Tâm sự của một học sinh trường chuyên và điểm yếu giáo dục truyền thống từ câu chuyện "vịt thi chạy, ngựa tập leo cây"



Điểm yếu của hệ thống giáo dục hiện thời là thay vì ươm mầm tình yêu với tri thức cho học trò lại hủy hoại nó. Thay vì nuôi dưỡng sự sáng tạo thì bóp chẹt cho nó chết đi.

Chuyện ngụ ngôn về trường học loài vật

Câu chuyện ngụ ngôn về trường học loài vật nhiều người từng được đọc và được cho là của tác giả George Reavis.

Truyện kể rằng một hôm, các loài thú vật quyết định rằng chúng phải làm gì đó thật vĩ đại để giải quyết các vấn đề mà thế giới đang đối mặt. Và thế là chúng mở ra một trường học.

Tất cả loài vật đã thông qua một chương trình giảng dạy bao gồm: leo cây, chạy, bơi và bay. Để việc quản lý chương trình được dễ dàng hơn, mọi loài vật đều phải tham gia tất cả các môn học.

Và rồi:

Con vịt rất xuất sắc trong môn bơi lội, thậm chí là còn giỏi hơn cả thầy giáo. Nhưng nó chỉ đủ điểm đậu môn bay, và rất tệ môn chạy. Vì vịt chạy rất chậm, nó phải ở lại trường sau giờ học và phải bỏ luôn cả bơi để luyện tập môn chạy. Việc này tiếp diễn cho đến màng chân của nó bị rách toạc khiến vịt chỉ đạt điểm trung bình trung bình trong môn bơi. Vì ở trường, điểm trung bình là chấp nhận được, nên chẳng ai lo lắng về điều đó trừ vịt.

Con ngựa dẫn đầu lớp trong môn chạy, nhưng nó gặp khó khăn lớn vào những giờ học có môn leo cây.

Sóc thì rất giỏi trong môn leo cây, nhưng nó lại thất bại trong môn bay, khi thầy giáo yêu cầu phải bay từ dưới đất lên thay vì từ ngọn cây xuống. Nó bị chuột rút vì phải cố gắng quá sức và sau đó bị bốn điểm trong môn leo và điểm hai trong môn chạy.

Đại bàng là một đứa trẻ hư đốn và thường xuyên bị kỷ luật nặng nề. Trong giờ học leo trèo, nó vượt qua tất cả các học sinh khác và leo đến ngọn cây sớm nhất nhưng khăng khăng đòi sử dụng cách riêng của nó để đến đích chứ không phải dùng chân bám và leo từng bước như hướng dẫn.

Kết thúc năm học, bạn đoán xem con vật nào có tổng điểm cao nhất? Đó là lươn, một con vật hết sức kỳ dị. Dù chẳng học môn nào xuất sắc, nhưng nó có thể bơi, chạy, leo và bay mỗi thứ một chút, nên nó đạt điểm trung bình môn cao nhất và trở thành thủ khoa.

Loài cầy thảo nguyên phản đối hệ thống đào tạo này vì ban quản lý nhà trường từ chối thêm môn đào hang vào chương trình giảng dạy. Chúng quyết định không tham gia vào trường học. Những con cầy sau đó hợp tác với lũ nhím và chuột túi, mở một trường học tư nhân, và đạt được thành công vang dội.

tam-su-cua-mot-hoc-sinh-truong-chuyen-va-diem-yeu-giao-duc-truyen-thong-tu-cau-chuyen-vit-thi-chay-ngua-tap-leo-cay

Điểm yếu của giáo dục truyền thống

Câu chuyện này thường xuyên được các nhà giáo dục phương Tây sử dụng để minh họa cho sự phiến diện của giáo dục chính quy thông qua trường lớp. Các trường học chính quy từ cấp một đến cấp ba thường xếp lớp dựa trên tuổi tác và giảng dạy một số môn học nhất định. Theo nhà giáo dục người Mỹ Leo Buscaglia, phương pháp này có không ít hạn chế.

Một mặt, việc xếp lớp dựa trên độ tuổi không đem lại lợi ích cho mọi học sinh, vì sự phát triển về thể chất và tinh thần của con người là khác nhau dù cùng chung độ tuổi. Mặt khác, sự đánh giá dựa trên một số môn học trong nhà trường không phát huy được thế mạnh của mỗi cá nhân và làm hạn chế sự phát triển toàn diện của con người.

Tại Việt Nam, giáo dục nhà trường còn nhiều bất cập vì phải chạy đua theo thành tích. Nhìn lại bản thân mình, tôi thấy điều này để lại những hậu quả nặng nề.

Thời mới vào cấp ba, tôi đăng ký thi chuyên văn vì hồi đó với tôi học văn dễ như uống nước. Mỗi đề bài đều tìm ý hay ý mới để viết, nên điểm văn cấp hai lúc nào cũng cao nhất lớp. Đậu vô trường chuyên, cứ tưởng học mà như chơi, ai ngờ tan tành giấc mộng.

Chương trình học nhồi nhét khủng khiếp, lớp 10 thì học chương trình lớp 11, lớp 11 thì học tiếp chương trình 12, rồi 12 thì ôn lại những bài cũ. Ngày nào cũng có vài đề bài văn phải làm. Mỗi bài thơ truyện ngắn là ba, bốn bài tập làm văn khác nhau, hết đề này tới đề khác. Ý tưởng đâu mà đẻ ra liên tục như vậy, nên không còn cách nào khác tôi đành xào nấu những bài cũ, cắt xén ý này ý nọ lắp ghép vào với nhau.

Thầy dạy môn chuyên lên lớp giảng bài theo từng ý, cứ như vậy mà chép vô như rô bốt. Bởi vì học là để thi, mà thi thì chấm bài theo ý. Nên ngay cả môn văn thầy cũng phải dạy theo công thức sao cho học sinh thi đậu, đủ ý đúng ý của người ra đề, chỉ biết chạy theo thôi chứ biết làm sao.

Cả năm học cứ chạy theo các kỳ thi, hết thi chuyên đề, lại thi đội tuyển trường, rồi thi học sinh giỏi tỉnh, đến thi Olympic 30/4, đến thi quốc gia. Mỗi lần gần tới kỳ thi, tôi toàn thức dậy lúc 2 giờ sáng để học bài. Nhiều khi mệt quá học không nổi, nên lên lớp kiểm tra đành nộp giấy trắng. Bây giờ đã qua mười mấy năm mà đôi khi nằm mơ vẫn thấy mình trễ thi, tới lộn phòng thi, không mặc quần áo đi thi, thật là ác mộng. Sau ba năm học chuyên văn, tôi thấy mình tàn tạ như giẻ rách, tình yêu với môn văn tan tác như lá nát sau mưa dông. Tôi trở nên căm ghét văn -chương, và chuyển hướng sang học kinh tế.

Nhà giáo dục Mỹ Neil Postman từng nói: "Trẻ em đến trường với những dấu chấm hỏi và ra trường với những dấu chấm hết". Trường học truyền thống đôi khi làm thui chột đi khả năng tò mò và lòng ham hiểu biết. Đây cũng là điểm yếu của hệ thống giáo dục hiện thời. Thay vì ươm mầm tình yêu với tri thức cho học trò lại hủy hoại nó. Thay vì nuôi dưỡng sự sáng tạo thì bóp chẹt cho nó chết đi. Thế nên đừng học vì trào lưu, hãy học vì ham thích. Theo đuổi tri thức đích thực, khám phá đam mê bản thân.

(*) Nội dung bài viết tham khảo cuốn Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? Tác giả Rosie Nguyễn.

Theo Tri thức trẻ