Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Người dùng nghi ngại, doanh nghiệp thiệt thòi

Thực trạng thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ 'vàng thau lẫn lộn khiến người tiêu dùng mất niềm tin, doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt thòi.

Theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất giúp duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Nông nghiệp hữu cơ dựa vào quy trình sinh thái đa dạng và thích nghi với điều kiện của địa phương chứ không sử dụng các nguyên liệu đầu vào độc hại, bất lợi. 

Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ còn kết hợp giữa truyền thống, sự đổi mới từ khoa học công nghệ có lợi cho môi trường và thúc đẩy mối quan hệ công bằng, chất lượng, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho tất cả những người tham gia vào quy trình, hệ thống.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Người dùng nghi ngại, doanh nghiệp thiệt thòi

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát biểu tại Đại hội.

Với tất cả những giá trị như vậy, xu hướng sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã trở thành nhu cầu tất yếu của các nước phát triển và hơn 10 năm qua, xu hướng này đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới.

“Từ chỗ chỉ có 8 tỉnh năm 2008 xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đến nay đã có 33/63 tỉnh thành xây dựng mô hình này. Tính đến năm 2015 diện tích đất nông nghiệp hữu cơ đạt hơn 76.000 ha, tương đương 0,7% diện tích đất nông nghiệp; tăng 3,6 lần so với năm 2010, với số lượng nông dân tham gia sản xuất hữu cơ hơn 3.800 người.

Sản phẩm hữu cơ của Việt Nam đã được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ công nhận gồm: gạo, tôm, dừa, ca cao, cà phê, sữa, chè, rau quả, một số cây dược liệu…

Về hoàn thiện hành lang, cơ sở pháp lý, vào ngày 27/9/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành  bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 (TCVN 11041-1:2017; TCVN 11041-2:2017; TCVN 11041-3:2017; TCVN 11041-4:2017), nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói riêng, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu”, ông Phúc nói.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Người dùng nghi ngại, doanh nghiệp thiệt thòi

Đại hội II của Hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thảo luận nhiều về các giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ trong tương lai. 

Cũng theo Chủ tịch khóa I Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ, thời gian qua, mặc dù sản phẩm hữu cơ được đông đảo người tiêu dùng đón nhận nhưng tình trạng thiếu tin tưởng, nghi ngờ chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân là do có một số cá nhân, doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, đem các sản phẩm không phải nguồn gốc hữu cơ đi tiêu thụ trên thị trường. Thêm vào đó, thị trường còn xuất hiện các sản phẩm nhái nhãn mác, chất lượng chưa phù hợp tiêu chuẩn lưu thông.

“Thực trạng mập mờ, thật giả lẫn lộn của sản phẩm hữu cơ trên thị trường phần nào đó khiến người tiêu dùng mất niềm tin, doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt thòi. Vị vậy, theo đề xuất của tôi, cần siết chặt quá trình kiểm tra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khi đưa ra thị trường. Sản phẩm nào không đạt chuẩn thì phải loại bỏ, tránh cho người dùng hoang mang”, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ nhấn mạnh.

Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp đi đầu về sản xuất sản phẩm hữu cơ hiện đang khó khăn khi cơ chế hỗ trợ từ địa phương, các cơ quan hữu quan còn ít. Bên cạnh đó, thực trạng sự khuyến khích, hỗ trợ mới chỉ dừng ở lời nói mà chưa có hành động cụ thể, thiết thực đã tạo nên thách thức không nhỏ cho nông nghiệp hữu cơ.

“Hiện tại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết. Hơn nữa, quy trình sản xuất lại khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất cao.

Do vậy, Chính phủ cần có định hướng quy hoạch vùng với các sản phẩm ưu tiên, có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp cho mỗi đối tượng sản xuất. Nhà nước cần có chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm hữu cơ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các đối tượng để sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ổn định, bền vững”, ông Phong đề xuất.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Người dùng nghi ngại, doanh nghiệp thiệt thòi

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cùng Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam tại Đại hội Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ. 

Liên quan tới vấn đề trên, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện Việt Nam vẫn đang tiếp tục quá trình hoàn thiện các hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các quy định tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhằm đảm bảo lợi ích của người sản xuất, giữ vững niềm tin của người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tìm giải pháp thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường trong nước cũng như hướng tới một tương lại xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Theo VietQ