Thời trang 'sale off' - tiền nào của nấy?

Dịp cuối năm là thời điểm "xả hàng", hàng loạt các cửa hàng, nhãn hiệu thời trang tung chiêu giảm giá. Liệu món đồ mới mua có xứng đáng với số tiền phải bỏ ra hay không đang khiến cho không ít người tiêu dùng phân vân.

Sau ngày "Black Friday", cơn bão giảm giá ở mặt hàng thời trang vẫn còn tiếp diễn. Tại thị trường Hà Nội, những con phố nổi tiếng chuyên về thời trang như Kim Mã, Cầu Giấy, Chùa Bộc hay Quán Thánh, hàng loạt cửa hàng vẫn treo bảng "sale off" từ 30 - 50% cho mỗi sản phẩm, có nơi còn thu hút khách hàng bằng băng rôn " mua 1 tặng 1" bất kỳ sản phẩm nằm trong chương trình giảm giá.

Thời trang 'sale off' - tiền nào của nấy?

Nhiều shop thời trang giảm giá mạnh nhằm thu hút khách hàng 

Thị Vũ Vân Anh, chủ cửa hàng Bee shop (Quán Thánh, Ba Đình, HN) cho biết, mặc dù đã qua ngày khuyến mại, thế nhưng cửa hàng vẫn tiếp tục giảm giá cho khách hàng nhằm kích thích nhu cầu mua sắm. Các mặt hàng giảm giá chủ yếu tập trung ở hàng Thu - Đông, đặc biệt là thời trang dành cho phái nữ", chị Vân Anh cho biết.

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, ngoài những sản phẩm thời trang được thiết kế bởi nhà thiết kế Việt với mẫu mã đa dạng, thanh lịch, sang trọng phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng như doanh nhân, giới văn phòng... thì trên thị trường còn có nhiều shop thời trang kinh doanh các sản phẩm nhập khẩu cũng đua nhau giảm giá.

Tại phố Kim Mã, Chùa Bộc nhiều shop thời trang nhập khẩu với giá khá mềm, sau khuyến mại nhiều sản phẩm chỉ còn từ 200.000 - 500.000 đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chị em ưa thích săn đồ "sale off" thì việc các món đồ thời trang giảm giá sâu cũng ẩn chứa nhiều vấn đề như: chất lượng kém, vải không đẹp, thậm chí là lỗi mốt...

Theo tiết lộ của Huyền - một nhân viên bán hàng của nhãn hàng thời trang khá nổi tiếng chia sẻ, việc các shop thời trang hay nhãn hàng thời trang "sale off" đến 50 hay 70% các mẫu cao cấp thực chất chỉ là ảo.

"Có những sản phẩm bình thường bán giá 1,200.000 đồng, nhưng nếu nằm trong chương trình giảm giá sản phẩm đó có thể được đẩy lên 1.500.000 đồng để sau khi giảm vẫn có thể nằm ở mức giá cũ mà nhiều khách hàng không hề hay biết. Nhiều khách hàng sẵn sàng mua đồ "sale off" của nhãn hàng thời trang có thương hiệu với giá đắt đỏ mà không biết sản phẩm gắn mác "giảm giá" chỉ là chiêu của người kinh doanh", Huyền nói.

Chưa hết, nhân viên này còn chia sẻ rằng, nhiều shop thời trang nhập quần áo từ Quảng Châu - Trung Quốc sau đó gắn mác Hongkong, Hàn Quốc...để bán cho khách với giá cao hơn gấp nhiều lần.

Chia sẻ trên MXH, chị Mỹ Hà (Bà Triệu, HN) cho biết, hàng giảm giá không được đổi trả do đó đây cũng là rủi ro lớn đối với người mua. " Mình mua đôi giày giảm giá nhân ngày Black Friday thế nhưng khi nhận thì mỗi chiếc một màu, sau khi phản hồi tới nhà cung cấp thì nhận được trả lời rằng hàng giảm giá miễn đổi trả", chị Hà chia sẻ.

Không chỉ chị Hà, nhiều người tiêu dùng cũng tỏ ra thất vọng với các sản phẩm giảm giá có chất lượng không được như mong muốn. Hầu hết các món hàng được giảm giá sâu đều "có lỗi lầm" mà nếu là người tiêu dùng khó tính sẽ không dễ dàng chấp nhận.

Thời trang 'sale off' - tiền nào của nấy?

 Để mua được hàng giảm giá chất lượng người tiêu dùng cũng phải biết lựa chọn một cách thông minh

Cách kiểm định chất lượng trang phục nhanh nhất

Kiểm tra chất lượng bông vải cotton: Cầm lấy vạt vải, nắm chặt trong tay khoảng vài giây rồi bỏ ra. Nếu chất liệu vải trông nhăn nhúm như giấy bị vò nát, có nghĩa là đã được xử lý với hóa chất đặc biệt để giữ hình dáng sợi vải. Quần áo làm từ chất liệu vải như vậy sẽ nhanh chóng bị xù lông, dão và xuống cấp trầm trọng chỉ sau lần giặt đầu tiên.

Kéo đường may để xem cách gia công: Các mặt hàng chất lượng có đường chỉ khâu dày, khít. Hãy thử nhẹ nhàng kéo hai bên đường may. Nếu đường may có khoảng trống lớn, không đều nhau và nhăn nhúm, có nghĩa là món đồ này được gia công cực kỳ ẩu.

Chú ý chi tiết khóa: Hãy đảm bảo rằng những món quần áo, phụ kiện của bạn có dây kéo bằng kim loại và được giấu trong những nếp gấp vải khéo léo, bởi chúng sẽ có độ bền và tuổi thọ cao hơn. Dây khóa kéo bằng nhựa, để hở lộ thiên ra ngoài là dấu hiệu cho thấy mặt hàng này có chất lượng kém.

Đảm bảo đường may viền đủ rộng: Quần và váy nên có đường viền gấu khoảng 4 cm. Với áo phông và áo sơ mi, đường viền này có thể nhỏ hơn, khoảng 2 cm. Nếu ở gấu trang phục không có nếp gấp mà chỉ được vắt sổ, thì đó có thể là mặt hàng không tốt, bị may cẩu thả.

Kéo giãn chất liệu: Chất liệu vải tốt sẽ giữ được hình dạng ban đầu. Hãy thử kéo giãn vải thật mạnh rồi buông tay. Nếu vải không thể trở về trạng thái ban đầu, đó là loại vải rẻ tiền, kém bền.

Đọc nhãn mác về chất liệu: Các loại vải tự nhiên như bông, tơ tằm và len bền hơn vải tổng hợp. Tuy nhiên, chất liệu 100% cotton lại dễ bị co lại sau khi giặt. Đó là lý do vì sao chúng ta nên chọn quần áo với tỷ lệ 5-30% chất nhân tạo (viscose, polyester, nylon…). Loại vải như vậy sẽ lâu bị dão và bền lâu hơn.

Vải và chỉ đồng màu: Ngoài những thiết kế cố tình may chỉ màu nổi để gây ấn tượng, thì nhìn chung, vải và chỉ nên đồng màu. Ngoài ra, nếu trong một item thời trang mà xuất hiện những đoạn chỉ được may khác so với phần chất liệu vải còn lại, thì có thể nó đã được may chắp nối và vội vã.

Theo VietQ