Sau tiêm filler 'Hàn Quốc' môi sưng phồng vì nhiễm trùng

Mới đây Bệnh viện Da Liễu TP.HCM đã tiếp nhận hai bệnh nhân với đôi môi sưng phồng, đau nhức, nhiễm trùng sau tiêm chất làm đầy (filler) giá rẻ.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Trưởng Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, trường hợp đầu tiên là người phụ nữ 25 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh (TP HCM), tiêm "filler Hàn Quốc" xóa nhăn, làm đầy môi tại một spa với giá 3,5 triệu đồng. Tiêm xong, chị thấy môi nề nhẹ, hơi đau nhức, song nhân viên spa cho rằng đây là "tình trạng bình thường sau tiêm filler".

Qua 3 ngày, môi căng cứng và phù nề nhiều hơn, chị ra nhà thuốc mua thuốc giảm sưng về uống nhưng tình trạng không cải thiện. Môi chị chuyển sang bầm tím, sờ vào có khối căng cứng bên trong.

Tương tự, nữ bệnh nhân 30 tuổi ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng tiêm filler tại một spa với giá 2,5 triệu đồng. Chị cho biết do môi nhỏ lại nhiều nếp nhăn nên muốn sửa để có được bờ môi hài hòa, cân đối hơn. Nhân viên spa tư vấn ngậm thuốc giảm đau, chườm đá rồi đi ngủ, sáng dậy sẽ hết đau. Tuy nhiên, sau hai ngày tình trạng đau, sưng nề không cải thiện mà diễn tiến nặng, "môi căng cứng muốn nứt toét" nên chị đến TP HCM điều trị.

sau-tiem-filler-han-quoc-moi-sung-phong-vi-nhiem-trung

 Môi tiêm chất làm đầy giá rẻ bị sưng phù. Ảnh: VnExpress

Bác sĩ Tú cho biết, vùng môi cả hai bệnh nhân đều sưng phù, căng cứng, mủ trắng bên dưới, sờ vào rất đau, cho thấy tình trạng nhiễm trùng cấp với mức độ viêm khá nặng. Hai phụ nữ được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc vết thương hàng ngày. Sau khoảng ba ngày, tình trạng vết thương cải thiện.

"Vùng môi sưng phù sau tiêm chất làm đầy (kéo dài trên 48 giờ) và diễn tiến ngày càng nặng là dấu hiệu nhiễm trùng nhưng người thực hiện không nhận ra mà cho đây là hiện tượng bình thường nên không có hướng xử trí kịp thời, tích cực cho bệnh nhân", bác sĩ nhận định.

Trong khi đó, các ổ nhiễm trùng vùng hàm mặt đều cần xử trí sớm do dễ lan lên nền sọ gây viêm não, màng não. Đây là biến chứng nặng và rất nguy hiểm, có thể để lại những di chứng rất nặng nề về thần kinh.

Nguyên nhân nhiễm trùng của hai bệnh nhân có thể do spa không tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn lúc tiêm, thực hiện vô trùng không đúng cách, khiến vi khuẩn xâm nhập vào nơi tiêm. Ngoài ra, việc sử dụng các loại chất làm đầy kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường, sản phẩm sản xuất, đóng gói không đảm bảo vô trùng cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng.

"Chọn lựa sai loại chất làm đầy hay tiêm quá nhiều trong một lần điều trị cũng có thể gây căng tức, đau nhức vùng môi, thậm chí chèn ép mô, chèn ép mạch máu gây thiếu máu, nặng nề có thể dẫn đến hoại tử", bác sĩ chia sẻ.

Tiêm filler môi (hay còn gọi là tiêm môi HA collagen) là kỹ thuật sử dụng chất làm đầy tạo hình dáng môi trái tim, môi cười, môi tròn,… hoặc môi căng mọng mà không cần phẫu thuật. Ngoài tiêm môi, xu hướng làm đẹp hiện nay còn tiêm filler cho má, tai, chân, ngực,… phục vụ nhu cầu khắc phục những khiếm khuyết trên gương mặt hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, để tránh những biến chứng không may xảy ra như tình trạng nhiễm trùng, áp xe,… người bệnh nên chọn những cơ sở có đội ngũ kỹ thuật viên thực hiện được đào tạo, chọn loại filler đảm bảo chất lượng. Chất làm đầy phải chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng, được Bộ Y tế cấp phép; cơ sở thực hiện phải được cấp phép thực hiện kỹ thuật này; người thực hiện phải là bác sĩ da liễu, thẩm mỹ, được đào tạo bài bản; lựa chọn kỹ thuật tiêm phù hợp; mỗi khu vực có định lượng rõ ràng và tuyệt đối đảm nguyên tắc vô trùng.

Bởi ở các cơ sở uy tín, trước khi tiêm filler, kỹ thuật viên luôn tuân thủ đầy đủ các bước vô trùng, môi phải được sát khuẩn bằng dung dịch chuyên dụng, sử dụng lượng chất làm đầy phù hợp và thực hiện đúng kỹ thuật. Nếu chích trong cơ mà dùng kim quá ngắn sẽ không tới cơ mà chỉ nằm dưới da hoặc chích dưới da mà dùng kim tiêm quá dài tới tận phần cơ thì cũng có thể gây áp xe. Ngoài ra, trước khi tiêm, bác sĩ/kỹ thuật viên cùng cần phải hỏi các thông tin về dị ứng của khách hàng và quyết định có nên tiêm loại chất làm đầy đó hay không.

Áp xe là một phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn hay vi trùng hoặc các vật lạ (collagen tổng hợp, collagen động vật,…). Khi ấy hệ miễn dịch sẽ được kích hoạt để loại bỏ chúng bằng cách huy động bạch cầu trong cơ thể đến nơi bị nhiễm trùng. Nơi “tập kết” đó chính là ổ áp xe, một túi chứa đầy dịch mủ. Thành phần có trong dịch mủ chính là hỗn hợp gồm các tế bào bạch cầu, xác vi trùng và mảnh tế bào chết hợp lại.

Với những trường hợp gặp tác dụng phụ, biến chứng do làm đẹp, hoặc sau khi thực hiện tiêm chất làm đầy dù chưa gặp sự cố, người bệnh nên đến kiểm tra tại các cơ sở khám bệnh uy tín. Ngoài máy móc hiện đại, đảm bảo chất lượng thì còn có sự tham gia của các bác sĩ da liễu để đánh giá nguy cơ, mức độ ảnh hưởng đến các mô, hay các tổ chức xung quanh thông qua việc thăm khám, siêu âm,… để đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Theo VietQ