Suýt t.ử v.ong vì ăn nhầm "xác nhộng ve sầu" mà tưởng "Đông trùng hạ thảo"

Vì lầm tưởng xác nhộng ve sầu là đông trùng hạ thảo một người đàn ông tại Bình Thuận đã ăn và bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu.

Theo thông tin từ TS. BS Nguyễn Thị Thủy Ngân - Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy, khoa vừa tiếp nhận nam bệnh nhân (34 tuổi, ngụ H.Đức Linh, Bình Thuận) bị ngộ độc sau ăn xác ve sầu vì lầm tưởng là thức ăn bổ dưỡng “đông trùng hạ thảo”.

Theo bệnh sử, nam bệnh nhân đi làm vườn nhà và đào thấy xác nhộng ve sầu cùng với hình thù cây nấm nên nghĩ là đông trùng hạ thảo và mang về ăn lúc khuya cùng ngày (khoảng 12 đến 14 xác nhộng ve sầu). Liền sau đó bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, buồn nôn đến nôn ói rất nhiều nên được người nhà đưa đến bệnh viện Đa khoa Khu vực Nam Bình Thuận sơ cứu và chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân nhập bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng tỉnh, chậm, bí tiểu, yếu mỏi cơ, đau bụng, nôn ói. Lúc này nhịp tim bệnh nhân bị chậm, theo bác sĩ, tình trạng này có thể do nhịp tim bệnh nhân bị chậm trước đó nhưng không biết, hoặc cũng có thể do tác dụng của nấm.

suyt-tu-vong-vi-an-nham-xac-nhong-ve-sau-ma-tuong-dong-trung-ha-thao

 Suýt tử vong vì ăn nhầm xác nhộng ve sầu mà tưởng Đông trùng hạ thảo. ảnh: BV Chợ Dẫy

Theo bác sĩ Ngân, khi ve sầu đẻ trứng vào trong đất, phát triển thành ấu trùng (còn gọi là nhộng ve sầu). Nhộng ve sầu nằm trong đất, có thể ở bên cạnh bào tử nấm. Những loài nấm này tấn công và sống ký sinh trên vật chủ (nhộng ve sầu), chúng sẽ thay thế các mô của vật chủ và mọc ra thân cây dài. Các loại nấm này sẽ hút chất dinh dưỡng từ vật chủ khiến vật chủ chết và phát triển lớn lên bên ngoài của cơ thể vật chủ.

Chính vì vậy, chúng có tên gọi là “đông trùng hạ thảo”. Tùy theo loại nấm ký sinh trên vật chủ là nấm có lợi cho sức khỏe con người hay là nấm độc, “đông trùng hạ thảo” có thể là thức ăn bổ dưỡng (bài thuốc Đông Y) hoặc gây độc cho con người, trong trường hợp bệnh nhân này.

Hiện không thể xác định chính xác loại nấm nào gây ngộ độc cho bệnh nhân, việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào bệnh sử khai thác được, cũng như triệu chứng ngộ độc của bệnh nhân.

Thông tin thêm, BS Nguyễn Trương Minh Thế, Giảng viên Đại học Y dược TP.HCM cho hay, trong các loại đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ve sầu có thể có nấm chứa độc tố Gyrommitrin kí sinh trên ve sầu. Thay vì mang lại lợi ích cho con người, loại nấm mọc trên thân ve này lại vô cùng độc, có thể gây tử vong. Đó là lý do trong thực tế cuộc sống có rất nhiều ca nhập viện, thậm chí tử vong do nhầm lẫn tai hại này.

Ngay cả với những con ve sầu trưởng thành sống trên mặt đất, loài nấm chứa độc tố Gyrommitrin vẫn ký sinh ở khoang bụng chúng, có khả năng lây lan rất cao trong mùa giao phối. Khi ve sầu chết đi hay không thể lột xác và chết dưới lòng đất, loài nấm kí sinh độc hại sẽ phát triển khi mùa mưa tới, chúng đâm chồi lên phía trên mặt đất, hình dáng cây nấm giống như nhung hươu rất đẹp mắt, màu đỏ thẫm.

Nhiều người nhầm lẫn đó là đông trùng hạ thảo, lấy về sử dụng, thành ra rước họa vào thân. Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp còn đào ăn nhộng ấu trùng ve sầu mà không hay biết loại nhộng ve sầu này có thể nhiễm nấm độc. Tưởng là bồi bổ cơ thể, không ngờ bị ngộ độc.

Bác sĩ Ngân khuyến cáo, người dân khi gặp xác nhộng ve sầu, có thể nhầm lẫn là thức ăn bổ dưỡng “đông trùng hạ thảo”, không nên ăn. Muốn sử dụng “đông trùng hạ thảo”, cần phải mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng hoặc có chuyên gia hiểu biết tư vấn.

Theo VietQ