Phó bí thư TP.HCM: 'Việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn'

"TP xác định việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn nữa, mà quan trọng là đếm bao nhiêu ca khỏi, chuyển nặng và số ca tử vong để có biện pháp điều trị", Phó bí thư Mãi nói.

Mở rộng vùng xanh, nâng cao năng lực điều trị và giảm tỷ lệ tử vong là những vấn đề được Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin tại họp báo sáng 3/8.

"Thành phố xác định khi chuyển sang chiến lược điều trị thì việc đếm ca dương không còn ý nghĩa lớn nữa, mà quan trọng là đếm bao nhiêu ca khỏi, chuyển nặng và số ca tử vong để có biện pháp trong điều trị, ngăn chặn ca chuyển nặng và tử vong. TP đang tập trung tăng cường năng lực và đề nghị Bộ Y tế làm thêm việc này", Phó bí thư Phan Văn Mãi nói.

Điều trị bệnh nhân nặng và giảm tỷ lệ tử vong

Tại họp báo, trả lời câu hỏi của Zing về các biện pháp nhằm hạn chế số ca tử vong, Phó bí thư Phan Văn Mãi thừa nhận điều trị bệnh nhân nặng và giảm tỷ lệ tử vong là vấn đề TP.HCM đang đối mặt hiện nay.

Khi chuyển chiến lược sang điều trị, thành phố đã khẩn trương chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, thuốc men.Ngành y tế đã thực hiện 3 tầng 5 lớp điều trị, tăng cơ sở vật chất; tăng cơ sở điều trị. Cụ thể như thực hiện bệnh viện tách đôi ngay tại quận, huyện, TP, có nơi đã tăng năng lực tiếp nhận cấp cứu lên 100%.

"Việc mở rộng đặt ra yêu cầu về nhân lực và trang thiết bị. Thời gian qua, thành phố được tăng cường nhưng phải nói đến giờ này TP vẫn đang quá tải và đang thiếu", ông nói.

pho-bi-thu-tp-hcm-viec-dem-ca-duong-tinh-khong-con-y-nghia-lon

TP.HCM vẫn đang quá tải về nhân lực và trang thiết bị. Ảnh: Duy Hiệu.

Phó bí thư khẳng định thành phố đang tiếp tục bổ sung năng lực để hạn chế tình trạng bệnh nhân có nhu cầu nhập viện nhưng chưa được nhận hoặc nhận trễ, khiến tình trạng nặng hơn hoặc tử vong. Ông Mãi thừa nhận tại một số thời điểm và địa bàn vẫn có tình trạng chưa đáp ứng kịp thời.

Thông tin về tỷ lệ tử vong tại từng lớp điều trị, ông Mãi cho biết đến hôm nay, TP đang theo dõi số liệu, phân tích và chưa có thống kê đầy đủ để đưa ra nhận định cuối cùng.

"Chúng tôi quan sát thấy khâu tiếp nhận và xử trí ở lớp 3 là chỗ gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị. Đây là chỗ thành phố sẽ tập trung", ông nói.

Phó bí thư cho biết đã đề nghị Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế quan tâm đến việc kết nối liên thông tầng 3, 4, 5 nhằm kịp thời có chỉ định, biện pháp điều trị để giảm tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, tử vong.

Số ca nhiễm trong khu phong tỏa giảm

Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, Phó chủ tịch Dương Anh Đức nhận định tình hình dịch bệnh và số ca F0 tại TP.HCM có xu hướng đi ngang và đang có dấu hiệu giảm.

Mô hình 3 tầng 5 lớp đã phát huy hiệu quả. Thành phố cùng Trung ương đang xây dựng 5 trung tâm điều trị Covid-19 của khu vực. Trong đó, tập trung tổ chức 3.000 giường hồi sức để chữa trị ca nặng không chỉ tại TP.HCM mà cả phía nam.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin với báo chí tại họp báo. Ảnh: Thu Hằng.[dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 2]

pho-bi-thu-tp-hcm-viec-dem-ca-duong-tinh-khong-con-y-nghia-lon

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin với báo chí tại họp báo. Ảnh: Thu Hằng.

Một trong những lo lắng thời gian qua của TP.HCM là tình trạng lây nhiễm trong khu phong tỏa. Ông Đức nhận định sau khi thành phố siết chặt lại các biện pháp, số ca dương tính mới được phát hiện thuộc nhóm này có dấu hiệu giảm.

Theo ông Đức, thay đổi mang tính chất chiến lược của thành phố là không phong tỏa khu vực lớn mà siết chặt, khoanh vùng khu vực nhỏ theo nguyên tắc là "chặt trong lẫn ngoài". Ông nhận định thời gian qua, các địa phương thực hiện tương đối tốt việc này.

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách, thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động.

Từ 26/7, trong khoảng 18h đến 6h mỗi ngày, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường. Ngày 1/8, UBND TP.HCM ra công văn quyết định kéo dài Chỉ thị 16 cùng các biện pháp siết chặt thêm 2 tuần từ 0h ngày 2/8.

Từ 27/4 đến sáng 3/8, TP.HCM ghi nhận 100.557 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.

Theo Zing