Quyền lực ở Vinamilk ra sao sau khi thay Chủ tịch HĐQT?

Bà Lê Thị Băng Tâm nguyên là Chủ tịch SCIC. Điều này làm dấy lên câu hỏi về cán cân quyền lực trong HĐQT sau khi bà Mai Kiều Liên chỉ còn giữ ghế Tổng giám đốc.

Ít hơn tuổi nghề (ngành sữa), nhiều hơn tuổi hưu, bà Lê Thị Băng Tâm bất ngờ được bầu vào ghế Chủ tịch Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã chứng khoán VNM) thay cho nữ tướng Mai Kiều Liên. Trong câu chuyện đổi ghế tại Vinamilk, từ lý do của người từ nhiệm đến con đường lên chức của người thay thế đều chứa đầy bất ngờ. 

Bà Mai Kiều Liên là một trong những nữ doanh nhân nổi tiếng nhất Việt Nam. Nữ tướng này nhiều lần được các tạp chí uy tín của thế giới bình chọn là nữ doanh nhân, CEO quyền lực, xuất sắc nhất châu Á. Trong khi đó, người thay thế tại Vinamilk là một trong hai nữ lãnh đạo ngân hàng nhiều tuổi nhất Việt Nam hiện nay (người còn lại là bà Trần Thị Hường - Tư Hường). 

Nữ doanh nhân quyền lực châu Á có gần 40 năm gắn bó với ngành sữa và 23 năm giữ ghế Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk. Trong khi đó, bà Tâm là thành viên HĐQT độc lập, mới tham gia ban lãnh đạo 2 năm, và không giữ quyền điều hành trực tiếp tại công ty sữa số 1 Việt Nam. 

Quyền lực ở Vinamilk ra sao sau khi thay Chủ tịch HĐQT?
Bà Mai Kiều Liên chính thức rời ghế Chủ tịch Vinamilk từ ngày 25/7, sau 23 năm đảm nhiệm vị trí này. Ảnh: Doanh Nhân.

Bà Mai Kiều Liên từ nhiệm chiếc ghế quyền lực nhất tại công ty này vì đã quá tuổi, và không còn là người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Tuy nhiên, dù đã 62 tuổi, bà Liên vẫn ít hơn tân Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm - tới 6 tuổi.

Không nhiều kinh nghiệm, lớn tuổi hơn, bà Băng Tâm đến nay vẫn còn giữ ghế Chủ tịch tại HDBank, một trong những ngân hàng cổ phần có tốc độ phát triển nhanh tại Việt Nam.

Thời điềm bầu thêm thành viên vào HĐQT năm 2013, SCIC giới thiệu một thành viên HĐQT độc lập khác là ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Ocean Group. Trong khi đó, bà Băng Tâm được một nhóm cổ đông nhỏ lẻ giới thiệu. Cả bà Băng Tâm và ông Thắm đều không sở hữu cổ phần nào của Vinamilk.

Nếu ông Thắm được sự hậu thuẫn của 45% cổ phần có quyền biểu quyết là SCIC, thì bà Tâm chỉ có sự ủng hộ của 11%, trong đó 3% cổ đông là cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp.

Cán cân quyền lực tại Vinamilk sẽ ra sao?

Theo kết quả đại hội năm 2013, cả ông Thắm và bà Băng Tâm đều trúng cử làm thành viên HĐQT độc lập. Thế nhưng một năm sau, người trẻ tuổi hơn, có hậu thuẫn lớn hơn là ông Hà Văn Thắm, vướng vòng lao lý, buộc phải rời chức ở Vinamilk. Bà Băng Tâm được bầu vào ghế Chủ tịch.

Trước đây, SCIC giữ 45% cổ phần, với 3 đại diện và cộng thêm ông Hà Văn Thắm trong HĐQT gồm 7 người. Bà Mai Kiều Liên đại diện phần vốn góp của SCIC nhưng thường không nhận được sự ủng hộ của "ông chủ". Đó là lý do "ông chủ" đề xuất việc thay đổi điều lệ công ty để phế truất nữ tướng Vinamilk khỏi HĐQT tại đại hội cổ đông hồi đầu năm. Tuy nhiên dự định này bất thành vì vấp phải phản đối từ những cổ đông khác.

Khi bà Băng Tâm ngồi ghế Chủ tịch, HĐQT gồm 6 người chỉ còn 2 đại diện của SCIC là ông Lê Song Lai (30%) và bà Ngô Thị Thu Trang (7,5%). Người từng giữ ghế Chủ tịch SCIC giờ đại diện cho những cổ đông nhỏ lẻ của Vinamilk và là thành viên độc lập chứ không ở phe giữ cổ phần lớn nhất tại công ty này.

Một nguồn tin từ Vinamilk cho biết, với cơ cấu mới, HĐQT sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc điều hành. "Chủ tịch mới là thành viên độc lập nên bà sẽ hành động vì lợi ích chung của công ty, hướng tới bảo vệ những cổ đông yếu thế. Vì thế, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tân Chủ tịch".

Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán chuyên tư vấn cho các tổng công ty lớn lên sàn bình luận: "Chị Tâm là người cũ của SCIC nhưng nghỉ lâu rồi, và giờ thực sự là một thành viên độc lập. Vì thế, các quyết định sẽ trung tính chứ không thiên về phe cổ đông nào và điều này sẽ tốt cho dài hạn của Vinamilk”. Tuy nhiên, ông này cũng nhận xét, vị thế của SCIC sẽ yếu hẳn do số phiếu bầu trong HĐQT chiếm thiểu số.

Theo Hạ Minh - Hoàng Ly (Zing)