Thêm cảnh báo của chuyên gia về rượu bia giả gây hại tới sức khỏe

BS. Ths Nguyễn Trọng An, đại diện Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN) nhận định, rượu giả gây ra hàng loạt các vụ ngộ độc, có thể lấy đi tính mạng con người bất cứ lúc nào.

Rượu, bia giả "nhởn nhơ" ngoài thị trường và nỗi lo thường trực

Thời điểm giáp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán 2019, nhu cầu sử dụng rượu, bia của người dân tăng cao. Đây là dịp để nhiều cơ sở sản xuất, chế biến ra các loại rượu kém chất lượng. Các thương lái, vì lợi nhuận, người tiêu dùng vì ưa đồ giá rẻ mà vô tình "giết" cơ thể bản thân.

Nói về việc làm giả rượu, bia, BS.Ths Nguyễn Trọng An, đại diện Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN) nhận định, rượu, bia giả có nguy hại rất lớn tới người tiêu dùng. Những chất cồn công nghiệp được pha chế trong quá trình sản xuất rượu, bia, bán tràn lan ngoài thị trường làm tăng nguy cơ ngộ độc. Thực tế, đã có nhiều vụ ngộ độc hàng loạt, gây ra chết người, hoặc bệnh về thần kinh, tâm thần khi sử dụng rượu, bia giả.

them-canh-bao-cua-chuyen-gia-ve-ruou-bia-gia-gay-hai-toi-suc-khoe

Cảnh giác khi mua rượu ngoài thị trường, tránh 'rước họa vào thân'. Ảnh minh họa

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2017, ghi nhận số vụ mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có methanol. Tổng số có 10 vụ với 115 người nhập viện và 11 người tử vong. Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân rối loạn tâm thần do rượu chiếm khoảng 6% và đang có xu hướng gia tăng nhanh. Nguyên nhân là do thị trường vẫn tồn tại rượu không bảo đảm an toàn, rượu chứa hàm lượng methanol cao, rượu giả tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và nhiều người dân còn chưa nhận thức đúng về tác hại của sử dụng rượu bia.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế, ở Việt Nam tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao, cụ thể: 44,2% nam giới và 1.2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên). Năm 2010, tỷ lệ tiêu thụ của một người dân Việt từ 15 tuổi trở lên (cả nam và nữ) là 6,2 lít cồn nguyên chất. Đến năm 2016, con số này lên tới 8,3 lít. Mức tiêu thụ rượu, bia cũng tăng đáng kể, từ 4,8 tỷ lít (2014) lên 4,1 tỷ lít bia (2017).

Cẩn trọng với những loại rượu, bia giả

Ông Jun Nakagawa, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết sử dụng rượu bia sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Ông Jun lấy dẫn chứng một báo cáo mới nhất của tạp chí Lancet xuất bản 2018 khuyến cáo người dân để sức khỏe an toàn nhất thì không uống rượu bia. “Chất có cồn được Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế kết luận là chất gây ung thư ở người. Do đó, ngưỡng an toàn nhất là không uống rượu”, ông Jun nói.

them-canh-bao-cua-chuyen-gia-ve-ruou-bia-gia-gay-hai-toi-suc-khoe

Ông Nguyễn Huy Quang: Ở Việt Nam tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao. Ảnh: T/N 

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo không lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác. Trẻ em dươi 18 tuổi không uống rượu bia. Đặc biệt không uống rượu bia khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, khi vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn hoặc có các tình trạng bệnh lý phải tránh đồ uống có cồn.

Lựa chọn rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh nguy cơ uống phải rượu giả pha cồn công nghiệp gây những vấn đề nghiêm trọng, ngộ độc khi uống phải, thậm chí tử vong. Tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt hoặc tử vong. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hoặc ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Không uống rượu khi không biết rõ đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM) Huỳnh Lê Thái Hòa cảnh báo người sử dụng phải hết sức cảnh giác để không mua nhầm rượu "dởm', vừa ảnh hưởng sức khỏe.

Theo VietQ