Sau nhiều ngày có quyết định thu hồi tên miền, vì sao Zalo vẫn hoạt động?

Theo nguồn tin của phóng viên, đại diện phía Zalo đã làm việc với lãnh đạo Bộ TT-TT, thừa nhận sai sót và đưa ra hướng khắc phục.

sau-nhieu-ngay-co-quyet-dinh-thu-hoi-ten-mien-vi-sao-zalo-van-hoat-dong

Dù đã quá thời hạn thu hồi tên miền Zalo.me và Zalo.vn, song tới thời điểm hiện tại, ứng dụng này vẫn hoạt động bình thường (ảnh chụp màn hình).

Sẽ xin giấy phép mạng xã hội

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 22/7, sau 4 ngày quyết định thu hồi tên Zalo.me và Zalo.vn nhưng Zalo vẫn hoạt động bình thường trên cả phiên bản máy tính lẫn điện thoại. Trước đó, Thanh tra Sở TT-TT TPHCM đã có văn bản yêu cầu các bên đăng ký và quản lý tên miền thu hồi hai tên miền của Zalo là Zalo.vn và Zalo.me (Công ty Cổ phần VNG) với lý do Zalo đã hoạt động mạng xã hội khi chưa có phép. Quyết định thu hồi 2 tên miền Zalo.vn và Zalo.me của Thanh tra Sở TT-TT TPHCM được thực hiện trước ngày 19/7.

Zalo hiện là ứng dụng có lượng người dùng cao thứ hai tại Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ TT-TT, lượng người dùng Zalo mỗi tháng đạt 46,7 triệu, chỉ sau Facebook và cao hơn YouTube. Trong khi đó, thông tin từ phía Zalo cho biết ứng dụng này đã đạt trên 100 triệu người tải về và đăng kí sử dụng.

Zalo hiện đã trở thành một siêu ứng dụng tại Việt Nam cùng với Grab, Go-Viet, MoMo… Xuất phát điểm là một ứng dụng OTT về truyền thông (nhắn tin và gọi điện miễn phí trên Internet), 7 năm qua Zalo đã dần bổ sung thêm nhiều tính năng và dịch vụ như shopping, gọi xe, đặt thức ăn, tin tức, dịch vụ ngân hàng, cổng thủ tục hành chính công, cổng thanh toán, game…

Liên quan đến sự việc trên, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), cơ quan quản lý tên miền quốc gia cho biết, đã nhận được văn bản yêu cầu thu hồi hai tên miền Zalo của Sở TT-TT TPHCM. Trước câu hỏi vì sao tên miền của Zalo tới thời điểm này vẫn hoạt động bình thường, vị đại diện này lý giải: “Việc thu hồi hai tên miền Zalo, Sở TT-TT TPHCM đã báo cáo Bộ TT-TT. Bộ cũng có quan điểm phải xem xét cho kỹ lưỡng… Theo quy trình, cũng phải để có thời gian cho bên kia có thời gian khiếu nại chứ không phải cứ ra quyết định là thu hồi ngay”.

Theo một nguồn tin của phóng viên, phía Zalo đã làm việc với lãnh đạo Bộ TT-TT, thừa nhận sai sót và đưa ra hướng khắc phục. Theo đó, Zalo đưa ra giải pháp là phải xin giấy phép mạng xã hội để được duy trì tiếp hoạt động với hai tên miền trên.

Cần kiểm soát chặt chẽ

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, hàng chục triệu người dùng các dịch vụ của Zalo sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu Zalo Group không có biện pháp xử lý sau khi bị cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi các tên miền liên quan. Về tranh cãi Zalo hoạt động như mạng xã hội hay ứng dụng OTT, các chuyên gia pháp lý khẳng định: Zalo chính là mạng xã hội. Do vậy, với số lượng hơn 46 triệu người đang sử dụng, cơ quan quản lý nhà nước xếp Zalo vào mô hình mạng xã hội và yêu cầu doanh nghiệp quản lý Zalo cần phải xin phép hoạt động theo mô hình này.

Còn theo các chuyên gia về an ninh mạng, trên Zalo, danh bạ của người dùng trên di động được đồng bộ với máy chủ để ứng dụng phát hiện ra những người mới sử dụng và hiển thị hoặc tự động kết bạn với những người có số điện thoại của nhau. Tuy nhiên, đối với những người sử dụng có thói quen lưu mật khẩu, số tài khoản ngân hàng vào danh bạ điện thoại di động thì việc lộ các thông tin nhạy cảm là điều khó tránh khỏi.

Danh bạ của người dùng khi đã được đồng bộ lên máy chủ thì vô tình người sử dụng cũng làm lộ tên tuổi, số điện thoại của người thân, đối tác, bạn bè mình trên hệ thống máy chủ của Zalo. Trong trường hợp máy chủ bị nhiễm mã độc, việc hàng loạt danh bạ, thông tin cá nhân, sở thích sẽ được công khai miễn phí.

Khi đó việc bị lộ những hình ảnh nhạy cảm, file dữ liệu khi sử dụng các ứng dụng mạng xã hội kiểu như Zalo, WeChat… là điều có thể xảy ra khi nhà cung cấp sẵn sàng can thiệp. Ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena nhấn mạnh: “Bất kì hệ thống nào cũng có những điểm yếu, những rủi ro tiềm ẩn, nên người dùng cần có ý thức cảnh giác, không đưa những thông tin bất lợi cho mình lên những hệ thống như mạng xã hội mà mình không làm chủ. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc để kiểm soát chặt chẽ các nhà cung cấp ứng dụng mạng xã hội như Zalo để hoạt động đúng quy định và chuẩn mực”.

Sống ảo nhưng hệ lụy… thật!

Cơ quan CSĐT Công an thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội đang mở rộng điều tra đối tượng Đinh Ngọc Viên (SN 1979, trú tại thôn Thắng Trí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) liên quan đến vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Điều đáng nói, các bị hại trong vụ án này hầu hết là những cô gái trẻ, nhẹ dạ cả tin. Hình thức lừa đảo được Viên thực hiện bằng cách sử dụng tên giả và thông qua Zalo.

Quá trình làm quen, Viên “quảng cáo” gia đình đang ở một phố lớn, thuộc địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điều đặc biệt, Viên luôn chủ động giới thiệu anh ta vẫn là người độc thân. Với tài ăn nói lưu loát, hoạt ngôn khiến cho những cô gái trẻ nói chuyện với Viên khó thoát khỏi cạm bẫy mà anh ta giăng sẵn.

Chỉ trong thời gian ngắn, Viên đã gây ra hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không những thế, nhiều cô gái trẻ cũng đã lầm tưởng tình cảm mà Viên dành cho bằng những lời nói ngọt ngào mà vô tình dâng cả “cái ngàn vàng” cho anh ta.

Theo GiaDinh