cho người dân. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hàng hóa trên các kệ hàng đầy đủ. TP. Vũng Tàu hiện có 2 chợ tạm dừng hoạt động (chợ Vũng Tàu, chợ Rạch Dừa), các chợ còn lại vẫn hoạt động bình thường. 

Ngoài các đơn vị phân phối như các siêu thị Coop Mart, TTTM Lotte, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Vinmart+ còn có các điểm kinh doanh các mặt hàng thiết yếu khác. Tại TP. Bà Rịa tất cả các chợ trên địa bàn thành phố Bà Rịa đều ngưng hoạt động để xây dựng phương án phòng chống dịch. 

Thành phố thông tin tuyên truyền đảm bảo cung ứng hàng hóa và tăng cường mua sắm trực tuyến, tuyên truyền các kênh mua sắm trực tuyến tại các đơn vị phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh như siêu thị Coop Mart, TTTM Lotte, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Vinmart+ và hiện đang cập nhật về thông tin các đơn vị phân phối khác trên địa bàn thành phố.

Tại tỉnh Long An: Kể từ 0h ngày 12/7 tỉnh tạm dừng hoạt động của các chợ truyền thống trên phạm vi toàn tỉnh cho đến khi có thông báo mới. Sở Công Thương Long An đã xây dựng phương về việc cung ứng hàng hóa trong vùng cách ly y tế, cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại tỉnh An Giang: Chiều ngày 13/7, trên địa bàn tỉnh phát hiện 1 ca nghi mắc COVID-19 là nhân viên giao hàng của hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, hiện tại đa số các cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn tỉnh đã phong tỏa để khử khuẩn và truy vết các đối tượng tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm.

Do đó, tình hình thị trường hàng hóa trong ngày diễn biến sôi động hơn, sức mua tại các chợ và siêu thị tăng hơn, người dân mang tâm lý ngại ra ngoài nên mua thực phẩm thiết yếu dự trữ như: gạo, mì gói, đường, thịt, rau, củ,… Nguồn cung thực phẩm, trang thiết bị y tế dồi dào, giá cả bình ổn, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Tại tỉnh Vĩnh Long: Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi có nguồn dự trữ hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các chợ truyền thống, tình hình buôn bán các mặt hàng tươi sống thiết yếu vẫn hoạt động nhưng hạn chế hơn trước, hàng hóa dồi dào, giá cả không biến động, người mua vắng hơn trước do vài ngày mới đi chợ một lần.

Còn các địa phương phía Nam khác, theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước, do tâm lý lo sợ dịch bệnh COVID-19, người dân mua nhiều hàng thực phẩm hơn. Các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng hàng cung ứng, dự trữ nên đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá ổn định. Tại các chợ truyền thống, lượng mua cũng tăng nhưng hàng hoá dồi dào, giá trứng, các loại thịt, rau, củ, quả tăng nhẹ.

Theo GiaDinh