Samsung còn 'kiêng nể' các doanh nghiệp Việt Nam

Ở một giới hạn nào đó, Samsung còn “kiêng nể” các doanh nghiệp Việt là vì mối quan hệ trong hợp tác làm ăn giữa hai nước.

ThS Chế Kiều Nhi - Trưởng Bộ môn Công nghệ Bao bì - Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thẳng thắn trao đổi với Đất Việt về thị trường bao bì trong nước hiện nay.

Chuyển mình cũng khó theo

PV: Bà đánh giá thế nào về làn sóng đầu tư của DN ngoại vào thị trường bao bì, nhựa Việt Nam thời gian gần đây?

Th.S Chế Kiều Nhi: Đầu tiên tôi phải khẳng định sự có mặt của DN Hàn, Nhật, Thái trong lĩnh vực này ở Việt Nam đã từ lâu rồi và bây giờ khi nhìn thấy những cơ hội, tiềm năng lớn hơn thì họ mới ồ ạt đầu tư mạnh hơn. Trong đó, được quan tâm nhiều nhất là phân khúc bao bì mềm và bao bì hộp giấy.


Ảnh minh họa

Nếu để ý sẽ thấy, DN nước ngoài hầu như không đầu tư vào phân khúc in sách báo, tạp chí. Theo đánh giá đây là mảng kém triển vọng nhất, sự tồn tại của loại hình này chủ yếu chỉ để thích nghi với nhu cầu thôi, chứ không có khả năng sinh lợi và phát triển mạnh.

Trong khi đó phân khúc sản xuất bao bì mềm và bao bì hộp giấy lại được đánh giá là rất tiềm năng, có khả năng sinh lợi nhuận cao, triển vọng lớn.

Với lĩnh vực bao bì hộp giấy, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt thay đổi. Loại hình này rất dễ đầu tư, chỉ cần dựa trên cơ sở là trang thiết bị in sách báo, tạp chí cải tiến đã có thể sản xuất được hộp giấy.

Nhưng để chuyển mình qua phân khúc bao bì mềm rõ ràng là thách thức vô cùng lớn đối với doanh nghiệp trong nước. Từ khâu đầu tư trang thiết bị, khâu chế bản, in ấn, định hình sản phẩm cho tới cả yếu tố nguồn nhân lực vận hành doanh nghiệp Việt đều gặp khó khăn.

Thật ra, ngân sách cho các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực in ấn là rất lớn. Tôi đã từng làm trong những doanh nghiệp nhà nước có nguồn đầu tư lên tới 70-80 tỷ, nhưng nguồn hàng là gì, bài toán kinh tế ra sao, có phù hợp thực tế không…đều không rõ ràng. Vì vậy, có chuyện không thu hồi được vốn hay không đáp ứng được yêu cầu của xã hội là do tính toán của chúng ta.

Còn với những doanh nghiệp vừa và nhỏ họ rất ngại chuyển sang sản xuất bao bì mềm vì tâm lý lo ngại "phải tiêu tốn nhiều tiền nhưng không biết kết quả sẽ ra sao".

 Họ không thể đầu tư hàng tỉ USD mua sắm công nghệ nhưng nhưng sản xuất chỉ để cầm chừng. Sản xuất bao bì mềm đòi hỏi phải chạy số lượng lớn, có khách hàng dài hạn. Vì vậy, rõ ràng doanh nghiệp nước ngoài sẽ có lợi thế hơn rất nhiều.

Vì thế, một số doanh nghiệp đã chuyển qua sản xuất bao bì hộp giấy thay vì sản xuất sách báo, tạp chí như trước đây. Xu hướng của doanh nghiệp Việt là vốn ít, đầu tư vào những bao bì hộp, có thể thu lợi ngay, gia công nhanh.

Ở Việt Nam, sản xuất bao bì mềm nổi tiếng nhất chỉ có Tổng Công ty Công nghiệp - In - Bao bì Liksin, tiếp đó là đến Nhà máy sản xuất bao bì HUHTAMAKI 100% vốn của Phần Lan.

Hiện nay cũng chỉ có thêm Công ty in bao bì Trần Phú đã đầu tư rất nhiều máy, móc thiết bị để tham gia vào lĩnh vực in bao bì vỏ hộp giấy.

Nắm được điểm yếu của thị trường và cũng điều tra rất kỹ tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này mà rất nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan đã đầu tư phát triển vào thị trường bao bì Việt Nam.

Nếu bạn đi siêu thị sẽ thấy, thay vì các sản phẩm trước đây đều chứa trong các hộp nhựa, can, bình thì nay đều có xu hướng chuyển sang dạng túi, bịch mềm.

Các sản phẩm thủy hải sản, dược phẩm đóng gói xuất khẩu sang nước ngoài cũng đều có xu hướng đóng gói bằng túi. Kể cả đi nước ngoài bất kỳ ai cũng có thể quan sát thấy các sản phẩm bày bán trong siêu thị của họ đa phần đều đựng trong túi mềm chứ không dùng hộp giấy, hay bình nhựa nữa.

Như vậy, có thể thấy phân khúc này đang phát triển rất mạnh mẽ. Rõ ràng doanh nghiệp nước ngoài họ đã thấy được điều này và đã tận dụng rất tốt điểm yếu của VN nên họ đầu tư vào.

PV: Vậy theo bà, cái khó khăn của DN nội đã được nhìn nhận lâu chưa? Bà đánh giá thế nào về khả năng tự chuyển mình của DN Việt?

Th.S Chế Kiều Nhi: Thời gian vừa qua, có thể nhận thấy do thị trường in ấn, bao bì phát triển khá ổn định, không có nhiều xáo trộn đây chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong nước chủ quan, không chủ động phát huy năng lực của mình.

Từ cả việc đầu tư trang thiết bị, sản xuất có khi chỉ để đáp ứng theo nhu cầu của người tiêu dùng chứ không theo một tiêu chuẩn nào cả. Bản thân doanh nghiệp cũng không có cơ chế, tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng, cũng không có được những phòng thí nghiệm trong sản xuất.

Theo ĐV