Quảng cáo 'nổ' của Kangaroo: Phạt thế nào mới hợp lý?

Với mức phạt 10 triệu đồng, nhiều người lo ngại phạt nhẹ quá dễ dẫn đến việc doanh nghiệp chấp nhận bị phạt vì lợi nhuận thu về quá lớn.

Dư luận những ngày qua đang xôn xao về việc, Kangaroo quảng cáo rầm rộ, thổi phồng về hiệu quả của máy lọc nước KG 100 Omega hỗ trợ ngăn ngừa mỡ máu, khiến nhiều người dân lầm tưởng về sự hiệu quả thật sự của máy.

uảng cáo 'nổ' của Kangaroo: Phạt thế nào mới hợp lý?

Quảng cáo sai sự thật, nên phạt Kangaroo thế nào thì hợp lý?

Ngoài ra, tập đoàn này đã lợi dụng vào việc thử nghiệm: “Đánh giá hiệu quả hỗ trợ giảm mỡ máu của máy lọc nước RO Kangaroo trên các bệnh nhân rối loạn mỡ máu điều trị tại Bệnh viện Tim Hà Nội”, do ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội làm chủ đề tài để quảng cáo về hiệu quả của máy lọc nước này “là phương pháp hỗ trợ điều trị ngăn ngừa rối loạn mỡ máu”.

Ngày 29/10, tiến hành kiểm tra giấy phép và nội dung quảng cáo sản phẩm máy lọc nước Kangaroo ngăn ngữa mỡ máu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện lạnh – Điện máy Việt - Úc (Tập đoàn Kangaroo), Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội đã phát hiện Tập đoàn Kangaroo vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (quy định tại điều 67, Nghị định số 158/NĐ-CP ngày 11/12 của Chính phủ quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VHTT&DL và quảng cáo).

Cụ thể, theo Luật Quảng cáo, tất cả nội dung quảng cáo phải báo cáo tới Sở VH-TT&DL, Sở chấp thuận mới được sử dụng. Tuy nhiên, Kangaroo không xin phép ý kiến của Sở VH-TT&DL Hà Nội mà tự ý sử dụng nội dung quảng cáo không chính xác.

Với những sai phạm này, Thanh tra Sở VH-TT&DL Hà Nội ra quyết định phạt Kangaroo 10 triệu đồng và yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện lạnh Điện máy Việt - Úc bỏ ngay nội dung vi phạm trên trong các quảng cáo về máy lọc nước Kangaroo.

Tuy nhiên, ngay sau thông tin về mức xử phạt được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về công dụng sản phẩm của Kangaroo là quá nhẹ.

Trao đổi với phóng viên, một số luật sư băn khoăn bởi mức phạt vi phạm hành chính đối với Kangaroo chưa tương xứng với hành vi vi phạm. Điều này dễ dẫn đến việc doanh nghiệp chấp nhận bị phạt vì lợi nhuận thu về quá lớn trong khi mức phạt lại nhẹ.

Một vị luật sư của đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, mức xử phạt vi phạm hành chính cần căn cứ vào lợi nhuận doanh nghiệp thu được từ vi phạm. Như trường hợp Kangaroo cần tính ra lợi nhuận thu về từ việc quảng cáo sai sự thật sản phẩm máy lọc nước ngăn ngừa mỡ máu. Mức lợi nhuận tính từ khi doanh nghiệp quảng cáo đến khi quảng cáo đó bị gỡ bỏ.

Thứ hai, trong trường hợp không tính ra mức lợi nhuận do bán sản phẩm từ quảng cáo sai phạm có thể áp một khung cứng. Ví dụ, khấu trừ 30% lợi nhuận từ bán sản phẩm của doanh nghiệp trong thời gian doanh nghiệp phát hành quảng cáo sai phạm đến khi gỡ bỏ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!

Theo Long Hải(VietQ)