Tác dụng phụ của vắc xin Covid-19 khiến nhiều người chần chừ thử nghiệm

Các nhà nghiên cứu cho biết, sau khi tiêm vắc xin của Pfizer, Moderna, một số người bị sốt cao, đau nhức xương, tay sưng to nhưng tình trạng không kéo dài.

VietNamnet dẫn thông tin từ Sciencemag cho biết, mới đây anh Luke Hutchison, nhà sinh học được đào tạo tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), đã tình nguyện thử nghiệm vắc xin Covid-19 của hãng Moderna (Mỹ).

Sau khi tiêm mũi thứ 2, cánh tay của anh ngay lập tức sưng to bằng quả trứng ngỗng. Anh không biết mình được tiêm vắc- xin hay giả dược. Nhưng trong vòng vài giờ, người đàn ông 43 tuổi khỏe mạnh bị sốt 38,9 độ C, trải qua cơn đau nhức xương và cơ không chịu nổi.

Hutchison nhớ lại: “Người tôi bắt đầu run lên. Tôi có những cơn nóng lạnh thất thường. Tôi ngồi bên điện thoại cả đêm và băn khoăn có nên gọi cấp cứu không?”.

Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, các triệu chứng của Hutchison hết sau 12 giờ. Nhưng anh khẳng định: "Không ai thông báo cho tôi về mức độ nghiêm trọng của việc này".

tac-dung-phu-cua-vac-xin-covid-19-khien-nhieu-nguoi-chan-chu-thu-nghiem

 Những tác dụng phụ của vắc xin Covid-29 khiến nhiều người lo lắng. Ảnh minh họa

Hutchison cho rằng mọi người nên chuẩn bị tâm lý tốt hơn bởi có những trường hợp phải đối mặt với các tác dụng phụ dữ dội dù không kéo dài. Một số chuyên gia sức khỏe cũng đồng quan điểm với anh.

Deborah Fuller, nhà vắc xin học tại Đại học Washington (Mỹ) bày tỏ lo lắng các tác dụng phụ có thể khiến người dùng do dự vắc xin.

Những mối e ngại xuất hiện sau một tuần có nhiều tin tốt về vắc xin Covid-19. Cả Moderna và Pfizer - BioNTech đều thông báo rằng vắc xin RNA thông tin (mRNA) của họ đạt hiệu quả hơn 90% trong các thử nghiệm lâm sàng trên hàng chục nghìn người. Cả 2 công ty cho biết thêm, các cuộc thử nghiệm không cho thấy mối lo ngại nghiêm trọng về độ an toàn.

Cả 2 loại vắc xin đều bao gồm một đoạn mã di truyền chỉ đạo sản xuất protein gai của virus corona. Một số người nghi ngờ phản ứng của hệ miễn dịch đang gây ra các tác dụng phụ ngắn hạn.

Florian Krammer, nhà vắc xin học tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai (Mỹ) là người đã tham gia vào chiến dịch của Pfizer. Ông cho biết, đau nhức cánh tay, sốt và mệt mỏi khó chịu nhưng không nguy hiểm. Hầu hết mọi người sẽ không có các tác dụng phụ gây cản trở hoạt động hàng ngày. Dưới 2% số người nhận vắc xin Pfizer và Moderna bị sốt nặng từ 39 đến 40 độ C.

Nhưng nếu giành được sự chấp thuận của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, các công ty đang hướng tới việc cung cấp vắc xin cho 35 triệu người ở Mỹ vào cuối tháng 12. Nếu 2% bị sốt nặng, con số đó sẽ là 700.000 người.

Các tác dụng phụ thoáng qua khác có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều người hơn. Với vắc xin Moderna, hiện tượng mệt mỏi xuất hiện ở 9,7% số người tham gia, đau cơ ở 8,9%, đau khớp ở 5,2% và đau đầu ở 4,5%. Đối với vắc xin Pfizer - BioNTech, con số thấp hơn. Các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm mệt mỏi (3,8%) và đau đầu (2%).

Arnold Monto, nhà dịch tễ học tại Đại học Y tế Công cộng Michigan (Mỹ), cho biết: “Đây là khả năng gây phản ứng cao hơn so với hầu hết các vắc xin cúm, ngay cả những loại liều cao”.

Chuyên gia Bernice Hausman, Đại học Y bang Pennsylvania, nhấn mạnh: “Minh bạch là chìa khóa. Nhà sản xuất vắc xin nên cảnh báo mọi người rằng họ có thể bị sốt, mệt nghiêm trọng nhưng chỉ là tạm thời. Mọi người sẽ thấy họ đang được nghe sự thật".

Vị chuyên gia này cũng cho rằng cần phải hỗ trợ những người có phản ứng nghiêm trọng như một đường dây nóng với y tá kiểm tra để tư vấn bạn có phải đến bệnh viện hay không.

Cả vắc xin Moderna’s và Pfizer - BioNTech đều yêu cầu hai liều cách nhau vài tuần. Khả năng phản ứng phụ thường cao hơn sau liều thứ hai. Điều đó đồng nghĩa bạn có phản ứng miễn dịch tốt với liều đầu tiên và bây giờ bạn đang thấy tác dụng của điều đó.

Liên quan tới vắc xin Covid-19, mới đây Bộ Y tế Việt Nam cho biết, sau khâu thẩm định hồ sơ chuẩn bị hoàn tất, ngay trong tháng 11 và chậm nhất là đầu tháng 12/2020, Việt Nam sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm trên người. 

Còn theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trên thế giới hiện nay đang cấp tập sản xuất vắc xin phòng Covid-19 với khoảng 150 "ứng viên".

Phó Thủ tướng giải thích thêm: "Nói nôm na là đầu tiên sẽ thử trong phòng thử nghiệm, với động vật nhỏ như chuột, sau đó thử với động vật linh trưởng như khỉ. Cuối cùng sẽ thử nghiệm trên người nhưng phải trải qua 3 vòng (vòng 1 vài chục người, vòng 2 vài trăm người và vòng 3 thử nghiệm đến vài nghìn người)".

Về 4 đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết có 2 đơn vị đã "đi trước", dự kiến cuối năm nay thử nghiệm vòng 1 trên người. Dự kiến cuối năm 2021 đầu 2022 mới sản xuất được.

Theo VietQ