Thêm hàng loạt chiêu trò quảng cáo sản phẩm Zawa sai quy định, người dùng cẩn thận 'sập bẫy'

Không chỉ quảng cáo thực phẩm chức năng Zawa như thuốc chữa bệnh, nhiều website, đơn vị phân phối còn sử dụng hàng loạt chiêu trò để ‘tâng bốc’ sản phẩm này một cách thái quá với mục tiêu đưa người tiêu dùng vào bẫy.

Trong bài viết trước với nhan đề "Hô biến' thực phẩm chức năng Zawa thành thuốc chữa bệnh để lừa dối người tiêu dùng”, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã nêu phản ánh của bạn đọc về tình trạng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) Zawa quảng cáo không đúng quy định, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Theo phản ánh, sản phẩm thực phẩm chức năng Zawa hiện đang được quảng cáo, phân phối rộng rãi trên nhiều website, mạng xã hội Facebook. Sản phẩm này do Công ty Cổ phần Dược phẩm Locifa phân phối, chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.

Zawa được Locifa giới thiệu “là sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng cường sinh lý nam giới dạng nước đầu tiên tại Việt Nam sản xuất theo công nghệ hiện đại Nhật Bản”.

them-hang-loat-chieu-tro-quang-cao-san-pham-zawa-sai-quy-dinh-nguoi-dung-can-than-sap-bay

Zawa được quảng cáo như một loại thuốc có khả năng "điều trị" tình trạng yếu sinh lý. 

Mặc dù chỉ là thực phẩm chức năng nhưng trên một số website, Zawa được quảng cáo có tác dụng “điều trị” các bệnh như yếu sinh lý, bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực, thúc đẩy ham muốn.

Sản phẩm Zawa cũng được “vẽ” thêm nhiều công dụng như giúp giảm stress, giúp tập trung và minh mẫn hơn, làm chậm quá trình mãn dục nam, giúp cơ thể cải thiện trí nhớ, giảm căng thẳng mệt mỏi, hỗ trợ và điều hòa đường huyết… Thực phẩm chức năng Zawa cũng được quảng cáo với hàng loạt từ ngữ dung tục, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, sản phẩm Zawa bán ra thị trường còn có thông tin nhà sản xuất không đúng với bản đăng ký số 2135/2020/ĐKSP do Cục An toàn thực phẩm cấp. Vì nếu đúng như nội dung công bố, Chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩm Syntech – nhà máy Hải Dương mới là công ty sản xuất, nguồn gốc của sản phẩm Zawa. Tuy nhiên, trên nhãn sản phẩm này lại thể hiện đơn vị sản xuất là Công ty TNHH Dược phẩm Napharco (địa chỉ đường D1, khu CN Yên Mỹ 2, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

“Đạo” hình ảnh bác sĩ Nhật thành nhà nghiên cứu dự án Zawa

Để tăng tính tin cậy cho sản phẩm Zawa, Công ty Cổ phần Dược phẩm Locifa còn quảng cáo sản phẩm này được sản xuất bằng công nghệ Nhật Bản, trong đó, nhấn mạnh tới việc có các chuyên gia người Nhật Bản tham gia vào dự án phát triển Zawa.

them-hang-loat-chieu-tro-quang-cao-san-pham-zawa-sai-quy-dinh-nguoi-dung-can-than-sap-bay

Một quảng cáo giới thiệu ông Takakura Masaki làm Trưởng nhóm nghiên cứu sản phẩm Zawa châu Á. 

Đặc biệt, có hình ảnh xuất hiện rất nhiều được giới thiệu là ông Takakura Masaki làm Trưởng nhóm nghiên cứu sản phẩm Zawa châu Á. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hình ảnh trên là Tiến sĩ, bác sĩ Makoto Kondo, người đã có sách được dịch ra và bán ở Việt Nam.

Tiến sĩ Makoto Kondo là bác sĩ tại Đại học Y khoa Keio. Ông có kinh nghiệm hơn 40 năm điều trị ung thư, chuyên gia xạ trị của bệnh viện Đại học Keio.

