Sản phẩm thức ăn trẻ em chứa quá nhiều đường, tác hại khó lường

Phân tích của WHO tại Châu Âu cho thấy nhiều loại thức ăn dành cho trẻ em có bán trên thị trường có quá nhiều đường.

Trong một thông cáo báo chí, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Châu Âu đưa ra lời cảnh báo và kêu gọi các nhà sản xuất hạn chế dùng đường trong thức ăn cho trẻ em có bán trên thị trường.

Lời cảnh báo này đưa ra sau khi có những phân tích từ 7955 sản phẩm thực phẩm hoặc đồ uống được bán cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 516 cửa hàng ở Anh, Đan Mạch và Tây Ban Nha trong năm 2017-2018. Mặc dù các sản phẩm như sữa, thức ăn đóng hộp đều tuân thủ quy định về muối, protein, chất béo và carbohydrate, nhưng nhiều sản phẩm lại có quá nhiều đường.

Ngay cả thức ăn dặm và sữa bột cho trẻ dưới 6 tháng tuổi cũng có hàm lượng đường cao vượt mức quy định cho độ tuổi. Hấp thụ quá nhiều đường trước mắt sẽ làm hỏng răng của trẻ. Lâu dài sẽ tăng nguy cơ "hảo ngọt", dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em. Hệ lụy của nó là rất nhiều bệnh tật do béo phì ở tuổi trưởng thành.

san-pham-thuc-an-tre-em-chua-qua-nhieu-duong-tac-hai-kho-luong

WHO cảnh báo: Nhiều thức ăn dành cho trẻ nhỏ chứa quá nhiều đường

Phân tích của tổ chức WHO cho thấy, phần lớn sản phẩm cho trẻ em có chứa tới 30% lượng đường, thậm chí một vài loại có tới 70% tổng lượng calo. Lượng đường này đến từ trái cây xay nhuyễn và các loại tinh chất. Nhiều loại thức ăn mặn được bán ở Anh và Đan Mạch cũng có tới hơn 15% đường.

WHO lên tiếng rằng, tất cả các loại đường bổ sung, bao gồm cả nước trái cây cô đặc, nên bị cấm dùng đối với tất cả các loại thực phẩm thương mại dành cho trẻ em. Lượng đường từ trái cây chỉ nên dưới 5% tổng calo của thực phẩm mặn và dưới 15% đối với thức ăn nhẹ như bánh quy.

Đặc biệt, không nên sản xuất, bán hoặc sử dụng nước trái ép trái cây, sữa thay thế, bánh kẹo hoặc đồ ăn nhẹ vị ngọt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 36 tháng.

Tiến sĩ João Breda, phụ trách văn phòng của WHO tại châu Âu về phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không truyền nhiễm cho biết, tổ chức này rất quan tâm đến lượng đường cao trong thực phẩm trẻ em và việc dán nhãn sản phẩm. Nhiều loại thực phẩm trẻ em thường dán nhãn gây hiểu lầm.

Gần như tất cả các quảng cáo và nhãn dán trên sản phẩm đều khẳng định về chất lượng dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của trẻ. Khoảng 60% sản phẩm có dán nhãn "phù hợp cho trẻ dưới 6 tháng tuổi", trong khi khuyến nghị của WHO là "chỉ nên trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn".

Các nhãn hiệu như "không chứa đường", "hoàn toàn từ thực phẩm hữu cơ" hoặc "không chứa chất bảo quản" đánh lừa cha mẹ nghĩ rằng chúng tốt cho sức khỏe của con mình. Bất kỳ sản phẩm nào "không có đường" cũng đều có thể chứa một lượng lớn đường fructose từ trái cây.

Tuy nghiên cứu mới dừng ở các quốc gia châu Âu nhưng các sản phẩm này đều được bán trên toàn thế giới. Do đó, tất cả cha mẹ vẫn rất nên lưu ý vấn đề này.

Liên quan tới tác hại khi trẻ tiêu thụ quá nhiều đường, trước đó một khuyến nghị được công bố trên tạp chí Circulation của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), một nhóm các chuyên gia về dinh dưỡng và sức khỏe đề xuất rằng trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 18 không nên tiêu thụ nhiều hơn 6 muỗng cà phê (30ml) lượng đường bổ sung mỗi ngày. Lượng đường này tương đương với khoảng 100 calo hay 25gram đường. Các bé dưới 2 tuổi thì nên tránh các loại đồ ăn và thức uống có đường bổ sung.

Đường bổ sung được coi là bất kỳ chất ngọt nào có năng lượng – chẳng hạn như đường ăn, si- rô bắp với hàm lượng fructose cao, mật ong và mật mía – và được dùng như một thành phần trong quá trình chế biến và chuẩn bị thực phẩm hoặc đồ uống. Đường bổ sung cũng bao gồm bất kỳ loại đường nào mà một người cho thêm vào thức ăn hoặc đồ uống trong bữa ăn.

Tiến sĩ Miriam Vos – trưởng nhóm, và cũng là một giáo sư nhi khoa tại Khoa Y học của Đại học Emory ở Atlanta cho biết, trong chế độ ăn cho trẻ em có rất ít khi cần bổ sung thêm đường, vì trẻ em cần nguồn năng lượng từ rau, củ, quả, các nguồn protein, ngũ cốc và sữa để lớn lên khỏe mạnh.

Tuy nhiên, có thể dùng một lượng nhỏ đường bổ sung để cải thiện mùi vị của các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và giàu dinh dưỡng – chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, sữa có hương vị hoặc sữa chua – để làm cho các loại thực phẩm này hấp dẫn hơn.

Nhưng bà Vos cũng cho biết, vẫn có những loại đường bổ sung trong các đồ uống có đường, bánh quy, bánh ngọt và kẹo, thực phẩm mà chỉ có rất ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng.

Theo VietQ