Phó thủ tướng: Có thể mất hàng tháng để kiểm soát được dịch ở TP.HCM

"Với TP.HCM và một phần Đồng Nai, Bình Dương, Long An, dịch đã lây rất rộng và sâu. Để kiểm soát được dịch ở các khu vực này, có thể phải mất hàng tháng", Phó thủ tướng nói.

pho-thu-tuong-co-the-mat-hang-thang-de-kiem-soat-duoc-dich-o-tp-hcm

10 ngày kể từ khi 19 tỉnh, thành phía Nam chính thức pháp dụng Chỉ thị 16 cũng là 10 ngày đoàn công tác của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam liên tục xuống các địa phương, cơ sở để kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19

Với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, ông nhiều lần khẳng định các tỉnh phía Nam đang trong một cuộc chiến chống giặc Covid-19, một cuộc chiến đòi hỏi "kháng chiến toàn diện".

Trong đó, "mặt trận TP.HCM" là địa bàn nóng nhất, toàn bộ người dân và hệ thống chính trị phải tham gia, chạy đua với thời gian để giảm tối đa tỷ lệ tử vong.

Trao đổi với báo chí chiều 28/7 bên lề cuộc họp tổ công tác đặc biệt với 19 tỉnh, thành phía nam, ông đánh giá thời gian dập dịch ở địa phương có thể kéo dài hơn dự kiến.

Thống nhất với lãnh đạo TP.HCM về các giải pháp chống dịch

- TP.HCM và 19 tỉnh, thành phía Nam đã trải qua 10 ngày áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn vùng. Ông đánh giá tình hình tại các tỉnh, thành hiện nay ra sao?

- Chúng ta đã qua 10 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 toàn bộ 19 tỉnh, thành phía Nam. 10 ngày vừa qua tất cả tỉnh, thành, đặc biệt là TP.HCM đã làm khối lượng công việc khổng lồ. Tất cả lực lượng rất cố gắng. Người dân cũng rất ủng hộ. Nhưng tình hình dịch đến hôm nay về cơ bản vẫn còn rất phức tạp.

Riêng TP.HCM và một phần của Đồng Nai, Bình Dương, Long An mục tiêu cấp thiết nhất trong giai đoạn trước mắt là giảm tỷ lệ tử vong

Một số tỉnh ở phía nam sông Hậu, hay Bình Phước, Vũng Tàu, tình hình được kiểm soát, công tác chống dịch đi vào nề nếp, làm rất nghiêm, tới mọi ngõ ngách, nhưng số ca nhiễm thì chưa giảm.

Với TP.HCM và một phần Đồng Nai, Bình Dương, Long An, có thể nói dịch đã lây lan rất rộng và sâu. Tình hình khác so với các địa phương còn lại của phía Nam cũng như so với cả nước. Để kiểm soát được dịch ở các khu vực này, thời gian chắc phải kéo dài hơn dự kiến và lâu hơn so với nhiều tỉnh, thành khác, có thể phải mất hàng tháng.

Vừa qua, các bộ, ngành và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 (Tổ công tác) đã vào làm việc và đi xuống tận cơ sở, tìm hiểu, trao đổi và thống nhất với TP.HCM nhiều giải pháp để điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Chắc chắn những giải pháp này cũng giúp cho vùng lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Cả nước nói chung và 19 tỉnh, thành phía Nam nói riêng vẫn phải đặt mục tiêu làm sao dịch không lây lan, hay nói cách khác là giảm được F0. Riêng TP.HCM và một phần của Đồng Nai, Bình Dương, Long An thì mục tiêu cấp thiết nhất trong giai đoạn trước mắt là giảm tỷ lệ tử vong, giảm bệnh nhân có diễn biến nặng.

pho-thu-tuong-co-the-mat-hang-thang-de-kiem-soat-duoc-dich-o-tp-hcm

Bác sĩ điều trị cho một bệnh nhi mắc Covid-19 tại Bình Dương. Ảnh: Việt Linh.

- Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và các địa phương đang triển khai biện pháp gì để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ ca tử vong tại các địa bàn "nóng"?

- Để đạt được mục tiêu này phải làm rất đồng bộ. Một mặt, chúng ta phải tăng cường tối đa cơ sở điều trị ở cấp độ khác nhau, từ triệu chứng nhẹ, vừa, nặng, đến rất nặng rồi nguy kịch. Tất cả tầng lớp đều phải thêm trang thiết bị và nhân lực. Bộ Y tế đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường mạnh mẽ với tinh thần tập trung cho tuyến đầu.

Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng hệ thống y tế trong điều kiện bình thường (khi chưa có dịch) đã nhiều nơi quá tải.

Do đó lúc này, chúng ta phải làm sao để một mặt vẫn đảm bảo chăm sóc, cứu chữa những bệnh không phải Covid-19. Còn bệnh nhân Covid-19 thì phân thành nhiều tầng lớp, mỗi tầng làm thật tốt mục tiêu của mình là giảm tỷ lệ người bị nặng hơn.

Tôi lấy ví dụ F0 không triệu chứng phải được chăm sóc thật tốt cả về sức khỏe và tinh thần để tỷ lệ người trở thành có triệu chứng thấp nhất có thể. Thực tế, có những nơi làm tốt thì tỷ lệ chuyển nặng chỉ dưới 5%, thế nhưng cũng có nơi tỷ lệ này lên 20-30%.

Chủ trương đúng, vấn đề ở thực hiện

- Theo ông, các địa phương, đặc biệt là TP.HCM, cần lưu ý gì trong việc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 những ngày tới đây?

- Chúng ta đã có rất nhiều văn bản chỉ thị của Trung ương, cụ thể như văn bản yêu cầu thực hiện Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phía Nam mới đây. Có thể thấy các chủ trương, chính sách đều đúng và đủ mạnh. Nhưng điều cần lưu ý là khả năng tổ chức thực hiện, đặc biệt là cấp dưới.

Chúng ta chỉ nói cấp cơ sở, xã phường là chưa đủ. Bây giờ phải nói tới từng khu phố, thậm chí từng cụm dân cư phải thật nghiêm và triệt để mục tiêu giãn cách theo Chỉ thị 16, đó là giải pháp căn cơ nhất. Chỉ bằng cách giãn cách thật nghiêm thì chúng ta mới làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch bệnh, cắt đứt được nguồn lây.

Tất cả địa phương phải tiếp tục thực hiện đúng phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Người ở đâu thì ở yên đấy, tuyệt đối không tiếp xúc gia đình với gia đình. Nếu biết người khác vì một lý do nào đó di chuyển đến khu vực của mình thì phải báo ngay cho chính quyền địa phương.

pho-thu-tuong-co-the-mat-hang-thang-de-kiem-soat-duoc-dich-o-tp-hcm

TP.HCM phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội để cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Ảnh: Phương Lâm.

Để làm được như vậy, việc thứ hai quan trọng không kém là trong thời hạn ngắn phải lo được việc lưu thông, phân phối hàng thiết yếu cho người dân, có chính sách hỗ trợ thật sự thiết thực và hiệu quả đến từng hộ dân. Chúng ta dứt khoát không được để ai thiếu nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

Do đó, việc lưu thông hàng hóa từng bước phải tổ chức lại an toàn, không ách tắc. Nếu chúng ta thực hiện trong thời gian ngắn thì có thể chỉ lưu thông hàng hóa thiết yếu. Nhưng nếu kéo dài thì phải chuẩn bị từng bước, có kênh phân phối, kênh vận chuyển đảm bảo an toàn.

Việc thứ ba là các khu vực thực hiện Chỉ thị 16 thì người dân ở trong nhà, chỉ khi thật sự cần thiết mới ra khỏi nhà. Dịch đã thấm rất sâu trong cộng đồng nên đòi hỏi chúng ta phải tổ chức giám sát, quản lý y tế cộng đồng thật dày và hoạt động trơn tru.

Tất cả người cần trợ giúp y tế đều phải được hỗ trợ kịp thời, khẩn trương nhất

Mọi người dân tại cộng đồng phải được giám sát bởi lực lượng chính quyền địa phương. Trong đó, nòng cốt là y tế phải được phân công theo dõi sức khỏe đến từng cụm gia đình, đến từng đối tượng có nguy cơ, sao cho bất kỳ ai có triệu chứng điển hình của bệnh Covid-19 đều nhận được sự hỗ trợ y tế kịp thời.

