Rơi nước mắt vì mía rẻ như cho, thương lái biệt tăm, nhà máy nợ tiền

Hàng ngàn ha mía mất bao công chăm sóc để “rồi cho không”, khiến năm nay nông dân trồng mía ở Bến Lức (Long An) không biết lấy tiền đâu mà sắm tết.

Ông Mai Văn To – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Lức (Long An) ngồi buồn so nói: “Vừa rồi chúng tôi đi xem tình hình bà con trồng mía trên địa bàn, thấy mà phát rầu. Bây giờ bà con kêu lái đến cho mía cũng không ai lấy. Xem như năm này bà con mất Tết”.

“Ăn Tết nỗi gì!”

Sau vụ mía “bán mà như cho”, ông Hai Long (Nguyễn Văn Long, xã Lương Hòa, Bến Lức) hốp ngụm trà thơm mà đắng chát cổ họng. “Mong vô vụ mía bán kiếm tiền ăn Tết, nhưng thua rồi. Giờ không biết lấy tiền đâu ăn Tết”, ông lắc đầu.

roi-nuoc-mat-vi-mia-re-nhu-cho-thuong-lai-biet-tam-nha-may-no-tien

Mía khô đầy đồng, biệt tăm thương lái

Theo ông Hai Long, giờ thương lái rất ngại mua mía cho nông dân. Nếu mua họ phải chở đi tận Tây Ninh, Bến Tre, thậm chí Hậu Giang để bán cho nhà máy đường. Đi như vậy lỗ vốn lấy gì ăn”, ông Hai thổ lộ.

Ông Hai cho biết, năn nỉ riết thương lái mới chịu mua mía nhưng chỉ với giá 200.000 đồng/tấn. Bán hơn 1ha mía với giá này ông Hai cầm chắc lỗ. “Với giá này chỉ đủ tiền phân. Nhưng không bán chẳng lẽ để mía chết khô trên đồng, rồi lại tốn thêm tiền thuê nhân công dọn rẫy”, ông Hai trần tình.

Trong khi đó, dù có gần 30 năm gắn bó với cây mía, từng trồng cánh đồng mía với diện tích đến 300 ha, nhưng ông Trương Hùng Dũng (huyện Trảng Bom, Đồng Nai)  giờ cũng nản lòng với cây mía. Hiện, ông đang chuyển dần khoảng 100ha mía còn lại sang trồng cây ăn trái.

Theo ông Dũng, năm nay bất lợi về thời tiết nên năng suất mía bình quân chỉ đạt khoảng 50 tấn/ha. “Với giá mía bèo bọt như hiện nay, trừ các khoản chi phí là lỗ là cái chắc, mong gì kiếm lời mà trang trải, ăn tết”, ông than thở.

roi-nuoc-mat-vi-mia-re-nhu-cho-thuong-lai-biet-tam-nha-may-no-tien

Ông Hai Long nhìn nhân công khuân mía mình xuống ghe với giá rẻ mạt mà đau đáu lo cái Tết cận kề.

Ông Dũng cho rằng, dù rất buồn phải chia tay với cây mía, nhưng ông sẽ quay lại nghề trồng mía nếu mỗi ha có lời khoảng 30 triệu đồng. Vì trồng mía có nhà máy chế biến bao tiêu, nông dân yên tâm chứ không quá bấp bênh như thị trường cây ăn trái sáng nắng, chiều mưa như hiện nay.

Nghề trồng mía teo tóp

Giá mía năm qua sụt giảm nghiêm trọng khiến các tỉnh có trồng mía đang teo tóp dần diện tích. Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, diện tích mía niên vụ 2018 - 2019 trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 40% so cùng kỳ năm 2017.

Hiện, tỉnh có hơn 8.000ha mía, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bến Lức (5.900ha), Thủ Thừa (1.400ha), Đức Hòa, Đức Huệ (trên 650ha). Dự tính, đến năm 2020, diện tích này sẽ giảm còn 3.000 - 4.000ha.

roi-nuoc-mat-vi-mia-re-nhu-cho-thuong-lai-biet-tam-nha-may-no-tien

Nhà máy đường Nivl (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đanbg nợ trên 100 tỉ đồng không có khả năng chi trả đành đóng cửa. 

Theo Đề án Phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ NNPTNT, tỉnh Long An được phân bổ 8.500ha mía. Nhưng theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện, sở này đã kiến nghị với Bộ NNPTNT xin giảm một nửa diện tích mía được phân bổ trong Đề án trên.

Lý do là tình hình sản xuất mía trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, do: Giá thấp, nhà máy nợ tiền nông dân, khan hiếm nhân công, nhất là khi thu hoạch; Chi phí vận chuyển, đầu tư sản xuất tăng cao, lượng đường tồn kho lớn. Vừa qua, nhiều diện tích mía trên địa bàn tỉnh bị bỏ chết khô ngoài đồng do giá rẻ.

Trong khi đó, Đồng Nai từng là tỉnh có diện tích mía lớn của cả nước với cả chục ngàn ha nhưng cũng đang giảm dần theo từng năm. Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, nếu năm 2012 toàn tỉnh có gần 10.700 ha trồng mía thì đến nay chỉ còn 8.000ha.

roi-nuoc-mat-vi-mia-re-nhu-cho-thuong-lai-biet-tam-nha-may-no-tien

Thương lái ở Long An không muốn mua mía vì phải vận chuyển mía đến nhà máy đường quá xa, sợ thua lỗ.

Tại nhiều tỉnh, thành, hàng loạt nhà máy đường đã đóng cửa hoặc đối diện với nguy cơ phá sản. Vụ thu hoạch mía năm nay, cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất đều lâm vào cảnh khốn đốn.

Tại Long An, nông dân bán mía phải nhận đường vì Nhà máy Đường Nivl (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nợ trên 100 tỉ đồng không có khả năng chi trả.

 Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 2 nhà máy chế biến đường là Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán) và Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Tổng thiết kế của 2 nhà máy đạt khoảng 5.000 tấn mía/ngày với tổng sản lượng đường đạt khoảng 38.900 tấn đường/năm. Nhưng theo số liệu thống kê của Sở NNPTNT tỉnh, tính đến cuối 2018, lượng đường tồn kho của 2 nhà máy trên khoảng 19.000 tấn.

Theo ông Thiện, có 3 nguyên nhân dẫn đến giá thành đường Việt Nam cao là: Năng suất mía Việt Nam bình quân 60 - 70 tấn/ha, trong khi năng suất mía của các nước đạt khá cao; Chữ đường của Việt Nam lại thấp; nhiều nhà máy sản xuất công nghệ lạc hậu nên lượng đường sản xuất trên 1 tấn mía thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới…

Theo DanViet