Sự nghiệp đáng nể của đại gia 7X Vĩnh Phúc có 14,6 nghìn tỷ, giàu thứ 5 Việt Nam

Người đứng thứ 5 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt là ông Trịnh Văn Quyết, sinh năm 1976 tại Vĩnh Phúc.

Tính đến thời điểm ngày 7/9/2018, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu hơn 14,6 nghìn tỷ đồng, giữ vị trí thứ 5 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1976, quê gốc ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, trong một gia đình nghèo. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Được biết, ngay từ khi là sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, ông Trịnh Văn Quyết đã có xu hướng say mê kinh doanh. Ngay từ năm thứ 2, ông đã mở một trong những văn phòng gia sư đầu tiên ở Hà Nội và sau đó còn kinh doanh điện thoại.

Sự nghiệp đáng nể của đại gia 7X Vĩnh Phúc có 14,6 nghìn tỷ, giàu thứ 5 Việt Nam

 Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Thời điểm đó, công việc này không chỉ giúp ông và các em gái của mình học hành đầy đủ mà còn giúp ông có vốn liếng ban đầu mở văn phòng luật sư SMiC ngay sau khi ra trường. 15 năm hoạt động, SMiC ngày nay là một thương hiệu lớn đang vươn tầm hoạt động ra quốc tế.

Không chỉ thành công trong việc kiến tạo SMiC trở thành một hãng luật có vị thế cao trong ngành, với việc thành lập và điều hành Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết còn thành công trong việc phát triển hàng loạt dự án bất động sản lớn.

Năm 2011, thương hiệu FLC chính thức được công nhận rộng rãi với sự kiện FLC niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Sự nghiệp đáng nể của đại gia 7X Vĩnh Phúc có 14,6 nghìn tỷ, giàu thứ 5 Việt Nam

 Quần thể du lịch FLC Sầm Sơn.

Sau gần hai năm niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tháng 8/2013, Ban lãnh đạo Tập đoàn quyết định chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Thị trường chứng khoán giúp FLC huy động được nguồn vốn trung và dài hạn quan trọng, với trên 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2014, làm cơ sở để Tập đoàn chuyển hóa những ý tưởng đầu tư thành dự án thực tiễn, biến cơ hội thành tài sản hữu hình.

Cuối năm 2013, thị trường bất động sản bước vào chu kỳ điều chỉnh, hàng ngàn dự án phải tạm dừng thi công hoặc phải chuyển nhượng lại. Nhận thấy đây chính là cơ hội để FLC có thể mở rộng đầu tư bất động sản với chi phí thấp nhất, đồng thời rút ngắn thời gian phát triển dự án, Ban Lãnh đạo Tập đoàn đã quyết định đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) dự án trên địa bàn Hà Nội.

Mở đầu cho chiến dịch M&A này là thương vụ mua lại dự án Khu đô thị Alaska Garden City tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội vào tháng 8/2013, sau đó đổi tên thành FLC Garden City. Tiếp theo FLC Garden City là các dự án Iớn Complex Tower 36 Phạm Hùng (nay đổi tên là FLC Complex), The Lavender (Hà Đông, tên mới là FLC Star Tower) và tháp đôi 265 Cầu Giấy (đổi tên thành FLC Twin Towers), đưa tổng mức đầu tư các dự án bất động sản M&A lên xấp xỉ 10.000 tỷ đồng. Tất cả các dự án ngay sau khi mua về đều được “hồi sinh” bằng việc bắt tay ngay vào triển khai.

Nếu như chiến lược M&A giúp FLC được biết đến như một gương mặt mới nổi trên thị trường bất động sản thì chiến lược đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã đưa FLC lên tầm cao mới – trở thành tập đoàn đầu tư bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cùng với đó, FLC được ghi nhận là “người đánh thức các vùng đất tiềm năng”. 

Dự án đầu tiên ghi dấu ấn FLC trong lĩnh vực nghỉ dưỡng là Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công tháng 5/2014 trên nền một vùng đầm lầy rộng hơn 200 ha. Chỉ sau 9 tháng thi công, một quần thể du lịch quy mô lớn, cao cấp và đồng bộ được hoàn thành.

Với kỳ tích này, FLC đã được giới truyền thông và người dân địa phương đặt cho biệt danh “Thần đèn”. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, FLC Sầm Sơn đã đón tiếp hàng chục vạn lượt du khách trong và ngoài nước, là điểm đến của các sự kiện văn hóa, thể thao tầm cỡ quốc gia.

Sau FLC Sầm Sơn, FLC tiếp tục ghi dấu ấn tại nhiều miền đất khác, từ Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng đến Quảng Bình, Bình Định.

Tính đến nay, tổng mức đầu tư các dự án bất động sản của FLC, theo đánh giá của Savills - một công ty bất động sản quốc tế đã đạt xấp xỉ 3,8 tỷ USD.

Ngoài bất động sản, hiện tập đoàn FLC hiện đang tham gia vào lĩnh vực hàng không bằng việc thành lập hãng bay Bamboo Airways có số vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng. Các lĩnh vực kinh doanh khác của FLC phải kể đến bao gồm đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, khai thác chế biến khoáng sản, tư vấn pháp lý, kinh doanh công nghệ… FLC có 40 công ty thành viên với 7.000 nhân viên trong và ngoài nước.

Theo VietQ