Tài xế ô tô cần biết những điều này về túi khí kẻo có ngày 'chết oan'

Túi khí là một trong những hệ thống an toàn quan trọng trong xe ô tô, nó giúp hạn chế chấn thương cho người ngồi trong xe khi có va chạm xảy ra.

Túi khí được hình thành và phát triển từ những năm 50, qua nhiều năm và nhiều sự cải tiến khắc phục những nhược điểm và hạn chế của túi khí thì đến năm 1971 chính thức được sử dụng.

Khi tai nạn xảy ra để người ngồi trong xe không bị chấn thương nặng, phải đảm bảo được hai yếu tố: giữ cho cabin xe cứng vững ít bị biến dạng và đồng thời giảm thiểu chấn thương do hành khách bị “quăng quật” bên trong cabin khi xảy ra tai nạn. Các thiết bị an toàn thụ động sẽ đảm bảo điều này, chúng chủ yếu gồm: Thân xe, Đai an toàn và Túi khí.

Tài xế ô tô cần biết những điều này về túi khí kẻo có ngày 'chết oan'

Nhiều người vẫn không hiểu rõ được cơ chế hoạt động của túi khí. Ảnh minh họa 

Với túi khí, khi xảy ra va chạm, cảm biến có tên ACU sẽ nhận ra va chạm qua máy đo gia tốc. Sau đó kích hoạt hệ thống bơm phồng các túi khí. Lượng khí gas lớn nén trong thể tích nhỏ khiến túi khí bung ra với tốc độ cực lớn, khoảng 300km/h. Trong vòng 5 giây, các khí này từ từ được thoát ra theo các lỗ nhỏ để bạn không bị mắc kẹt trong xe.

Cụ thể, hệ thống này trải qua 3 giai đoạn chính kể từ khi xe gặp va chạm cho đến khi túi khí bung. Đầu tiên, hệ thống điều khiển chính (ACU) điều khiển các cảm biến va chạm, gia tốc, tốc độ và áp lực phanh,... để nhận biết mức độ ảnh hưởng. Khi con số này vượt quá giá trị quy định thì ngòi nổ trong bộ thổi mới đánh lửa. 

Tiếp theo, ngòi nổ sản sinh dòng điện có cường độ từ 1A đến 3A trong vòng dưới 2 mili giây để đốt chất mồi lửa và hạt tạo khí để tạo ra lượng khí lớn trong thời gian ngắn. Cuối cùng, túi khí được bơm căng để giảm tác động lực người ngồi trên xe và ngay lập tức khí đó thoát ra ở các lỗ xả phía sau.

Khi ngồi trên xe ô tô, tài xế hay chú ý đến bộ phận túi khí. Cụ thể, đèn báo này sáng khi bật khóa điện và tắt đi sau khoảng 6 giây. Nếu đèn báo hiệu không sáng, hoặc không tắt trong suốt quá trình lái thì túi khí hoặc hệ thống báo gặp sự cố, cần kiểm tra túi khí ngay lập tức.

Để biết túi khí trên xe có hoạt động hay không cần chú ý đèn báo hiển thị trên mặt táp lô. Hệ thống này có chức năng theo dõi cụm cảm biến túi khí, nguồn điện và bộ bơm.

Một chú ý mà người lái thường hay mắc đó là để trẻ em, người già, phụ nữ có thai ngồi hàng ghế trước, khi gặp sự cố, túi khí nổ nhiều khi sẽ gây phản tác dụng.

Tuyệt đối không cho trẻ em ngồi trên lòng người khác, đặc biệt là ghế trước. Bởi khi phanh gấp hay đổi hướng lái đột ngột, trẻ em sẽ bị văng ra theo quán tính, hết sức nguy hiểm.

Không dịch ghế quá gần đến vị trí đặt túi khí, không gác chân, đặt đồ lên khoảng không gian mà túi khí có thể bung ra. Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa người và túi khí là 25cm.

Minh Châu (T/h)

Theo VietQ