Sabeco im lặng trách nhiệm với người tiêu dùng

Đại diện của Sabeco cho biết đang bận với công việc bán vốn cổ phần nên không thể trả lời về vụ việc có dị vật trong chai bia.

Bỏ ngỏ lời hứa sẽ liên lạc suốt 1 tuần qua, mặc dù Báo Dân Việt chủ động đến làm việc vào chiều ngày 12.12 nhưng Sabeco (Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, trụ sở số 6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ Chí Minh) chọn cách im lặng về việc bên trong chai bia có dị vật. Theo đó, Sabeco cho rằng trong thời gian này đang bận việc bán vốn nên không thể trả lời về vụ việc.

Trước đó, ông Nguyễn Trí Đức (SN 1974, ngụ quận Tân Bình, TP. HCM) mua bia về sử dụng thì phát hiện chai bia Sài Gòn đỏ (Saigon Export) có mảnh xốp khoảng 3cm bên trong. Ông Đức không nhận được lời xin lỗi nên khởi kiện Sabeco ra TAND quận 1 đòi bồi thường, công khai xin lỗi.

Sau phản ánh của Báo Dân Việt, vào chiều ngày 7.12, Sabeco đã gặp trực tiếp, trao thư xin lỗi và mong muốn ông Đức rút đơn khởi kiện. Tuy nhiên cho đến nay, ngày 13.12, ông Đức cho biết vẫn chưa rút đơn khởi kiện.

Tuy nhiên, theo luật sư, Sabeco không chỉ đơn thuần là xin lỗi ông Đức mà còn phải có trách nhiệm với người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của Sabeco.

Luật sư Trần Bá Học (Đoàn LS TP. HCM) cho biết: “Là một nhà sản xuất, kinh doanh, Sabeco không thể tránh khỏi những sai sót (nếu có) trong sản phẩm. Khi tiếp nhận khiếu nại của khách hàng về chất lượng sản phảm, đầu tiên Sabeco cần phải xác minh chính xác sản phẩm đó là do Sabeco cung cấp ra thị trường hay không. Vì không loại trừ sản phẩm là hàng giả, hàng nhái”.

Sau đó, Sabeco cần làm rõ, sản phẩm bị lỗi từ khâu nào. Dị vật là do người khác bỏ vào hay do quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản. Thậm chí không loại trừ khả năng do cạnh tranh không lành mạnh từ các đối thủ. Luật sư Học cho rằng việc kiểm tra, xác minh này có ý nghĩa hết sức quan trọng cho Sabeco để có những giải pháp phù hợp nhất.

“Vụ việc vừa qua nhận thấy Sabeco chưa giải quyết một cách cầu thị, thấu đáo. Thậm chí có biểu hiện “vô trách nhiệm” đối với ông Đức và người tiêu dùng nói chung. Để ông Đức khởi kiện ra tòa cho thấy xử lý khủng hoảng của Sabeco chưa đạt yêu cầu. Việc khởi kiện chưa biết thắng thua nhưng uy tín bị tổn hại nghiêm trọng”.

“Ngoài ra, Sabeco cần phải có một quy trình xử lý khiếu nại chặt chẽ, đúng pháp luật, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro tranh chấp pháp lý với người tiêu dùng. Đó mới là cách hành xử chuẩn mực của một doanh nghiệp lớn trên thị trường” Luật sư Học nói.

Sabeco im lặng trách nhiệm với người tiêu dùng

Luật sư Trần Bá Học nói rằng Sabeco cần công bố nguyên nhân gây ra dị vật trong chai bia -  Ảnh: Lý Tín

Đồng quan điểm với Luật sư Trần Bá Học nhưng Luật sư Trần Văn Đạt (Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) còn cho biết thêm: “Sabeco sẽ im lặng để vụ việc tự lắng xuống chứ không dại gì công bố nguyên nhân gây ra dị vật trong chai bia. Vấn đề nữa là Sabeco tiếp nhận chai bia có đúng quy trình hay không, có ghi rõ seri, lô hàng, ngày sản xuất... Bây giờ, chai bia đó đang ở đâu?”.

Còn Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP. HCM) thì lại cho rằng muốn Sabeco làm rõ, công bố nguyên nhân gây ra dị vật trong trong chai thì trước hết phải nói đến trách nhiệm của ông Đức và Hội bảo vệ người tiêu dùng.

Điều 9, luật Bảo vệ người tiêu dùng, nghĩa vụ của người tiêu dùng là: Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Có nghĩa rằng, ông Đức khi phát hiện chai bia có dị vật không chỉ đòi bồi thường, xin lỗi cho mỗi bản thân mà cần yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ để bảo vệ người tiêu dùng nói chung.

Điều 22 luật này cũng quy định về trách nhiệm thu hồi sản phẩm có khuyết tật của nhà sản xuất. Đồng thời báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên đối với việc này, áp dụng trong trường hợp của ông Đức là rất khó. Bởi ông Đức không giao chai bia có dị vật cho cơ quan nhà nước mà lại giao cho Sabeco. “Bây giờ làm sao chứng minh chai bia có dị vật là sản phẩm có khuyết tật từ khâu sản xuất. Trong khi đó việc giao nhận chai bia có dị vật lại không đúng trình tự pháp luật. Còn người tiêu dùng khác thì không thể yêu cầu Sabeco công khai xin lỗi, bồi thường vì không chứng minh được mình bị thiệt hại” Luật sư Hiệp nói.

Trong cuộc gặp ngày 5.12, Dân Việt từng đặt những câu hỏi liên quan: Việc tiếp nhận chai bia có dị vật có sự chứng kiến của cơ quan chức năng hay không? Chai bia có dị vật có được niêm phong, lập biên bản giao nhận hay không?

Trong biên bản tiếp nhận chai bia có dị vật, không ghi mã vạch, ngày sản xuất, lô hàng có đúng pháp luật? Việc giám định chai bia có dị vật là do Sabeco tự giám định hay giao cho cơ quan chức năng có thẩm quyền?

Đến nay, Sabeco đã tìm ra nguyên nhân xuất hiện dị vật hay chưa? Tại sao không thực hiện lời hứa trong biên bản? Ý kiến của Sabeco về việc người tiêu dùng phản ánh bị đe dọa, bị công an đến nhà khi phản ánh chai bia có dị vật?...

Theo DanViet