Thịt heo VietGAP bao giờ phổ biến?

Thịt heo sạch VietGAP từ Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) đã xuất hiện trên thị trường 5 năm qua, được bán lẫn lộn với thịt heo thường nên rất ít người biết. Ngày 9/10/2015, với hệ thống nhận diện thương hiệu được đầu tư bài bản, thịt heo VietGAP đã được người tiêu dùng (NTD) biết đến và rất hưởng ứng.

Lifsap sau 5 năm triển khai

Dự án Lifsap do Ngân hàng thế giới (WB) và Chính phủ Việt Nam tài trợ, triển khai trên các địa bàn: huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, và một số quận trong TP.HCM.

Theo báo cáo thực hiện dự án Lifsap tại TP.HCM, từ năm 2010 - 9/2015 Lifsap đã hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi nông hộ và gắn kết thị trường nhằm khuyến khích thực hành chăn nuôi an toàn trong các vùng ưu tiên. Trong 5 năm qua, Lifsap đã hỗ trợ thực hành VietGAP và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho hơn 646 hộ chăn nuôi.

Hỗ trợ mua sắm thiết bị cho 40 mô hình mẫu và 760 hộ nông dân tham gia GAP, sửa chữa chuồng trại cho 512 hộ, thực hiện bấm 88.429 thẻ tai cho đàn heo. Ngoài ra, Lifsap đã xây lắp được 644 hầm khí sinh học cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn 9 xã thuộc huyện Củ Chi và Hóc Môn.

Thịt heo VietGAP bao giờ phổ biến
Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ

Sau 7 đợt lấy 1.562 mẫu huyết thanh, điều tra dịch tễ và giám sát hàng ngày ở các hộ chăn nuôi tại 9 xã vùng GAP, 100% các hộ không phát hiện nhiễm virus lở mồm long móng và dịch tả trên đàn heo.

Đặc biệt, các mẫu phân tích thức ăn cho heo tại vùng GAP đều đạt các chỉ tiêu kháng sinh, vi sinh vật, kim loại nặng, không phát hiện độc tố nấm mốc và hormone tăng trưởng.

Các chỉ tiêu kháng sinh (Oxytetracyline, Tylosine), chỉ tiêu chất cấm (Chloramphenicol, Furazolidone), chỉ tiêu vi sinh vật (E.coli, Samonella), nhóm chất cấm Beta-Agonist (Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamin), chỉ tiêu độc tố nấm mốc (Aflatoxin tổng số và Aflatoxin B1) cũng không phát hiện.

Mặt khác, ngoài việc xét nghiệm định kỳ, xét nghiệm đột xuất trên đàn heo, xét nghiệm thức ăn thì đến thời điểm xuất chuồng, các hộ chăn nuôi phải thông báo lịch xuất chuồng với Lifsap và đơn vị này sẽ lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi nhập về lò mổ, heo phải được cách ly 1 ngày và được Cơ quan Thú y xét nghiệm trước khi đưa vào lò mổ (ở heo thường là 6 tiếng).

Heo sạch VietGAP ra chợ

Mặc dù được khẳng định là sản phẩm thịt heo sạch nhưng việc tiêu thụ sản phẩm VietGAP lại gặp nhiều khó khăn do hạn chế về quy mô chăn nuôi, số lượng giao không nhiều, không liên tục; đặc biệt chưa có nhà phân phối chính thức đủ điều kiện VietGAP nên 5 năm qua thịt heo VietGAP được tiêu thụ lẫn lộn với heo thường ngoài chợ.

Ngày 9/10/2015, Công ty TNHH An Hạ (Củ Chi), đơn vị đạt chuẩn VietGAP về thực hiện chuỗi liên kết khép kín từ thu mua, giết mổ và phân phối chính thức trở thành đơn vị bao tiêu và phân phối sản phẩm thịt heo VietGAP từ dự án Lifsap.

