Tâm sự của những người dân đang tự "cấm túc" mình

Việc người dân hưởng ứng ở nhà, tránh tiếp xúc, hạn chế tối đa khi ra đường để cắt đứt mạch lây lan của dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng. Hà Nội cũng như nhiều thành phố khác vốn ồn ào, náo nhiệt nhưng nay mới hơn 20h tối đã vắng bóng người…

tam-su-cua-nhung-nguoi-dan-dang-tu-cam-tuc-minh

Phố Đinh Liệt và hàng loạt tuyến phố cổ vốn sầm uất, náo nhiệt nay vắng lặng. ẢNH: LÊ BẢO

Cánh cửa an toàn sẽ mở rộng khi người dân ở nhà 

Mới đây (ngày 25/3), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nguồn lây nhiễm dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội đang phức tạp, trong thời gian tới nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn lớn hơn, "cửa an toàn của chúng ta ngày càng hẹp hơn".

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh: "Vẫn còn cơ hội nếu mọi người đồng lòng ở nhà… Nếu mỗi người cùng phong tỏa việc đi lại của mình, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng thì cánh cửa an toàn sẽ mở rộng ra". 

Ngay sau đó, Hà Nội đã tiến hành hàng loạt biện pháp như đóng cửa các quán cà phê, massage, quán bar, karaoke, bia hơi, thẩm mỹ viện, khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, khu thể thao…

Hầu hết các cơ sở kinh doanh những dịch vụ trên đã tự giác tạm thời đóng cửa để chung tay cùng cả nước trong cuộc chiến lại COVID-19. Trao đổi với PV, anh Lê Hùng - chủ một quán cà phê trên phố Linh Lang (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Ngay sau khi có khuyến cáo của Hà Nội, quán chúng tôi đã lập tức chấp hành nghiêm chỉnh. Bản thân tôi thấy việc này là cần thiết để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng trong tình hình hiện nay". 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành của nước ta, Chính phủ, cơ quan chức năng ngay lập tức có nhiều biện pháp kịp thời để khống chế, ngăn chặn sự lây lan của virus trong cộng đồng.

Những chỉ đạo sát sao đó đã minh chứng cho thấy hiệu quả phòng, chống dịch tại Việt Nam. Điều này, đã được WHO và nhiều nước trên thế giới đánh giá cao, đồng thời mong muốn tham khảo cách ngăn chặn dịch bệnh của chúng ta. 

Trong tình hình mới của dịch bệnh, việc đưa ra những quyết sách là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ thể hiện ở việc điều trị, cách ly, ngăn chặn sự lây lan từ bên ngoài lãnh thổ cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế về khẩu trang, nước sát khuẩn, rửa tay với xà phòng.

Đặc biệt, Chính phủ, Bộ Y tế cũng như TP Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo đối với người dân không ra đường khi không thật sự cần thiết. Ngày 22/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi người dân tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan y tế để chống dịch COVID-19 trong giai đoạn tới.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Người trên 60 tuổi hãy ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác, hạn chế tụ tập đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài và nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, tập thể dục nâng cao sức khỏe". 

Ở nhà là chung tay chống dịch 

tam-su-cua-nhung-nguoi-dan-dang-tu-cam-tuc-minh

Người dân có mặt tại một tiệm tạp hóa mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết.

Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội trưa và chiều các ngày 26 - 27/3 cho thấy, hàng loạt tuyến phố trung tâm Hà Nội như: Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Tạ Hiện, Hàng Bông, Hàng Mã… gần như tất cả các cửa hàng kinh doanh đều trong tình trạng "cửa đóng then cài". Đặc biệt, trong tối 26/3 tại nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội trước đây vốn sôi động, nhộn nhịp đã trở nên vắng lặng yên bình. 

Bà Nguyễn Thị Hoàng (57 tuổi, trú tại Hàng Vôi) chia sẻ: "Mỗi ngày tôi và gia đình đều theo dõi tình hình dịch bệnh tại Việt Nam cũng như thế giới.

Trước đây, hàng ngày tôi vẫn giúp con cháu trong việc trông nom quán cà phê, nhưng nay quán tạm đóng cửa, bản thân tôi cũng không ra ngoài mà chỉ quẩn quanh trong nhà chơi với hai đứa cháu". Bà Hoàng cũng cho biết, ra đường thời điểm này là không an toàn bởi virus vẫn có thể lây lan nếu chúng ta sơ ý tiếp xúc, nói chuyện với khoảng cách gần. 

Vợ chồng anh Hùng, chị Hoa trú tại phố Bạch Mai (Hai Bà Trưng) cũng nêu quan điểm: "Trong những ngày này, ngoài thời gian đi làm, chúng tôi đều trở về nhà và không tham gia bất cứ hoạt động vui chơi giải trí, tụ tập ăn uống hay cà phê với bạn bè, đồng nghiệp.

Ở nhà là an toàn cho chính mình cũng như an toàn cho cả xã hội". Ngoài ra, chị Hoa cũng cho biết: "Nếu trước đây cứ hai ngày tôi mua thực phẩm tại siêu thị một lần thì nay tôi mua cho cả gia đình đủ sinh hoạt khoảng 1 tuần để hạn chế tối đa việc di chuyển ra nơi đông người". 

Trước diễn biến dịch bệnh, anh Bình - người chạy xe ôm tự do tại khu vực phố Cầu Gỗ - Hàng Đào nói: "Tôi cũng nghỉ chạy xe một thời gian bởi thời điểm này gần như người dân không ra đường.

Dù thu nhập bị giảm sút nhưng bản thân tôi luôn tin rằng với những biện pháp ngăn chặn dịch của chúng ta sẽ sớm chiến thắng để cuộc sống của người dân trở lại như trước đây. Nếu tôi có cố chạy xe, chẳng may bị lây nhiễm bệnh thì lúc đó không chỉ là gánh nặng cho gia đình tôi mà còn là gánh nặng cho các lực lượng chức năng, cho các cấp chính quyền". 

Hà Nội chưa bao giờ vắng vẻ như hiện nay. Nhưng điều này đã minh chứng cho sự chung tay, đồng lòng của người dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID- 19.

Theo GiaDinh