Quên đổ nước làm mát động cơ ô tô có thể mất vài chục triệu như chơi

Nước làm mát có tác dụng giúp động cơ ô tô không bị quá nhiệt, tránh bó kẹt các chi tiết. Vì thế, một khi quên đổ nước làm mát sẽ vô cùng nguy hiểm.

Quên đổ nước làm mát khiến xe chết máy giữa đường

Dung dịch nước làm mát động cơ không phải là loại nước lọc dùng trong sinh hoạt hàng ngày mà là chất lỏng chuyên dụng. Thành phần chính là nước cất (nước tinh khiết) và dung dịch làm mát ethylene glycol có tác dụng truyền dẫn nhiệt nhanh, cùng các chất phụ gia giúp chống bay hơi, ăn mòn động cơ…

Về cấu tạo cơ bản của hệ thống làm mát, nước làm mát sau khi tiếp xúc với động cơ sẽ nhận nhiệt lượng và nóng lên, sau đó theo các đường ống chạy về két nước. Tại đây, két nước có quạt tản nhiệt cộng gió tự nhiên làm mát lượng nước vừa tới và tiếp tục quay trở lại động cơ làm mát tiếp theo một vòng khép kín.

Mặc dù nước làm mát đóng vai trò quan trọng tới động cơ ô tô nhưng nhiều tài xế vẫn không quá chú tâm vào việc đổ nước làm mát, thậm chí có người còn quên đổ dẫn tới những hỏng hóc nghiêm trọng, thiệt hại nặng về kinh tế. 

Mới đây nhất, theo chia sẻ của kỹ sư Lê Văn Tạch, một chiếc xe ô tô bỗng nhiên bị chết máy giữa đường không thể khởi động được phải gọi cứu hộ và đem tới gara sửa. Kết quả kiểm tra cho thấy lỗi nhỏ không ngờ nhưng tiêu tốn của chủ xe 13 triệu tiền sửa. 

Theo đó, chủ xe dù đã có lịch hẹn để bảo dưỡng xe, nhưng dọc đường gặp sự cố rất đáng tiếc. Chiếc xe này bị bó máy, hỏng nặng động cơ nên phải làm lại máy và bộ hơi. Nguyên nhân là do chủ xe đã quên đổ nước làm mát. Nước làm mát chỉ còn chưa đến 200 ml trong khi yêu cầu phải là 4 lít. Đặc biệt, nước trước đây chủ xe đổ vào lại là nước lọc, không phải nước chuyên dụng.

quen-do-nuoc-lam-mat-dong-co-o-to-co-the-mat-vai-chuc-trieu-nhu-choi

 

Quên đổ nước làm mát ô tô rất nguy hiểm

Theo kỹ sư Lê Văn Tạch, việc quên đổ nước làm mát động cơ là lỗi rất phổ biến của nhiều người sử dụng ô tô hiện nay. Có tháng, garace ô tô của anh ghi nhận tới 20-30 khách hàng đi xe có hiện tượng này. Đối với dòng xe sang, chi phí để sửa chữa những thiệt hại do kiệt nước làm mát gây ra tại garace tư nhân có thể lên tới 50 triệu đồng, trong khi bình nước làm mát chỉ tốn của chủ xe vài chục đến vài trăm ngàn đồng.

Kỹ sư Tạch nhấn mạnh, nếu thường xuyên kiểm tra xe, châm thêm nước làm mát chuyên dụng, chiếc xe sẽ vận hành bền và có tuổi thọ cao hơn. Bên cạnh đó, anh cũng lưu ý không nên dùng nước lã, thậm chí là nước lọc đổ vào vì trong nước lã có chứa nhiều tạp chất và khoáng chất khác như đá vôi (CaCO3), kim loại, Mg2. 

Nguyên nhân khiến nước làm mát ô tô nhanh hao hụt

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho nước làm mát nhanh hao hụt. Thứ nhất khi gặp nhiệt độ cao, nước sẽ bay hơi nhanh chóng, các chất "cứng" trong nước trở thành cặn sạn đóng ở két nước, về lâu dài có thể gây tắc khiến việc tản nhiệt kém hiệu quả.

Trong trường hợp động cơ thiếu nước làm mát, hệ thống sẽ không đủ lượng nước để giải nhiệt cho động cơ, dẫn đến sôi nước và bó kẹt các chi tiết. Điều này có thể do các đường ống dẫn, các đoạn nối bị hở khiến nước làm mát bị chảy ra bên ngoài. Các vị trí nút bịt lỗ gia công trên động cơ bị ăn mòn sau thời gian dài gây rò rỉ. Các thanh tản nhiệt bên trong két nước bị rách do làm việc lâu ngày hoặc do xe chạy trên đường xấu bị đá văng lên gây thủng và chảy nước làm mát.

Ngoài ra, do nắp két nước bị hỏng, khiến nước làm mát chảy ra ngoài hoặc bay hơi khi nóng lên trong thời gian dài dẫn đến hao hụt. Điều này có thể do nguyên nhân là mặt gioăng quy lát (bộ phận làm kín giữa mặt máy và thân máy) bị hỏng khiến đường nước làm mát bị thông sang đường dầu bôi trơn hoặc đi vào buồng đốt.

Theo các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ô tô, đối với xe số tự động, nhiều trường hợp két làm mát dầu hộp số bị hỏng cũng khiến nước làm mát bị lẫn sang dầu hộp số khiến nước làm mát bị hao hụt và hỏng dầu hộp số.

Hệ thống làm mát ô tô là hệ thống tuần hoàn kín nên nước làm mát ít bị tiêu hao khi xe hoạt động bình thường. Nếu kiểm tra thấy nước làm mát bị hao hụt nhiều, có thể hệ thống đã bị rò rỉ hoặc hư hỏng tài xế nên xử lý nhanh, tránh để quên hậu quả sẽ khó lường.

Làm gì khi động cơ có tín hiệu báo quá nhiệt?

Nếu đang lái xe trên đường, đầu tiên, hãy bình tĩnh quan sát tình trạng giao thông xung quanh, sau đó cho xe dừng vào lề đường trong trường hợp đủ an toàn. Tắt động cơ, để chìa khóa ở chế độ "ON".

Tiếp theo, hãy mở nắp capo để kiểm tra bình nước làm mát. Lưu ý, chỉ mở nắp capo khi bề mặt không quá nóng để tránh bị bỏng.

Sau khi đã mở được nắp capo, dùng một cái khăn để kiểm tra ống tản nhiệt phía trên két nước. Trong trường hợp bạn bóp tay vào cảm thấy bề mặt ống cứng thì không nên vội vàng mở nắp két làm mát.

Chờ cho đến khi két làm mát nguội đi, mở nắp két và đổ thêm nước làm mát nếu thấy bình bị cạn.

Khởi động lại xe và quan sát kim nhiệt độ trên cụm đồng hồ còn hiển thị ở vạch nguy hiểm hay không (vạch đỏ). Nếu không có thể tiếp tục hành trình. Nếu kim vẫn ở vạch đỏ, tiếp tục chờ thêm một thời gian (khoảng 15 phút) và khởi động lại xe, nếu không có gì thay đổi nên gọi cứu hộ và không nên tiếp tục hành trình để tránh hư hỏng nặng bên trong động cơ.

Theo VietQ