Quán cơm 2.000 đồng ấm lòng “thượng đế” nghèo

Tại TP.HCM, số tiền 2.000 đồng chẳng đủ để mua cốc trà đá hay gửi xe ở nhiều nơi, nhưng đến chuỗi quán cơm Nụ Cười giữa trung tâm Sài Gòn, người nghèo có thể mua được những bữa cơm đầy đủ 3 món, có kèm trái cây, ngon mà ấm lòng.

Thực đơn luôn được ghi rõ ràng trước cửa quán

“Ai đời, giữa Sài Gòn đắt đỏ dĩa cơm chỉ có 2.000 đồng”

Mới hơn 10g sáng, quán cơm Nụ Cười 1 (số 6 Cống Quỳnh, Q.1) bắt đầu có khách. Cô Mỹ Hoa (68 tuổi) lần đầu đến đây cũng là một trong những vị khách đầu tiên có mặt ở quán. Theo quy định từ trước, 11g15 quán mới bắt đầu phục vụ nhưng tình nguyện viên vẫn dắt cô vào bên trong ngồi. Cầm 2.000 đồng trên tay, nhìn xung quanh, cô bẽn lẽn: “Tôi có rất ít tiền để ăn cơm nên mấy cô cậu cho tôi ăn cái gì cũng được”.

Sau khi mua phiếu và chờ cơm, cô lấy kèn harmonica ra thổi. Khi tình nguyện viên mang cơm ra, nhìn phần ăn đầy đủ cơm, thịt kho, rau xào, canh và cả chuối, cô ngơ ngác: “Tôi chỉ mua phần 2.000 đồng thôi mà”. Tình nguyện viên tươi cười giải thích: “ Ở đây, đĩa cơm nào cũng có giá như nhau cô ạ”. Nghe vậy, cô mừng rỡ cảm ơn rồi ăn một cách ngon lành.

Phần cơm đầy đủ các món ăn của cô Mỹ Hoa

Với số tiền ấy, để có được một bữa ăn trọn vẹn, trà đá và giữ xe miễn phí không chỉ gây ngạc nhiên cho cô Hoa mà còn là sự hoài nghi của rất nhiều người lần đầu ghé quán.

Anh Minh Đức (51 tuổi) bán vé số dạo trên các con phố cho biết: “Hồi đầu đi qua đây, thấy quán cơm mới mở, treo bảng giá 2.000 đồng cho một phần cơm, tôi đâu có tin. Ai đời, giữa Sài Gòn cái gì cũng đắt đỏ mà dĩa cơm thì chỉ có 2.000 đồng”.

Anh Đức nói thêm: “Ăn một lần rồi lại muốn đến ăn nhiều lần. Cơm ngon, sạch sẽ, đầy đủ lại thêm trái cây, giá chưa mua được ly trà đá nên tôi giới thiệu thêm cho những người lao động nghèo như tôi đến ăn. Ai cũng mừng rỡ. Bình thường mua một phần cơm ở ngoài rẻ cũng 15.000 đồng mà với những người lao động nghèo, đó là một số tiền không ít. Từ khi đến ăn ở đây, chúng tôi tiết kiệm hơn được chục nghìn đồng để lo cho gia đình. Có nhiều người nghèo khổ, quê tít tận miền Trung, vào đây kiếm sống, mỗi ngày tiết kiệm được vài đồng tiền cơm, họ lại gói ghém gửi về quê cho cả đàn con đi học”.

Không gian quán chỉ chứa được khoảng 70 người nên mọi người đến ăn cơm đều xếp hàng ngay ngắn để mua phiếu, riêng người già trẻ em sẽ được ưu tiên vào ăn trước.

Những người đến quán ăn cơm luôn xếp hàng ngay ngắn

Không như những quán cơm bình thường khác, quán cơm Nụ Cười luôn đông khách nhưng mọi người không ồn ào, chen lấn hay xô đẩy nhau. Người đến trước ăn trước, tranh thủ ăn nhanh, không làm rơi vãi để nhường chỗ cho người đến sau. Mỗi ngày, có hơn 500 phần cơm được bán ra. Ai đến trễ, hết phần thì những tình nguyện viên sẽ nấu thêm cơm hoặc mì.

