Thi tốt nghiệp THPT trên máy tính được thực hiện như thế nào?

Thi tốt nghiệp THPT trên máy tính dự kiến sẽ được triển khai sau năm 2021, tuy nhiên hình thức này đã được triển khai tại Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội từ năm 2015 đến nay.

Theo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020 của Bộ GD&ĐT, phương thức thi được đề xuất là tổ chức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.

Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Lộ trình triển khai giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GD&ĐT đề xuất cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi.

Đặc biệt, giai đoạn này, Bộ sẽ thí điểm tổ chức thi trên máy tính để từng bước áp dụng phương thức thi này phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế  - xã hội của đất nước, phù hợp với điều kiện thụ hưởng giáo dục và cách tiếp cận công nghệ thông tin của học sinh.

thi-tot-nghiep-thpt-tren-may-tinh-duoc-thuc-hien-nhu-the-nao

Thi trên máy tính đã được ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức trong 4 năm qua.

Sau khi Bộ GD&ĐT đề xuất phương án nói trên đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của nhiều phụ huynh, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục về tổ chức thi trên máy tính. Dù còn nhiều băn khoăn, song đây là phương án khi được triển khai sẽ dựa trên nhiều yếu tố, có tổ chức thí điểm trước khi triển khai chính thức…

Trên thực tế, thi trên máy tính không còn xa lạ đối với nhiều quốc gia phát triển, đó là các kỳ thi dành cho học sinh trung học, khi tham gia kỳ thi này, học sinh sẽ có cơ hội để trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học. Tại Việt Nam, ĐH Quốc gia HN là nơi được lựa chọn để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong tuyển dinh đầu vào, làm cơ sở để triển khai kỳ thi quốc gia chung.

Từ năm 2015 đến nay, ĐH Quốc gia HN đã mở rộng kỳ thi trên máy tính tại nhiều tỉnh, thành trên phạm vi cả nước, ngày càng thu hút số lượng thí sinh đăng ký dự thi. Nhiều trường đại học cùng phối hợp tổ chức, sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực quốc gia.

Ghi nhận tại kỳ thi cho thấy, các thí sinh tham gia dự thi với tâm lý rất thoải mái, tự tin và nghiêm túc. Các yếu tố ngoại cảnh như thời tiết không làm ảnh hưởng tới việc tổ chức thi. Một điểm khác biệt nữa so với kỳ thi "truyền thống", đó là thi trên máy tính của ĐH Quốc gia Hà Nội thí sinh biết điểm luôn, việc công bố điểm cũng diễn ra khá nhanh.

Để tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh sẽ phải thực hiện bài thi đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 195 phút. Kết quả bài thi có giá trị để đăng ký xét tuyển vào ĐH Quốc gia HN và vào các trường khác đã được ĐH Quốc gia HN đồng ý để xét tuyển. Kết quả bài thi được bảo lưu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi.

Riêng bài thi ngoại ngữ gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 90 phút. Kết quả bài thi ngoại ngữ chỉ có giá trị ngay trong năm dự thi. Thí sinh thực hiện bài thi đánh giá năng lực và bài thi ngoại ngữ trực tiếp trên máy tính, tại các phòng thi đủ tiêu chuẩn. Thí sinh lần lượt làm hết phần bắt buộc, sau đó làm phần tự chọn. Bài thi hợp lệ phải làm cả phần bắt buộc và phần tự chọn (1 trong 2 nội dung tự chọn).

Về phương pháp chấm điểm, bài làm của thí sinh được chấm trực tiếp trên máy bằng các phần mềm thích hợp. Kết quả thi của thí sinh được tính bằng tổng số câu trả lời đúng trong bài thi. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được điểm. Tổng điểm toàn bài là 140 điểm.

Một quy định quan trọng trong kỳ thi trên máy tính của ĐH Quốc gia HN đó là thí sinh không được phép ghi âm, chụp ảnh hoặc sao lưu, chia sẻ thông tin về các câu hỏi thi của đề thi dưới bất cứ hình thức nào.

Theo GiaDinh