Tâm sự thật của giáo viên không nhận phong bì

Giáo viên mầm non cho rằng nhận phong bì của phụ huynh cảm thấy mình như đang nhận hối lộ, đút lót.

Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để học sinh, phụ huynh tri ân công sức đóng góp của các thầy cô giáo. Mỗi cá nhân, tập thể sẽ có những sự tri ân khác nhau, có người chỉ là một bông hoa, một món quà hay thậm chí là phong bì nhưng tất cả đều muốn thể hiện sự quan tâm, cảm ơn tới thầy cô giáo đã dạy dỗ con em mình trong thời gian qua.

Những món quà hay những chiếc phong bì trở nên quá quen thuộc, phổ biến khi tới thăm thầy cô hiện nay thì với cô giáo H.T.H (Giáo viên mầm non trên địa bàn Quận Long Biên, Hà Nội) lại khác, cô không bao giờ nhận phong bì của phụ huynh, nếu phụ huynh cố đưa cô sẽ tìm cách trả lại. Trò chuyện với PV xung quanh chủ đề này, cô H có nhiều quan điểm được cho là khác so với nhiều giáo viên hiện nay.

PV: - Trong thực tế hiện nay việc giáo viên nhận phong bì trong những ngày 8/3, 20/10, 20/11 là khá phổ biến, vì sao cô không nhận phong bì? Giả sử đối với các lớp học sinh lớn, có thể cô sẽ nhận được sự biết ơn, thậm chí quay lại thăm thầy cô cũ nhưng đây chỉ là bậc mầm non, cô có nghĩ hành động của mình được nhớ tới không?

Cô H.T.H: - Tôi nghĩ rằng việc nhận phong bì hay không là do quan điểm của mỗi người. Có nhiều phụ huynh họ muốn đưa phong bì cho giáo viên để tiện cho họ, bởi họ cũng không có thời gian và cũng không biết giáo viên thích quà nào để mua tặng.

Cũng giống như bản thân tôi đang là phụ huynh, tôi cũng nhiều khi đi phong bì vì không biết giáo viên của con tôi họ thích gì để tặng. Tuy nhiên cá nhân tôi khi là giáo viên tôi lại thích được tặng hoa hơn là tiền.

Tôi không nhận phong bì không phải vì muốn ai nhớ tới mà là quan điểm của riêng tôi như vậy. Tôi cũng không phản đối hay ủng hộ việc giáo viên nhận phong bì của phụ huynh nhưng với tôi, tôi có suy nghĩ khác.

Nếu được nhận quà, hoa hoặc quả tôi cảm thấy đây là những món quà có giá trị tinh thần hơn, thích hơn là tiền. Tiền mình có thể tiêu hết ngay nhưng quà có khi mình còn giữ và nhớ đến người tặng.

Thật ra với tôi quà gì không quan trọng, quan trọng là thái độ và sự chân thành của phụ huynh. Có người hoàn cảnh chỉ cần tặng mình một bông hoa hay một món đồ handmade thôi cũng làm mình vui.

PV: - Trong những năm giảng dạy, cô có gặp phải những tình huống khó xử khi có những việc làm hay quan điểm khác mọi người không và trong những tình huống đó vô sẽ phản ứng ra sao?

Cô H.T.H: - Thực tế xung quanh tôi giáo viên hầu hết ai cũng nhận phong bì của phụ huynh, chỉ riêng cá nhân tôi có những quan điểm hơi khác mọi người. Chính điều đó nhiều khi khiến tôi phải suy nghĩ có nên giữ quan điểm đó hay cần thay đổi để hòa nhập với mọi người.

Không những bị bàn tán sau lưng tôi còn bị đồng nghiệp góp ý thẳng rằng cuộc sống giờ hiện đại nên chuyện giáo viên nhận phong bì là chuyện rất bình thường, không nên có suy nghĩ cứng nhắc như thế.

Trong lớp tôi là giáo viên đứng lớp chính nên việc tôi không nhận phong bì cũng ảnh hưởng đến giáo viên dạy cùng lớp với tôi. Tôi nhớ có lần phụ huynh có tới lớp và cũng đưa tặng tôi một tấm thiệp, bên trong có tiền nhưng tôi từ chối nhận.

Vì tôi không nhận nên giáo viên làm cùng cũng không thể nhận nên suốt buổi hôm đó nữ giáo viên có vẻ buồn buồn.

Sau này khi thay đổi giáo viên tôi mới biết rằng mình bị trách móc nhiều thế nào. Có người thân thiết thì góp ý thẳng mặt tôi, họ bảo tôi hâm lắm, bây giờ ai còn như thế nữa, quan chức còn nhận hối lộ, mọi ngành đều như thế chứ riêng mình đâu mà ngại.

Thực ra tôi không muốn vì đồng tiền mất đi thể diện, tôi cảm giác nếu nhận phong bì như mình đang nhận hối lộ và như đang nhận đút lót.