Không chỉ bệnh Covid-19, tất cả người dân có bệnh mạn tính hay các bệnh khác cần sự trợ giúp y tế đều phải được hỗ trợ kịp thời và phải làm một cách khẩn trương nhất, tổ chức trên nhiều cấp độ. Có thể dùng phương tiện in ấn, tổng đài, hay tổ chức mạng lưới bác sĩ tư vấn sức khỏe từ xa. Nhưng trực tiếp nhất vẫn là tổ chức giám sát, quản lý sức khỏe của dân cư trên địa bàn.

Chúng tôi đã thống nhất với lãnh đạo TP.HCM tổ chức triển khai, hoàn thiện thật sớm để đa phần người dân được quản lý và chăm sóc sức khỏe.

Không thực hiện nghiêm thì bản thân và người thân sẽ chịu ảnh hưởng

- Một trong những dấu hiệu cho thấy việc áp dụng Chỉ thị 16 thời gian qua chưa thật nghiêm là người dân ùn ùn rời TP.HCM và các tỉnh phía Nam để về quê. Tổ công tác đang làm gì để giải quyết tình trạng này?

- Thực tế khi dịch bùng phát thì người dân Việt Nam ở nước ngoài cũng muốn về nước. Một điều rất tự nhiên là những nơi mà dịch bệnh đã nhiễm nặng và sâu thì nhiều người dân ngoại tỉnh có nhu cầu trở về quê hương của bà con. Điều đó là hoàn toàn chính đáng.

Chúng ta phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch chi tiết và sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tổ chức đưa đón bà con về thật chu đáo, tuyệt đối an toàn.

Các tỉnh thông qua cơ chế từ Mặt trận Tổ quốc, chính quyền, hội đồng hương tuyên truyền để bà con tuân thủ yêu cầu của chính quyền địa phương.

Trong lúc dịch đang rất khó khăn thì cố gắng vượt khó khăn, đăng ký, tổ chức, thông báo công khai cho bà con biết. Tuyệt đối không để bà con vì chúng ta không tổ chức được nên phải tìm mọi cách để vượt qua các quy định tìm đường về quê. Và đương nhiên, người vi phạm chúng ta phải xử lý.

pho-thu-tuong-co-the-mat-hang-thang-de-kiem-soat-duoc-dich-o-tp-hcm

Dịch bệnh kéo dài sẽ khiến lực lượng y tế ngày càng đuối sức. Ảnh: Duy Hiệu.

- Khi tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp và dự báo việc áp dụng Chỉ thị 16 có thể phải kéo dài, ông có thông điệp nào muốn gửi tới người dân TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam?

- Địa bàn TP.HCM thời gian giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 dài nên lực lượng y tế và tuyến đầu chống dịch đã nỗ lực và hy sinh rất nhiều. Có thể nói là đã rất mệt mỏi về thể trạng và rất căng thẳng về tinh thần. Tất cả chúng ta cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi nhất, động viên kịp thời nhất cho đội ngũ nhân viên y bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu.

Người dân ở TP.HCM và nhiều nơi bị phong tỏa rất lâu rồi, bất tiện. Chúng ta phải động viên bà con nhân dân. Tình hình càng khó khăn thì chúng ta càng phải đồng lòng, cố gắng thực hiện nghiêm các quy định của cơ quan chức năng, hướng dẫn của ngành y tế.

Tất cả y bác sĩ đều nhắn nhủ: Mọi người hãy ở nhà để chúng tôi sớm được về nhà gặp lại người thân

Tất cả người dân đều ý thức rằng giặc Covid-19 đã ở ngay trước cửa, nếu không thực hiện nghiêm thì bản thân mình và những người thân sẽ chịu ảnh hưởng. Khi nhiều người ảnh hưởng thì cả phố, cả phường, cả quận, cả TP, cả tỉnh của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng và cuối cùng, đất nước sẽ bị ảnh hưởng.

Giặc đến tận nhà chúng ta rồi nên tất cả phải tham gia. Tất cả huy động tổng lực, tổng thể, ngành y tế không phân biệt quy mô lớn hay bé, của bệnh viện công hay bệnh viện tư, đều tham gia chống dịch.

Tôi rất cảm động khi đi đâu cũng nghe tất cả thầy thuốc tâm sự điều lo lắng đầu tiên là lo cho sức khỏe nhân dân. Và họ đều nhắn nhủ mong muốn sau cùng là: Mọi người hãy ở nhà để chúng tôi sớm được về nhà gặp lại người thân. Đó cũng là thông điệp chúng tôi muốn gửi tới người dân.

Theo Zing