Thận trọng với một số loại thuốc gây buồn ngủ

Chúng ta đều biết thuốc được dùng để chữa bệnh hoặc để bồi dưỡng hoặc với mục đích phục vụ một thủ thuật ngoại khoa nào đó.tuy nhiên sau khi sử dụng thuốc sẽ có một số tác dụng phụ gây ra, đặc biệt có thuốc gây buồn ngủ. Vì vậy, một số ngành nghề luôn luôn phải tỉnh táo (không được buồn ngủ hoặc ngủ) như lái xe, vận hành máy, thường trực cần phải chú ý.

Những loại thuốc nào có thể gây buồn ngủ?

Ngoài các thuốc có tác dụng chính là gây ngủ còn có một số thuốc tác dụng chính không phải gây ngủ nhưng tác dụng phụ rất dễ gây buồn ngủ, nếu không biết và không chú ý có thể ảnh hưởng đến công việc, thậm chí gây nguy hiểm như một số ngành nghề cần thiết sự tỉnh táo.

Thuốc giảm đau, giảm ho có chứa codein: Đây là loại thuốc có tác dụng chính là gây hưng phấn, giảm đau, giảm ho nhưng nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, mất phương hướng, trong đó có hiện tượng buồn ngủ.

Thuốc điều trị chứng loạn thần: Một số thuốc dùng để điều trị bệnh lý này như dogmatin, aminazin… có thể gây ra một số tác dụng phụ như rối loạn vận động (đi lại khó khăn…), đặc biệt là gây ngủ hoặc ngủ gà, ngủ gật.

Thận trọng với một số loại thuốc gây buồn ngủ

Thuốc kháng histamin: Là những loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh dị ứng, thông thường được dùng trong các bệnh viêm mũi, họng, mắt dị ứng, đặc biệt là chứng hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa họng hoặc ngứa ngoài da, mề đay…

Các biệt dược thường chứa diphenhydramine, chlopheniramin hoặc đơn chất hoặc có kết hợp với thuốc giảm đau, hạ sốt. Trong thực tế, chlorpheniramin có trong nhiều loại thuốc trị cảm cúm với nhiều tên biệt dược khác nhau.

Thông thường, khi dùng chlopheniramin có thể làm cho người bệnh cảm thấy không tập trung, phản ứng chậm chạp và đặc biệt gây buồn ngủ, ngủ gà.

Thực ra, nhờ tác dụng buồn ngủ và ngủ cho nên khi dùng cho bệnh nhân bị ngứa do dị ứng với nhiều nguyên nhân khác nhau (cơ địa dị ứng, thời tiết, côn trùng đốt, mề đay…) làm cho người bệnh quên đi chứng ngứa vì thuốc có tác dụng gây buồn ngủ và ngủ. Tuy vậy, với người đang làm việc, cần tỉnh táo thì rất bất lợi.

Một số thuốc chống nôn: Thường được dùng chống say tàu xe, rối loạn tiền đình… như stugeron. Thuốc có tác dụng chống buồn nôn, nôn, chóng mặt. Ngoài các tác dụng chính, thuốc này còn có tác dụng gây buồn ngủ.

Một số thuốc điều trị tiêu chảy: Ngoài tác dụng chính làm giảm nhu động ruột nhằm ngăn ngừa tiêu chảy, thuốc còn có tác dụng không mong muốn là táo bón hoặc gây buồn ngủ. Một trong các thuốc điều trị tiêu chảy gây buồn ngủ là loperamie.

Thuốc điều trị hạ huyết áp: Trong các trường hợp huyết áp cao có nhiều nhóm thuốc, trong đó có nhóm ức chế chẹn bêta adrenergic (acebutolol, atenolol, betaxolol…),  nhóm ức chế thần kinh trung ương (aldomet) hoặc nhóm  ức chế men chuyển (pedix) có tác dụng không mong muốn là gây rối loạn giấc ngủ.

Thuốc giãn cơ: Các thuốc sirdalud, decontractyl… được chỉ định điều trị trong các trường hợp co thắt cơ gây đau; rối loạn cân bằng và chức năng vùng cột sống; sau phẫu thuật, chấn thương tủy sống, thoát vị đĩa đệm, viêm xương khớp; tình trạng co cứng do thần kinh (bệnh xơ cứng rải rác tủy sống mạn tính, thoái hoá cột sống, đột qụy não). Tuy vậy, thuốc có nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, khô miệng, hạ huyết áp, nôn, rối loạn tiêu hóa, yếu cơ và gây buồn ngủ.

Hậu quả của tác dụng không mong mốn này là gì?

Trong các trường hợp bình thường, tác dụng phụ gây buồn ngủ của thuốc không gây hậu quả gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong các trường hợp đặc biệt như đòi hỏi sự tập trung, lái xe, vận hành máy móc thì người dùng thuốc gây buồn ngủ có khi mắc sai lầm nghiêm trọng trong công việc, gây tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thậm chí tử vong.

Người bệnh cần chú ý gì khi dùng các loại thuốc này?

Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần tuân thủ:

Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ: Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để biết rõ cần uống thuốc trong thời gian nào để tác dụng phụ gây buồn ngủ không ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hay có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.

Thông báo cho bác sĩ biết chính xác nghề nghiệp khi cần dùng thuốc: Những người có nghề nghiệp đặc biệt như lái xe (ôtô, tàu hỏa, ca nô, máy xúc, máy kéo ngay cả người đi xe máy, xe đạp), người thường trực cơ quan… khi đi khám bệnh cần cho bác sĩ biết nghề nghiệp của mình để bác sĩ lựa chọn thuốc điều trị thích hợp tránh gây buồn ngủ. Bởi vì, buồn ngủ lúc đang làm việc với các ngành, nghề đó sẽ rất nguy hiểm cho bản thân và cho rất nhiều người khác.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc:  Người dùng cần đọc tất cả các thành phần trên nhãn của thuốc trước khi sử dụng và so sánh với các loại thuốc khác đang sử dụng (nếu có) và những cảnh báo, nhất là tác dụng gây buồn ngủ để tránh kết hợp vì sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng này.

TS. Đặng Bùi Bảo Linh

Theo suckhoedoisong