Phi công nói về vụ máy bay Vietnam Airlines bị sét đánh trúng khi đang hạ cánh

Hầu hết vỏ máy bay được chế tạo chủ yếu bằng nhôm, một chất liệu dẫn điện rất tốt nên khi bị sét đánh, dòng điện chỉ di chuyển dọc theo lớp vỏ ngoài của máy bay.

Theo thông tin phóng viên nhận được, ngày 13/7 vừa qua, máy bay A321/VN-397 của Vietnam Airlines đã bị sét đánh trúng trong quá trình tiếp cận hạ cánh tại Vinh (Nghệ An). Sự việc khiến đuôi máy bay bị hư hỏng nhẹ và phải dừng khai thác để khắc phục sự cố. Chuyến bay tiếp theo của Vietnam Airlines từ Vinh đi Hà Nội cũng vì thế mà bị chậm dây chuyền hơn 4 tiếng đồng hồ.

Cũng tại hãng Vietnam Airlines, chiếc máy bay ATR72 trên đường bay từ Đà Nẵng đến sân bay Liên Khương - Đà Lạt từng bị sét đánh trúng. Toàn bộ hành khách đều được an toàn xong chuyến bay ngược lại từ Liên Khương ra Đà Nẵng đã phải hoãn lại để chờ chuyên gia kỹ thuật kiểm tra một số chi tiết kỹ thuật an toàn.

Trước đó tàu bay A321/VNA588 của hãng hàng không mới khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên hôm 16/1/2019 - Bamboo Airways cũng bị sét đánh vào cánh khi đang hạ xuống đường băng tại Nội Bài.

Vụ việc khiến nhiều người băn khoăn, liệu có an toàn khi bay giữa trời sấm chớp hay không?

phi-cong-noi-ve-vu-may-bay-vietnam-airlines-bi-set-danh-trung-khi-dang-ha-canh

Một tàu bay của Vietnam Airlines mới đây bị sét đánh trong quá trình tiếp cận hạ cánh tại Vinh. Ảnh minh họa

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, một phi công đang làm việc tại Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết: “Nhìn chung khi máy bay bị sét đánh vào thì đương nhiên sẽ bị nguy hiểm, có thể sẽ làm hỏng hệ thống (hiếm khi xảy ra), gây cháy các đầu đinh tán máy bay và gây ra mất an toàn.

Do đó, phi công luôn phải tránh các đám mây chứa tĩnh điện mạnh, sét là TCU (Tower Cumulus) nhìn dựng đứng và sau đó mây này chuyển thành CB (Cumulonimbus) hình nấm. Hai loại mây này rất dễ phát hiện nhưng trong quá trình cất hạ cánh, mây này thường ở phía trên và sẽ khó bị phát hiện hơn. TCU và CB có thể gây ra hiện tượng windshear, chứa dòng thăng và dòng giáng, có thể dập máy bay xuống đất hoặc đẩy lên cao gây thất tốc và rơi tự do. So với sét thì windshear nguy hiểm hơn nhiều và lại vô hình, hiện nay máy bay đã có hệ thống radar phát hiện windshear, cũng như phát hiện được mây tĩnh điện có chứa sét từ xa”.

Phi công này cũng cho hay, máy bay khi chế tạo đã có chức năng chịu được những cú sét đánh. Lớp vỏ bên ngoài cabin và nội thất máy bay được thiết kế để truyền điện nhưng cũng giúp cách ly dòng điện với phi hành đoàn, hành khách và các thiết bị điện tử bên trong. Phần vỏ máy bay bên ngoài khoang chứa xăng phải đủ dày để không bị cháy thủng, phần mũi hình chóp nón chứa rađa cũng được thiết kế có các dải phân tán sét...

Trong khi đó, vỏ máy bay được chế tạo chủ yếu bằng nhôm, một chất liệu dẫn điện rất tốt, hoàn toàn không có khe hở, do vậy khi bị sét đánh, dòng điện sẽ chỉ di chuyển dọc theo lớp vỏ ngoài của máy bay mà không gây ảnh hưởng gì đến bên trong.

Đặc biệt, hệ thống nhiên liệu gồm khoang chứa, ống dẫn, đường cấp, nắp đậy được thiết kế và chế tạo để không một tia lửa nhỏ nào có thể bùng phát trong trường hợp bị sét đánh trúng. Thậm chí, dù máy bay có bị sét đánh, hành khách ngồi bên trong cũng sẽ không bị ảnh hưởng.

Máy bay thu hút sét bởi luồng khí nóng từ động cơ, với nhiệt độ lên đến 800 độ C. Độ bền điện của không khí nóng là rất thấp, dễ tạo điều kiện cho sét bắt nguồn dễ dàng. Điều này cũng lý giải tại sao sét thường đánh xuống các đám cháy trên mặt đất.

Thực tế trên thế giới, những vụ tai nạn chết người do sét đánh vào máy bay rất hiếm nhưng vẫn xảy ra. Năm 2014, 4 người thiệt mạng trên chuyến bay của Intan Angkasa Air tại Indonesia. Máy bay rơi sau khi bị sét đánh gãy cánh trái. Bambang Ervan, phát ngôn viên Bộ Giao thông nước này xác nhận 4 hành khách tử vong trong vụ tai nạn này.

Năm 2010, sét đánh trúng một chiếc Boeing 737-700 khởi hành từ thủ đô Bogota, Colombia. Máy bay vỡ thành 2 mảnh khi phi công hạ cánh xuống hòn đảo San Andres giữa vùng biển Caribbean. Vụ việc khiến 2 người thiệt mạng và 124 người bị thương.

Một vụ tai nạn nghiêm trọng khác xảy ra vào năm 1963. Khi chiếc Boeing 707 của Pan Am nổ một bên cánh vì sét đánh. Cục hàng không liên bang Mỹ FAA nhận định sét đánh tạo ra thay đổi đột ngột trong bình nhiên liệu và khiến mọi dải vật liệu phân tán sét ra bên ngoài bị văng khỏi máy bay (những dải này hoạt động như cột thu lôi của các tòa nhà dưới mặt đất). Vụ tai nạn khiến 81 người thiệt mạng.

 

Theo GiaDinh