Ông được biết tới là tác giả của hàng loạt cuốn sách bán chạy, như “Ung thư đừng vội phẫu thuật”, “Bệnh nhân ơi, không nên đấu tranh với ung thư”, “Liệu pháp tự bỏ mặc phát triển trong điều trị ung thư… Năm 2012, ông giành giải thưởng Kikuchi Kan Prize cho sự đóng góp to lớn của văn hóa Nhật Bản.

them-hang-loat-chieu-tro-quang-cao-san-pham-zawa-sai-quy-dinh-nguoi-dung-can-than-sap-bay

 

Trên thực tế, hình ảnh vị giáo sư được đem ra quảng cáo cho sản phẩm Zawa chính là ông Makoto Kondo (bác sĩ tại Đại học Y khoa Keio).

Có thể thấy, Công ty Dược phẩm Locifa đã không ngần ngại “đổi tên” ông Makoto Kondo thành Takakura Masaki để phục vụ cho việc “đánh bóng” sản phẩm. Điều này một lần nữa cho thấy sự gian dối của đơn vị phân phối, quảng cáo khiến người tiêu dùng khó lòng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.

Lợi dụng thương hiệu, hình ảnh của VTV để quảng cáo

Không chỉ dừng lại ở việc quảng cáo sản phẩm như thuốc chữa bệnh, “làm giả” hình ảnh chuyên gia để quảng cáo, sản phẩm Zawa do Công ty Cổ phần Dược phẩm Locifa chịu trách nhiệm đưa ra thị trường còn được khéo léo lồng ghép, lợi dụng thương hiệu VTV, HTV9 để quảng cáo.

Cụ thể, trên một số trang mạng xã hội, Facebook đang xuất hiện những video với tiêu đề được gắn thêm như “VTV1 đưa tin giải pháp điều trị dứt điểm…” “Thời sự HTV9-Zawa có thực sự tốt hay không”... rồi ghép thêm một số hình ảnh khác với mục đích lôi kéo người dùng chú ý đến sản phẩm Zawa.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong các video này chủ yếu nói về nội dung xoay quanh buổi tọa đàm giải pháp tăng cường sức khỏe sinh lý nam giới với sự có mặt của chuyên gia đến từ Nhật Bản và Việt Nam. Nội dung chính xác của các video từ VTV, HTV9 cũng không giới thiệu Zawa có khả năng điều trị một số bệnh như những quảng cáo của các trang mạng xã hội.

them-hang-loat-chieu-tro-quang-cao-san-pham-zawa-sai-quy-dinh-nguoi-dung-can-than-sap-bay

Lợi dụng thương hiệu VTV để quảng cáo cho sản phẩm Zawa 

Việc sử dụng các bản tin, hình ảnh của VTV, HTV9 để quảng cáo cho sản phẩm là hành vi hết sức nguy hiểm bởi người tiêu dùng nếu không xem xét kỹ hoặc không có chuyên môn rất dễ tin vào những quảng cáo kiểu như thế, tạo điều kiện cho những đơn vị quảng cáo sản phẩm thu lời bất chính. Trong số đó, có không ít bệnh nhân nghèo trở thành nạn nhân.

Theo quy định của pháp luật, mọi hành vi sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại mà không được sự đồng ý sẽ là vi phạm pháp luật.

Ngoài mức phạt tiền, người vi phạm còn buộc tháo gỡ quảng cáo, thậm chí là phạt tù. Cụ thể, tại Khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định “quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép” là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.

Liên quan tới vấn đề này, một luật sư của Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc tạo dựng lời dẫn của biên tập viên, gắn logo mạo danh đài truyền hình để quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính. Nếu người quảng cáo gây dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng thì còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Về xử phạt hành chính: Hành vi tạo dựng lời dẫn của biên tập viên, cắt ghép logo, hình ảnh để mạo danh cơ quan, tổ chức khác có thể bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về “Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định”; “Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép, đồng thời buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa đoạn quảng cáo vi phạm”.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Trong trường hợp người có hành vi quảng cáo gian dối đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Dân sự.

Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, tùy mức độ, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Về phía khách hàng, trong trường hợp sau khi xem đoạn quảng cáo và tìm đến mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ ở những nơi quảng cáo sai sự thật với số tiền lớn, họ có thể làm đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức đó gửi cơ quan công an.

Theo VietQ