Rượu sâm Ngọc Linh: 90% là giả?

Sâm Ngọc Linh là một loại thảo dược quý hiếm và diện tích trồng chưa nhiều, nhưng hiện trên địa bàn TP.HCM, rượu sâm Ngọc Linh được bán nhiều vô kể.

Các lương y cảnh báo người tiêu dùng có nguy cơ mua phải rượu sâm Ngọc Linh giả.

Giá nào cũng có

Tại một cửa hàng trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì nơi đây quảng cáo bán rượu sâm Ngọc Linh nhưng không hề trưng bày sản phẩm. Nữ nhân viên cửa hàng cho biết: “Sâm Ngọc Linh quý hiếm lắm, nên nếu đồng ý mua, công ty sẽ đem sâm ngâm rượu rồi chuyển từ Quảng Nam vào tận nhà, khi nào nhận được hàng mới gửi tiền. Nếu mua sâm với số lượng nhiều thì phải đặt cọc để lấy lòng tin. Bên đây hàng nguyên chất 100%, được thu mua trực tiếp từ Kon Tum. Người mua có thể đem sản phẩm đến các Trung tâm kiểm định lại, nếu không đúng sẽ chịu trách nhiệm”.

Một lạng sâm Ngọc Linh có giá 3.200.000đ, được ngâm trong bình rượu loại 1 lít sẽ có giá 3.500.000đ (tiền bình và rượu); nếu ngâm trong bình loại 1,8 lít sẽ có giá 3.700.000đ. Khách có thể mua sâm tươi về tự ngâm, giá 32 triệu đồng/kg, loại 40 củ/kg.

Mặc dù nhân viên tại đây luôn miệng nói có giấy tờ đầy đủ, tuy nhiên, công ty chỉ trưng cho khách thấy giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về việc sơ chế, đóng gói, kinh doanh thực phẩm chức năng (nấm Linh Chi, sâm Ngọc Linh, sâm Hàn Quốc, vây cá mập). Website công ty có đăng hình phiếu phân tích và kiểm nghiệm mẫu sâm nhưng rất nhỏ, không thể nhìn rõ đây là phiếu kiểm nghiệm sâm Ngọc Linh hay một loại sâm nào khác.

Một cửa hàng trên đường Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp, TP.HCM) hiện trưng bày rất nhiều sâm Ngọc Linh ngâm rượu, sâm tươi, sâm khô. Để lấy lòng tin của chúng tôi, một nam nhân viên cho biết, hiện sâm Ngọc Linh trên thị trường làm giả bằng củ tam thất rất nhiều và hướng dẫn chúng tôi cách phân biệt. Cụ thể, sâm Ngọc Linh có thân mập và nhẵn, các đốt sâm rõ ràng còn các đốt tam thất đều nhau, ít so le; thân củ tam thất dẹp nhưng thân sâm Ngọc Linh thì tròn hơn; sâm Ngọc Linh khi nhai có vị đắng nhưng sau đó hậu ngọt, còn củ tam thất chỉ đắng chứ không ngọt…

ruou-sam-ngoc-linh
90% sâmNgọc Linh trênthị trườnghiện nay là giả

Nhân viên tư vấn rất thuyết phục, nhưng khách mua sản phẩm hiếm ai biết củ tam thất có hình dáng ra sao, mùi vị thế nào. Chưa kể, những sản phẩm tại cửa hàng đều ngâm rượu hoặc phơi khô nên khó nhận diện hình dáng. Tại đây, một bình rượu loại 2 lít có giá 20 triệu đồng, gồm bốn lạng sâm; loại 12 triệu đồng/ bình gồm hơn hai lạng sâm; loại 1 lít giá 6.000.000đ/bình gồm một lạng sâm; sâm tươi loại 1 củ/lạng có giá 5.500.000đ.

Tại phố Đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), các cửa hàng đều khẳng định có bán sâm Ngọc Linh rừng với đủ mức giá, từ 2.800.000 - 3.500.000đ/ lạng. Nếu đồng ý mua, phải đặt cọc số tiền bằng phân nửa giá trị lạng sâm, ba ngày sau sẽ có hàng.

Bơm chất kích thích vào cây tam thất để giả sâm Ngọc Linh

Cách đây không lâu, bệnh nhân T.V.S. (ngụ Vĩnh Long) phải đến bệnh viện vì mặt sưng vù, hai môi nở to vì ngậm sâm Ngọc Linh giả. Theo lời kể, trên đường từ TP.HCM về Vĩnh Long, tại trạm dừng chân nghỉ ngơi, ông S. thấy có vài người mặc quần áo dân tộc thiểu số đứng bán sâm Ngọc Linh với giá 30 triệu đồng/ kg. Khi về nhà, thấy cơ thể hơi mệt, ông S. cắt sâm ra ngậm một lúc thì thấy ngứa trong miệng, rồi ngứa lan ra mặt, mặt sưng lên rất nhanh. Đem củ sâm đến nhờ một thầy thuốc Đông y phân tích thì đó là... củ ráy.

“Cả ba loại thảo dược trên mặc dù không gây độc nhưng dùng không đúng liều lượng có thể hại sức khỏe, công dụng thì hạn chế một trời một vực so với sâm Ngọc Linh” - lương y Nguyễn Đức Nghĩa cảnh báo.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện toàn H.Nam Trà My trồng 120ha sâm Ngọc Linh. Trong năm 2015, thu được hơn hai tấn củ và 1,5 tấn lá. Hiện sâm Ngọc Linh còn được trồng ở một số nơi như Sa Pa, Kon Tum… nhưng diện tích rất ít và sản lượng không đủ đáp ứng thị trường.

Ông Bửu khẳng định, hiện 90% sâm Ngọc Linh trên thị trường là giả, nhiều nhất là giả từ củ tam thất hoang. Có người còn bơm chất kích thích vào cây tam thất hoang để củ tròn, mập giống sâm Ngọc Linh hoặc lấy củ sâm vũ diệp đem chôn ở đất núi Ngọc Linh, sau đó đem ngâm trong nước pha từ sâm để có mùi sâm.

Theo báo cáo của Chi Cục quản lý Thị trường TP.HCM, lực lượng này luôn tổ chức kiểm tra các điểm sản xuất, kinh doanh rượu và đã thu giữ đủ các loại rượu được ngâm bằng phương pháp truyền thống do không ghi rõ ngày tháng sản xuất và không có giấy kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, với lý do sâm Ngọc Linh quý hiếm, không có sẵn để trưng bày, các cửa hàng chỉ ngâm và giao hàng khi khách có nhu cầu… thì cơ quan chức năng rất khó kiểm tra. Đó cũng là nguyên nhân rượu sâm Ngọc Linh giả tha hồ “tung hoành”.

Theo Thanh Hoa (Phunuonline)