Thịt heo VietGAP do An Hạ bán lẻ được niêm yết bằng với giá heo thị trường: sườn non 125.000 đồng/kg, thịt vai, nách 70.000 đồng/kg, cốt lết 80.000 đồng/kg, ba rọi 85.000 đồng/kg, chân giò 70.000-75.000 đồng/kg, mỡ 30.000 đồng/kg…

Hiện tại, Công ty mới triển khai được điểm bán heo VietGAP đầu tiên tại chợ Hòa Bình (Q.5, chợ thuộc dự án Lifsap nâng cấp) và đang triển khai ở chợ Bà Điểm (Hóc Môn), cung cấp cho các bếp ăn tập thể, người tiêu dùng đặt mua trực tiếp. Một phần lớn thịt VietGAP đang được các nhà bán lẻ lấy về bán ở các chợ nhưng Công ty không thể chứng nhận và để họ sử dụng dấu hiệu nhận diện thịt VietGAP vì khó kiểm soát.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề giết mổ và phân phối thịt heo, bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ, đánh giá: “Trong heo chăn nuôi thông thường, không biết người nuôi tiêm hay cho heo ăn chất gì nhưng tôi thấy mùi thịt heo VietGAP khác nhiều so với mùi thịt heo thường.

Thịt heo thường giữ được độ tươi lâu hơn, có thể để bán từ sáng đến chiều thịt vẫn đỏ, vẫn tươi, chỉ lên mùi nhẹ. Trong khi đó, heo VietGAP có màu hồng nhạt, nếu bán ở chợ từ 6 giờ sáng đến khoảng 10-11 giờ trưa, thịt đã chuyển mùi”. Vì vậy, theo bà Thắm, Công ty phải chia làm 2 ca mổ: tối mổ khoảng 2/3 lượng heo để bán buổi sáng, trưa mổ phần khác để bán buổi chiều.

Ghi nhận phản ứng từ thị trường về thịt heo VietGAP hiện rất tốt, nhiều người tiêu dùng cho biết thịt chắc, dẻo, khi kho không bị ra nước và có mùi thơm của thịt heo xưa, ăn rất ngon.

Nghịch lý chăn nuôi heo sạch VietGAP

Năng lực giết mổ heo của Công ty An Hạ lên tới 3.000 con/ngày nhưng hiện nay 646 hộ chăn nuôi chỉ mới cung cấp được khoảng 200-250 con, so với nhu cầu thịt heo sạch tại TP.HCM thì con số đó là chưa đáng kể.

Trước đây các hộ chăn nuôi chăn nuôi heo VietGAP phải bán heo theo giá thị trường, trong khi theo mô hình này người chăn nuôi tốn nhiều công sức hơn, thời gian kéo dài từ 6-7 tháng (ở heo thường là khoảng 4 tháng) và chi phí thức ăn cũng cao hơn… khiến người chăn nuôi không có lãi nên không thể mở rộng quy mô.

Thịt heo VietGAP bao giờ phổ biến
Dây chuyền mổ heo đạt chuẩn VietGAP

Trước thắc mắc của chúng tôi, với giá thu mua thấp, chăn nuôi không có lãi, liệu người chăn nuôi có thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn VietGAP, bà Thắm tin tưởng cho biết: “Hiện nay, An Hạ thu mua cho bà con cao hơn giá thị trường khoảng 200.000 đồng/tạ, mức giá này cũng chỉ mới giúp người chăn nuôi huề vốn hoặc lãi rất ít.

Nhưng vì tham gia VietGAP họ được hỗ trợ về chuồng trại, hầm biogas, hỗ trợ vốn vay không lãi suất để mua con giống hoặc thức ăn… bắt buộc họ phải chấp hành theo quy định của VietGAP”.

Theo bà Thắm, giá bán niêm yết thịt heo VietGAP hiện ngang với giá thị trường và có thể giữ ổn định đến cuối năm. Hiện nhu cầu của thị trường tăng rất nhanh, đến một thời điểm nào đó, thịt heo VietGAP có thể tăng giá bán, nên thu nhập của người chăn nuôi sẽ được cải thiện, từ đó thúc đẩy mô hình chăn nuôi VietGap phát triển.

Theo La Giang (nguoitieudung)