Sau Rằm phải kiêng kị những gì nốt tháng cô hồn?

Sau Rằm tháng 7 là “đóng cửa ngục”, nhưng đã có thể “cởi bỏ” tâm lý e sợ mọi việc vì tháng cô hồn theo quan niệm dân gian chưa? Các chuyên gia nói sao về lo lắng kiêng kị sau Rằm?

Tháng cô hồn chỉ có 3 ngày kiêng kị

Đã qua Rằm tháng 7 nhưng chị Lan (Hà Nội) vẫn rất lo lắng và… chẳng dám làm gì vì chưa hết sợ tháng cô hồn dân gian. Chị kể, trong Rằm chị đã va đầu vào góc cửa sổ mất một “miếng thịt”, sau Rằm vài ngày bị va quệt xe bị sưng cái chân. Năm nào tháng cô hồn chị cũng gặp “hạn”, thậm chí hạn còn “ăn” cả sang tháng sau dăm ngày. Cầu sao tháng 7 âm qua nhanh để các cô hồn trở về âm giới, để mọi chuyện trở lại bình bình thường.

Rất nhiều bạn trẻ chung tâm lý với chị Lan là liệu qua Rằm đã có thể “cởi bỏ” cái tâm lý sợ mọi việc không may mắn trong tháng cô hồn theo quan niệm dân gian hay chưa!

Thượng tọa Thích Vân Phong (Ủy viên Ban truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam) giảng giải, tháng cô hồn là ngôn ngữ trong kịch bản sân khấu, từ đó lan truyền ảnh hưởng tới cuộc sống, khiến người dân hiểu lệch lạc, kiêng kỵ vô lý, thậm chí kiêng cả tháng 7 không làm gì cả…

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những kiêng kị tháng cô hồn chỉ tương đối theo quan điểm của từng vùng, miền, cá nhân… chứ khoa học chưa chứng minh được không kiêng kị tháng cô hồn sẽ gặp họa, cũng chưa ai chứng minh nếu kiêng được những điều cấm kị sẽ gặp an lành. Kiêng kị có theo quan niệm dân gian thì cũng tùy từng lĩnh vực cụ thể, không phải cái gì cũng kiêng.

Trong đạo Phật, ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày, tháng nào xấu. Ngày tháng xấu hay tốt đều do quan niệm mà ra. Đạo Phật cũng không dạy con người kiêng kị trong tháng 7 âm lịch, cũng không có tháng cô hồn như truyền tụng. Vì vậy người dân không phải kiêng hết những điều như dân gian vẫn đồn đại.

 Giao mùa không nên đi ngoài đường quá khuya. Ảnh minh họa.

Giao mùa không nên đi ngoài đường quá khuya. Ảnh minh họa.

Nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Quang Tuyến đã bật cười trước câu hỏi trên, cho rằng ngày nay có nhiều người – nhất là các bà "sồn sồn" và các bạn trẻ do thiếu hiểu biết nên đã mê tín quá đáng, cứ bám víu mấy cái kiêng kị tháng cô hồn từ đầu tháng tới cuối tháng với tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Cá nhân ông cho rằng:

- Các tư liệu sách cổ đều nói, dân gian quan niệm mở cửa ngục chỉ vào các ngày 14-15-16 tháng 7 âm lịch, chứ không phải cả tháng 7 âm như một số người nghĩ. Người dân đừng vì sợ ma quỷ mà gò bó mình, bởi họ có thể gặp tai họa vì kiêng quá mức. Việc kiêng kị chỉ qua Rằm tháng 7. Sau khi đi lễ chùa về thì mọi thứ trở lại bình thường.

- Người buôn bán lớn, ký kết hợp đồng, đặc biệt là việc liên quan tới đất cát, động thổ, xây nhà, bất động sản… kiêng hay không là tùy quan niệm của mỗi người.

- Những kiêng kị tháng cô hồn trên mạng là do người dân tự đặt ra chứ không có thuyết hay sách nào dạy như thế.

 Phóng sinh sau Rằm. Ảnh minh họa.

Phóng sinh sau Rằm. Ảnh minh họa.

Sau Rằm tháng 7 cần làm những gì?

Cũng với tâm lý e ngại nhiều bạn trẻ đã hỏi từ nay tới hết tháng 7 nên làm những việc gì để không “phạm” kiêng kị tháng cô hồn?

Theo Thượng tọa Thích Vân Phong, thay vì những kiêng kị không có cơ sở, mọi người nên làm điều thiện, tích đức, báo hiếu mẹ cha còn sống. Mỗi người tu tâm, tích phước đức bằng cách làm nhiều việc thiện, phóng sinh… và không chỉ làm trong tháng 7 âm, mà cả năm đều nên làm.

 Báo hiếu cha mẹ là việc nên làm cả 365 ngày, chứ không chỉ mỗi tháng 7 âm lịch. Ảnh minh họa.

Báo hiếu cha mẹ là việc nên làm cả 365 ngày, chứ không chỉ mỗi tháng 7 âm lịch. Ảnh minh họa.

Các nhà phong thủy thì khuyên:

- Sau Rằm tháng 7 hoặc cuối tháng 7 (hoặc tốt nhất là sau hôm cúng chúng sinh) nên dùng nước thơm tẩy uế nhà để cân bằng lại sinh khí trong nhà.

- Cuối tháng 7 là đã hơn nửa năm thắp hương, bát hương có thể nhiều, hãy tỉa bớt chân hương để dễ cắm hương và tránh bị hóa bát hương. Lau dọn bàn thờ đúng cách, thắp hương hàng ngày, đèn trên bàn thờ luôn sáng để thu hút năng lượng tốt, rước may mắn về nhà.

Tháng 7 âm là vào thời tiết giao mùa, không thuận nên người dân cần phòng tránh bệnh tật lúc giao mùa - chứ không phải kiêng kị tháng cô hồn. Xã hội hiện đại đang dần đẩy lùi nhiều quan niệm lạc hậu, vì vậy người dân cần tự nâng cao kiến thức, không nên quá kiêng kị những việc không có cơ sở khoa học mà thành mê tín.

Một số kiêng kị, phòng tránh nên chú ý cả năm:

- Kiêng không phơi quần áo ban đêm: Sương và khí ẩm ngấm vào quần áo, côn trùng đậu vào làm phấn, vi khuẩn, nấm mốc phát triển khiến người mặc dị ứng, mắc bệnh.

- Tránh thức quá khuya: Ngày nào cũng nên kiêng vì tinh thần sẽ hao tổn suy nhược. Tránh đi đường quá khuya vì giao mùa lạnh lẽo, tối nhanh. Cũng không nên chở đồ cồng kềnh, hay chở nhiều người trên xe máy.

- Bà mẹ mang thai, trẻ nhỏ, người ốm yếu chú ý tránh ra đường vào buổi tối, đêm khuya. Hạn chế cho trẻ nhỏ đi chơi sau 18 giờ.

- Tránh gội đầu, chải tóc ban đêm vì dễ bị cảm, đột quỵ.

- Không cho trẻ nghịch nước, chơi ở nơi có nước mà không có người lớn trông nom (vì trẻ có thể bị đuối nước); Không đưa trẻ đến thăm người bệnh, đặc biệt là bệnh viện (vì trẻ dễ bị nhiễm bệnh); Không cho trẻ chơi cạnh gốc đa gốc đề, ngã ba, xóm chợ… (vì là nơi hay bị ô nhiễm, dễ nhiễm bệnh tật, hay bị va quệt…).

Ngọc Hà

Theo GiaDinh