Dù lượng người đến ăn cơm rất đông nhưng đều được các tình nguyện viên phục vụ nhiệt tình và chu đáo. Cơm trắng và súp luôn có sẵn và được tiếp thêm cho mọi người có thể ăn thêm, trà đá miễn phí ngay trước cửa quán để bất cứ ai cũng có thể uống khi mới đến hoặc sau khi ăn no.

Mang chai nước tương thay tiền đóng góp

Hoạt động từ năm 2012 đến nay, quán cơm Nụ Cười đã có 6 chi nhánh, trong đó Nụ Cười 1 (số 6 Cống Quỳnh, Q.1), Nụ Cười 2 (46/22 Nguyễn Ngọc Nhựt, Q.Tân Phú), Nụ Cười 3 (289A Huỳnh Tấn Phát, Q.7), Nụ Cười 4 (132 Bến Vân Đồn, Q.4), Nụ Cười 6 (43 Trưng Trắc, Q. Thủ Đức) và Nụ cười Song Trà (Quảng Ngãi). Suốt nhiều năm qua, tiền cơm và số lượng thức ăn vẫn được giữ nguyên như những ngày đầu để đảm bảo rằng, bất kỳ ai cũng có thể mua được một khẩu phần ăn cho mình.

Quán cơm được giữ vệ sinh sạch sẽ

Nguồn tiền chi cho 6 chi nhánh mỗi tháng tiêu tốn đến 600 triệu đồng và số tiền này được gom góp lại từ nhiều nguồn ủng hộ trong đó có các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân. Nhưng, để có thể duy trì và hoạt động, quán cơm còn được sự giúp sức của nhiều tình nguyện viên, trong đó có các bạn sinh viên, du học sinh nước ngoài và những người có nhiều thời gian rảnh rỗi.

Chưa khi nào nguồn thực phẩm bị thiếu hụt, thậm chí, nhiều khi thực phẩm dư ra được mang đi làm từ thiện ở các vùng nhưng giá cơm vẫn được giữ nguyên chứ không được bán giá thấp hay cao hơn.

Ông Nam Đồng, chủ nhiệm quán cơm Nụ Cười 1, cho biết: “Giá cơm 2.000 đồng sẽ được giữ cố định đến nhiều năm sau. Số tiền đó không phải để thu lời mà để những người tới ăn cơm giữ được lòng tự trọng của mình, là mua cơm chứ không phải là ăn cơm miễn phí. Ngoài ra, với số tiền đó, họ sẽ có cảm giác mình vẫn là khách hàng để được phục vụ tốt hơn”.

Ông Nam Đồng còn chia sẻ: “Thật may mắn khi con người có tấm lòng nhân ái và chia sẻ. Trong thời gian làm quán cơm, tôi chứng kiến được nhiều câu chuyện. Có một chị làm giúp việc từ 6g sáng, 11g chị đến ăn đĩa cơm 2.000 đồng rồi sau đó lại đóng góp 20.000 đồng. Hoặc có nhiều người không có tiền đóng góp, thỉnh thoảng họ mang lại chai nước tương”.

“Khi mở quán cơm, với nguồn tiền từ các nhà hảo tâm và hoạt động vì người nghèo, chúng tôi cố gắng giữ được sự tin tưởng. Mà muốn có sự tin tưởng thì hoạt động phải công khai. Ai cho cái gì, mang đến bao nhiêu tiền thì đều được công bố trên website rõ ràng, có tổ chức kiểm toán minh bạch” - ông Nam Đồng cho biết thêm.

Giữa cuộc sống mưu sinh vất vả, dĩa cơm 2.000 đồng như một món quà thiết thực với những người nghèo. Đó là một bữa ăn ngon, ấm lòng và đầy những nụ cười.

Theo Đời Sống & Tiêu Dùng