Siêu vi thuỷ đậu "ngủ đông" sau khi khỏi bệnh: Có thể tái xuất mạnh mẽ, phát bệnh nguy hiểm ít ai biết



Sau khi bệnh nhân khỏi bệnh, siêu vi thuỷ đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông). Nhiều năm sau, khi có điều kiện thuận tiện, siêu vi này sẽ tái hoạt động.

Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan qua sự đụng chạm đến ban ngứa từ người bị thuỷ đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng, mũi của người bị nhiễm. Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc đến quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng/mũi người bệnh.

Thuỷ đậu do virus Herpes Zostrer gây ra. Là bệnh lành tính nhưng thuỷ đậu cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng.

sieu-vi-thuy-dau-ngu-dong-sau-khi-khoi-benh-co-the-tai-xuat-manh-me-phat-benh-nguy-hiem-it-ai-biet

Vết tổn thương zona thần kinh của một nữ bệnh nhân tại BV Da liễu Trung ương. Ảnh: BVCC​

Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.

Đặc biệt, thậm chí sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thuỷ đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông).

Nhiều năm sau đó, có thể là 10, 20, hay 30 năm sau, khi có điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể kém hay có yếu tố gì khác, thì siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra bệnh Zona thần kinh - một loại bệnh có thể dẫn đến biến chứng, bội nhiễm gây tổn thươg da, viêm não, viêm màng não, viêm gan, thận...

Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh zona thần kinh và thuỷ đậu đều do virus herpes zoster gây ra. Vì vậy, bệnh zona thường được xuất hiện ở một cơ thể đã từng mắc bệnh thủy đậu.

Tỷ lệ này chiếm khoảng 1/5, có nghĩa là cứ 5 người mắc bệnh thủy đậu, về sau sẽ có 1 người mắc bệnh zona. Cũng có những người bị zona không có tiền sử bị thuỷ đậu.

Khi có điều kiện hoạt động, virus này làm dây thần kinh cảm giác dưới da bị tổn thương và gây nên tình trạng nổi đỏ, ngứa, đau nhức, mủ trắng; dễ nhầm lẫn với các biểu hiện của bệnh “giời leo” do côn trùng gây ra.

Bệnh zona thần kinh dễ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như: Bội nhiễm gây tổn thương da, viêm não, viêm màng não, viêm gan, thận... Thậm chí có những người liên tục bị tái phát, đau kéo dài; đặc biệt giai đoạn đau sau zona, người bệnh còn thường bị trầm cảm. Vì vậy bệnh cần được phát hiện và chữa trị đúng cách.

Biểu hiện bệnh Zona ra sao?

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh zona phụ thuộc vào tuổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh, vị trí bị ảnh hưởng.

Triệu chứng đầu tiên của bệnh thường là đau, với các mức độ khác nhau, có thể đau rất nhiều, liên quan tới một hoặc vài dây thần kinh cảm giác. Đau có thể ở một nơi hoặc lan rộng. Chính triệu chứng đau ban đầu này khiến bệnh nhân hay tới khám ở các chuyên khoa khác như hô hấp (đau vùng ngực), thần kinh (đau đầu).

Bệnh nhân cũng có thể có sốt và đau đầu. Các hạch lân cận thường to và mềm. Trong vòng 1-3 ngày sau đó, các dát đỏ, bọng nước xuất hiện trên vùng da đau, tập trung lại thành đám. Các thương tổn mới tiếp tục xuất hiện trong vài ngày tiếp, trong vùng chi phối của các dây thần kinh bị ảnh hưởng. Các bọng nước sau đó có thể có mủ và đóng vảy tiết.

Ngực, cổ, trán, thắt lưng, cùng cụt là những vị trí hay bị zona nhất. Tỷ lệ zona mắt tăng dần lên theo tuổi. Thỉnh thoảng có thể gặp thương tổn zona trong miệng, trong tai, hoặc vùng sinh dục.

Ở trẻ em có thể có dát đỏ, bọng nước nhưng không đau. Các triệu chứng sẽ dần thoái lui trong thời gian khác nhau, ở trẻ em và người trẻ tuổi khoảng 2-3 tuần, ở người già khoảng 3-4 tuần. Ở người có miễn dịch bình thường, zona chỉ khu trú ở một bên, không vượt qua đường giữa.

Các biến chứng của bệnh zona

Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng cho biết, bệnh zona có thể để lại một số biến chứng như các vết loét lâu lành, sẹo, yếu cơ, nhiễm trùng nội tạng (ống tiêu hóa, phổi, não), rối loạn cảm giác tại chỗ, zona mắt ảnh hưởng tới thị lực, viêm kết mạc, giác mạc.

Phụ nữ mang thai bị zona trong những tháng đầu có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp. Thai nhi có thể bị thủy đậu trong giai đoạn cuối thai kỳ, tiến triển thành zona ở thời trẻ nhỏ.

Đối với người già, trên 50 tuổi, biến chứng hay gặp và khó điều trị nhất là đau sau zona. Đau sau zona được định nghĩa khi triệu chứng đau tồn tại hơn 1 tháng kể từ khi khởi phát zona. Đau có thể kèm theo cảm giác bỏng rát, ngứa, tăng nhạy cảm với các kích thích dù nhỏ

Theo GiaDinh