Phóng đại 100.000 lần để nhận diện mảnh vỡ của MH370

Các chuyên gia Pháp sử dụng kính hiển vi có độ phóng đại tới 100.000 lần để xác định mảnh kim loại trôi dạt vào đảo Reunion của máy bay MH370.

Hôm 29/7, người dân trên đảo Reunion (thuộc Pháp) phát hiện mảnh vỡ nghi là cánh máy bay Boeing 777 mất tích của Malaysia Airlines. Vài ngày sau, mảnh vỡ được đưa lên máy bay về Toulouse, Pháp để xác định nguồn gốc.

Quá trình kiểm tra mảnh vỡ nghi được tiến hành tại phòng thí nghiệm hàng không DGA Techniques Aéronautiques của quân đội Pháp tại Balma, vùng ngoại ô phía Tây Nam TP Toulouse. Một thẩm phán giám sát liên tục các hoạt động truy tìm nguồn gốc vật thể. Chuyên gia Mỹ và Boeing tham gia đội điều tra quốc tế do Malaysia dẫn đầu, Reuters đưa tin.

Trong quá trình làm việc, các chuyên gia phân tích kim loại ở Balma đã phải sử dụng kính hiển vi điện tử có khả năng phóng đại gấp 100.000 lần để soi vào mảnh vỡ. Loại thiết bị này từng được sử dụng để nhận diện các mảnh vỡ từ phần thân chiếc Airbus A330 thực hiện chuyến bay số hiệu 447 của Air France sau khi nó biến mất trên Đại Tây Dương năm 2009.

Phóng đại 100.000 lần để nhận diện mảnh vỡ của MH370

Mảnh vỡ được xác định là cánh máy bay Boeing 777 mất tích của Malaysia Airlines. (Ảnh: Getty)

Bộ Quốc phòng Pháp mô tả trung tâm ở Balma là 'cơ sở nghiên cứu hàng đầu' về chất liệu máy bay và các thử nghiệm. Sau sự kiện năm 2009 làm 228 người thiệt mạng trên lộ trình từ Rio de Janeiro (Brazil) đến Paris (Pháp), các chuyên gia ở Balma đã xác định máy bay còn nguyên vẹn khi lao xuống biển nhờ phân tích 1.000 mảnh vỡ. Họ kết luận máy bay nát vụn sau khi va chạm.

DGA Techniques Aéronautiques quy tụ đội ngũ chuyên gia điều tra tai nạn hàng không, những người rất chuyên nghiệp. Trong công việc thường ngày, họ thường đẩy máy bay tới giới hạn nhằm kiểm tra khả năng tự phục hồi của chúng trong điều kiện khắc nghiệt.

Họ cũng kiểm tra hệ thống điện tử và các bộ phận dễ hỏng của máy bay trong trường hợp bị sét đánh hoặc tấn công bằng vũ khí điện tử, theo Financial Times.

Cơ sở này được thành lập từ hơn 60 năm trước với tên gọi là Trung tâm thử nghiệm bay Toulouse trước khi đổi tên năm 2010. Nó là 1 trong 16 địa điểm của DGA và đóng vai trò quan trọng với Bộ Quốc phòng Pháp. Kết quả phân tích của kính hiển vi điện tử không chỉ xác định được mối liên quan giữa dị vật với máy bay Boeing 777 mất tích của Malaysia Airlines mà còn chỉ ra nhiều đầu mối khác.

Phóng đại 100.000 lần để nhận diện mảnh vỡ của MH370

Cảnh sát Pháp chuyển mảnh vỡ khỏi bãi biển ở Reunion. (Ảnh: Reuters)

Rạng sáng nay (6/8), Thủ tướng Malaysia Najib Razak chính thức công bố kết quả nghiên cứu, cho thấy mảnh vỡ thuộc về MH370. Tuy nhiên, 1 điều tra viên tham gia quá trình nhận dạng khẳng định: 'Cánh tà cung cấp ít manh mối về số phận máy bay hơn so với các bộ phận lớn, chẳng hạn như càng hạ cánh. Tuy nhiên, mảnh vỡ này là bằng chứng duy nhất nên nó có thể tiết lộ nhiều bí mật hơn so với việc đây là một phần của MH370'.

Trên thực tế, việc xác nhận nguồn gốc của mảnh vỡ không có nghĩa là các chuyên gia sẽ tìm ra nguyên nhân tai nạn hoặc vị trí máy bay rơi xuống.

Trong thảm kịch Air France 447 năm 2009, người ta tìm thấy mảnh vỡ máy bay 5 ngày sau khi nó biến mất nhưng phải mất tới nhiều năm để giải mã sự cố. Hộp đen máy bay được vớt từ đáy biển để làm sáng tỏ nguyên nhân sự cố. Chúng là chìa khóa để giải mọi bí ẩn hàng không hiện đại.

Theo Zing/GDVN