Thổ Nhĩ Kỳ sa thải thêm 10.000 viên chức vì đảo chính

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ sa thải hơn 10.000 cán bộ công chức vì nghi ngờ họ có liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị cho là đứng sau cuộc đảo chính bất thành vào tháng 7.

Reuters cho biết hàng nghìn học giả, giáo viên và nhân viên y tế nằm trong số những người bị sa thải, theo một sắc lệnh khẩn cấp mới được công bố trên tờ Công báo vào cuối ngày 29/10.

Trong khi đó, 15 tờ báo, hầu hết từ khu vực phía đông nam của người Kurd, bị đóng cửa. Tổng số báo bị ngừng hoạt động là hơn 160 tờ.

Thổ Nhĩ Kỳ sa thải thêm 10.000 viên chức vì đảo chính
Giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ, được cho là đứng sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2016. Ảnh: Reuters

Theo sắc lệnh, cuộc bầu cử chọn ra hiệu trưởng các trường đại học cũng bị bãi bỏ. Tổng thống Tayyip Erdogan sẽ trực tiếp bổ nhiệm hiệu trưởng từ các ứng viên do hội đồng giáo dục cấp cao đề cử.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức bắt giữ hơn 37.000 người, sa thải hoặc đình chỉ 100.000 công chức, thẩm phán, công tố viên, cảnh sát và những người khác trong một chiến dịch chưa từng có.

Chính phủ cho rằng điều này là cần thiết để loại bỏ những người trong bộ máy nhà nước hay ở những vị trí chủ chốt ủng hộ giáo sĩ Gulen.

Tình trạng khẩn cấp, được áp dụng ngay sau khi cuộc đảo chính đẫm máu thất bại vào tháng 7, đã được gia hạn thêm 3 tháng nữa cho đến tháng 1/2007. Tổng thống Erdogan cho biết các nhà chức trách cần nhiều thời gian hơn để tiêu diệt các mối đe doạ từ mạng lưới của ông Gulen, cũng như nguy cơ từ các chiến binh người Kurd tiến hành nổi dậy trong 32 năm qua.

Quy mô cuộc đàn áp khiến một số đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm nhân quyền lo ngại. Chính phủ cho biết những động thái này là hoàn toàn đúng đắn trước sự đe doạ tới nền chính trị trong cuộc khiến 240 người thiệt mạng.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ mong muốn Mỹ bắt giữ và dẫn độ giáo sĩ Gulen để truy tố tại Thổ Nhĩ Kỳ, với cáo buộc ông chính là "đạo diễn" các vụ lật đổ chính phủ. Ông Gulen, người đã sống lưu vong ở Pennsylvania (Mỹ) kể từ năm 1999, bác bỏ mọi liên quan. 

Theo Trà My (Zing)