Thị trường Tết: Lo ngại chất lượng thực phẩm ‘nhà làm’

Cận tết, thị trường các loại thực phẩm trở nên nhộn nhịp. Thế nhưng, bên cạnh những sản phẩm đảm bảo chất lượng thì không ít người tiêu dùng mua phải hàng kém chất

Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, khi sức tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh cũng là lúc hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì vậy, thực phẩm nhà làm lại được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn nhiều trong dịp Tết năm nay.

Trên chợ online, các loại thực phẩm nhà làm được rao bán rất đa dạng, bên cạnh những sản phẩm phục vụ dịp tết là các thực phẩm tươi sống thì thực phẩm đã chế biến sẵn và các loại đặc sản vùng miền như các loại hạt khô, bánh mứt trái cây cho đến thực phẩm ăn sẵn như thịt khô, thịt hun khói, mứt dừa, rượu ngâm hoa quả đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người tiêu dùng.

Thị trường Tết: Lo ngại chất lượng thực phẩm ‘nhà làm’Thị trường Tết: Lo ngại chất lượng thực phẩm ‘nhà làm’

Hầu hết các sản phẩm "nhà làm" bán trên mạng xã hội đều không có thông tin hàng hóa trên bao bì

Trong đó, các loại mứt được người tiêu dùng đặt mua nhiều nhất. Năm nay, mứt dừa trên thị thường còn có một số màu tự nhiên như: màu cam của gấc; màu tím của lá cẩm; màu xanh của lá dứa; màu nâu của cà phê… Giá bán dao động từ 150.000 - 300.000 đồng/kg. Thịt hun khói có giá từ 330.000đ/ kg thịt lợn, 750.000 - 850.000đ/kg thịt bò, giá xúc xích, lạp sường thì vô kể, có nơi bán 200.000đ/kg, có nơi giá chỉ còn 170.000đ/kg.

Đáng chú ý, các loại thực phẩm thiết yếu trong ngày Tết được quảng cáo là những đặc sản vùng miền năm nay được tiêu thụ rất nhiều như: Trâu gác bếp (Sơn La), Nem ( Thanh Hóa) hay các loại bánh chưng, thịt khô… Giá bán của các loại này từ vài chục ngàn đồng đến cả triệu đồng/kg tùy loại, tùy nguồn gốc. Trên mạng xã hội cũng không thiếu các loại rau củ quả, được giới thiệu do nhà trồng.

Hàng hóa đa dạng, thực phẩm phong phú nhưng theo quan sát của PV, hầu hết những sản phẩm bán trên chợ mạng được quảng cáo “tự tay nhà làm” đều không có nhãn mác hay bất kỳ một thông tin gì về sản phẩm.

Nhiều người đã mua thực phẩm "nhà làm" trên chợ mạng cho biết họ mua vì niềm tin vào người bán. Vì người bán là bạn bè, người thân quen, do bạn bè giới thiệu, nên họ tin tưởng, chứ người bán cũng không đưa ra được giấy tờ chứng nhận nguyên liệu hay chứng nhận quy trình sản xuất sản phẩm đó là an toàn.

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay chưa có quy định nào quy định cụ thể, chi tiết đối với việc bán hàng thực phẩm trên mạng xã hội, cũng như chưa có đơn vị, cơ quan nào chuyên trách kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm này. Tuy nhiên, theo Luật An toàn thực phẩm, đã là thực phẩm thì phải đảm bảo vệ sinh an toàn cho người sử dụng bất kể bán ở đâu, hình thức nào.

Nếu người tiêu dùng mua, sử dụng và có những vấn đề với loại thực phẩm nhà làm bán trên chợ mạng họ có thể khiếu nại, phản hồi trực tiếp tới người cung cấp. Trường hợp giải quyết không thỏa đáng, người tiêu dùng có thể phản ánh tới hội bảo vệ người tiêu dùng, tới chính quyền địa phương.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện nay việc buôn bán thực phẩm gọi là nhà làm trên các mạng xã hội là khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải nơi nào rao bán những sản phẩm nhà làm cũng là hàng có chất lượng, có một số nơi lợi dụng quảng cáo như thế để bán hàng kém chất lượng. Chính vì thế khi mua hàng người tiêu dùng phải biết thật chính xác nguồn gốc của thực phẩm đó chứ không chỉ nghe qua quảng cáo, vì trường hợp chỉ nghe qua quảng cáo nhưng lại gặp phải hàng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cần có quy định về hàng nhà làm

Mặc dù là hàng nhà làm hay hàng bất cứ một nơi nào sản xuất cũng nên có một quy định để người sản xuất tuân thủ.

Chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành cũng chia sẻ về vấn đề này, nhu cầu “thực phẩm nhà làm” là điều có thật, nhất là vào những dịp lễ hội, mặc dù chúng ta đang sống trong một xã hội đầy những thực phẩm công nghiệp, mà vấn đề an toàn thực phẩm được kiểm soát chặt, với đủ thứ quy định, từ khâu nguyên liệu, chế biến, bảo quản cho đến nơi bày bán…

Tuy nhiên, thực phẩm, một khi đã được thương mại hóa, được marketing qua Facebook thì buộc phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Người chế biến và người bán phải chịu trách nhiệm về sản phẩm kinh doanh của mình. Vấn đề là quy định nên như thế nào để người chế biến tại gia có thể tuân thủ, nhằm hạn chế rủi ro về an toàn cho người tiêu dùng.

Bảo Anh

Theo VietQ