Sự thật gây sốc về que thử ung thư giá 10.000 đồng ở Hà Nội

Không ít người tiêu dùng đã trót tin vào que thử ung thư và nhận trái đắng khi kết quả không cho ra chính xác.

Việt Nam được biết đến là một trong những nước có tỷ lệ ung thư rất cao. Bởi vậy, việc người dân tìm đến các loại que thử ung thư nhằm phát hiện sớm bệnh, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, phù hợp đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây.

Nắm bắt được điều này, nhiều công ty dược, hãng dược và kinh doanh thiết bị y tế đã nhập que thử ung thư và bán rộng rãi ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế những que thử này cho kết quả chính xác đến đâu?

Một loại que thử ung thư tuyến tiền liệt được bán với giá hơn 10 nghìn đồng/1 que. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)

Theo tin tức trên báo Trí Thức Trẻ thì hầu như các nhà thuốc ở khu vực Phương Mai (Đống Đa – Hà Nội) đều có bán que thử ung thư phổi CEA, que thử ung thư gan AFP, que thử ung thư tuyến tiền liệt PSA… và nhiều loại que thử khác, tất cả đều được quảng cáo là "giá hợp lý, nhanh chóng, chính xác".

Tuy nhiên, cùng là que thử ung thư nhưng có loại chỉ có 9,900 đồng, nhưng cùng loại que thử ấy có cái giá lên tới 1 triệu đồng. Khi được thắc mắc liệu kết quả có chính xác thì nhân viên bán hàng khẳng định rằng, các hãng danh tiếng sản xuất thì đương nhiên là đúng.

Thế nhưng, không ít người tiêu dùng đã trót tin vào que thử ung thư và nhận trái đắng. Cách đây mấy tháng, mẹ chị Hà Thị Lan (Đống Đa – Hà Nội) có biểu hiện sức khỏe đi xuống, hay đau bụng và người xuống cân. Chị định đưa mẹ đi khám, nhưng bận bịu thời gian mà chưa sắp xếp được.

Đang bí bức về thời gian thì chị được một người bạn hướng dẫn mua và sử dụng que thử ung thư cho bà cụ. Chị mua về 3 que với giá gần 3 triệu đồng. Thế nhưng, cả ba lần chị thử cho mẹ theo đúng hướng dẫn thì cả ba lần đều ra kết quả âm tính. Thế nhưng, hơn một tháng sau đó, sức khỏe bà cụ giảm sút nghiêm trọng. Đưa cụ đi vào viện K khám, chị Lan tá hỏa khi biết cụ bị ung thư gan giai đoạn cuối.

Trong khi đó anh Lê Tuấn Quang (Cầu Giấy – Hà Nội) vốn là người nghiện thuốc lá, gần đây lại thấy ho, tức ngực nên anh Quang đã nghĩ đến tình huống xấu và tìm mua que thử Quickcat.

Sau mấy lần thử, kết quả vẫn âm tính, nhưng sức khỏe vẫn liên tục giảm sút. Anh Quang được vợ động viên ra bệnh viện khám, sau khi bác sỹ làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy anh dương tính với ung thư phổi.

“Mình biết dù sao sự việc cũng đã rồi. Que thử cũng chỉ là một loại để test, nhưng nếu như các bạn đừng quảng cáo nó một cách trên trời như vậy, thì người dân sẽ đến bệnh viện sớm hơn”, anh Quang nói.

Được biết, thị trường dược – thiết bị y tế vốn là thị trường béo bở ở Việt Nam. Nhập bao nhiêu và bán bao nhiêu chỉ có người trong ngành mới biết. Trong đó, các loại que thử này là một ví dụ điển hình.

Anh Nguyễn Văn Toàn, hiện là giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh, phân phối thiết bị y tế ở Hà Nội tiết lộ, kinh doanh que thử đưa về lợi nhuận rất lớn. Các loại que thử này đều được nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng nguồn cung rất khác nhau nên giá thành cũng khác nhau rất nhiều.

Ví dụ, cùng là que thử ung thư phổi, nhưng nếu được nhập từ Mỹ, Đức thì giá thành rất đắt, lên tới cả triệu đồng/1 que. Đương nhiên, chất lượng của những que này rất tốt. Tuy nhiên, cũng loại đó, nếu được nhập từ Ấn Độ hay Pakistan, Trung Quốc… thì chỉ vài nghìn đồng/1 chiếc và thường không thể phát hiện bệnh ung thư khi thử. Vì thế, giám đốc này cảnh báo người dân không nên mua hàng trôi nổi trên mạng hay các nhà thuốc nhỏ lẻ bởi sẽ dễ mua phải hàng rởm.

Vị này nói thêm, để chính xác và đảm bảo thì chỉ có cách đến bệnh viện để thăm khám kịp thời.

Theo T. Tú (PNN )