Chính việc từ chối nhận phong bì của tôi cũng có thể khiến phụ huynh họ tự ái và bản thân tôi cũng nhiều khi thấy rất ngại, khó xử với phụ huynh nhưng tôi vẫn kiên quyết không nhận.

Có người họ thật lòng nói họ mong muốn tặng quà cho tôi nhưng do họ không có thời gian và họ cũng không biết mình thích gì để mua. Mặc dù tôi biết điều họ nói là hoàn toàn chân thành nhưng tôi phải bảo mong phụ huynh thông cảm, nếu nhận phong bì tôi sẽ bị đuổi việc.

Tôi biết rằng quan niệm của tôi sẽ khiến nhiều phụ huynh khó chịu, thậm chí họ có thể nói sau lưng tôi và cho rằng cô này chảnh, thậm chí dành những lời lẽ nặng lời hơn như không có tiền còn sĩ diện.

PV: Đã rất nhiều người nói rằng giáo viên quá nghèo lương thấp và chuyện được tri ân như thế cũng là phù hợp và xứng đáng, cô nghĩ sao về quan điểm này và nếu không có những thu nhập ngoài lương, cô thu xếp đời sống như thế nào?

Cô H.T.H: - Đến ngày tri ân thầy cô, phụ huynh muốn bày tỏ tấm lòng với việc giáo viên dạy con họ thì việc giáo viên nghèo hay giàu được nhận tri ân là chuyện bình thường, không có gì phải ngại, quan trọng là sự tôn trọng từ phụ huynh.

Không phải phải bình thường họ mắng chửi giáo viên, làm quá mọi chuyện lên và trong ngày này có cho tiền mình cũng chẳng cần. Nhiều phụ huynh giờ họ cư xử rất buồn cười.

Đúng là lương giáo viên rất thấp, nghề giáo viên như nghề làm dâu trăm họ nên bản thân mỗi người phải tự biết vun vén. Nếu không dựa được vào chồng thì chúng tôi phải tìm cách làm thêm, tiết kiệm để trang trải cuộc sống.

PV: - Hiện nay xuất hiện khá nhiều những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, cá nhân cô có thấy buồn trước hiện tượng này không?

Kinh tế thị trường với sự lên ngôi của đồng tiền là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên, vậy theo cô kể cả trong hoàn cảnh như vậy, lựa chọn nghề giáo là một lựa chọn đòi hỏi sự chấp nhận như thế nào?

Cô H.T.H: - Đúng là hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục khiến tôi cũng thấy buồn và chạnh lòng. Tuy nhiên các cá nhân này chỉ như con sâu bỏ rầu nồi canh thôi.

Vậy nhưng nhiều người không nghĩ vậy, có người họ có ấn tượng không tốt với giáo viên mầm non và khi chúng tôi ra ngoài cũng bị họ tỏ thái độ coi thường.

Với cấp học cao hơn, học sinh thậm chí còn bắt nạt giáo viên. Giáo viên sơ sảy là quay phim, chụp ảnh bêu rếu nên rất khó làm việc.

Trước mình đi học thì rất sợ giáo viên nhưng hiện nay nhiều em không sợ vì cho rằng bố mẹ các em có tiền chống lưng. Với những tiêu cực vậy không biết ngành giáo dục sẽ đi về đâu và lựa chọn theo nghề giáo viên sẽ có nhiều vấn đề, ít được mọi người lựa chọn bởi nghề này lương không cao, sự tôn trọng cũng không được như xưa nữa.

Hơn nữa kinh tế thị trường với sự lên ngôi của đồng tiền nhiều người sẽ chọn ngành có mức lương cao. Nếu muốn tiếp tục lựa chọn làm giáo viên, bản thân người đó phải yêu nghề, chịu được áp lực từ nhiều phía, hơn hết họ phải có điều kiện khá, chồng phụ giúp hoặc có nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Nếu chỉ trông chờ vào lương giáo viên sẽ không đủ sống trong xã hội bây giờ.

Ngoài ra những người làm quản lý giáo dục nên có chính sách nào đó để khuyến khích và lựa chọn đội ngũ giáo viên tốt. Điều quan trọng tiếp theo đó là phải làm sạch tiêu cực trong ngành giáo dục và thay đổi sự cư xử giữa phụ huynh với giáo viên.

Hơn nữa tôi cho rằng giờ tiêu chí chọn giáo viên mầm non phải có bằng chuẩn cao đẳng là hơi viển vông trong khi giáo viên đang thiếu thì lấy giáo viên có bằng trung cấp là hợp lý.

Giờ tình trạng bạo hành xảy ra khá nhiều, kể cả giáo viên đó có học ở Đại học hay Cao Đẳng nhưng nếu không được quản lý tốt thì việc đó vẫn xảy ra. Không phải cứ có bằng cấp mới không xảy ra tình trạng bạo hành.

Thanh Thanh (thực hiện)