Phát lộ đường dây mua bán que test nhanh COVID-19 ở Hà Nội không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 18/7, Đội QLTT số 14 (Cục QLTT Hà Nội cho biết), lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện một đường dây mua bán que test nhanh COVID-19 do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ tại hai cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân.

Cụ thể, khi tiến hành kiểm tra đối với cơ sở xoa bóp bấp huyệt tại phòng 304 chung cư HH3B Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ 1.000 que test COVID-19 nhanh mang nhãn hiệu NASOCHECKcomfort của CHLB Đức.

Toàn bộ số que test trên không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

phat-lo-duong-day-mua-ban-que-test-nhanh-covid-19-o-ha-noi-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu

Cận cảnh các kit test nhanh COVID-19 do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng vừa được lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, thu giữ.

Chủ kinh doanh là Hồ Thị Phương Thanh (sinh năm 1983, trú tại P2634 chung cư HH4C Linh Đàm) đã không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc số hàng.

Chị này khai mua số que test COVID-19 kể trên của Nguyễn Tiến Vĩnh (sinh năm 1979, kinh doanh tại số 69 ngách 12 ngõ 470 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân).

Ngay sau đó, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đối với địa điểm kinh doanh của Vĩnh, phát hiện, thu giữ 2.100 que test COVID-19 cùng chủng loại NOSOCHECKcomfort, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ.

Hiện, vụ việc đang được xác minh mở rộng để xử lý các đối tượng liên quan.

Theo GiaDinh

------

Xem thêm:

Sở Y tế TPHCM nói gì về bộ kit test nhanh Covid-19 bán tràn ngập trên mạng?

Sở Y tế khuyến cáo người dân không nên mua và tự sử dụng những sản phẩm test nhanh đang được rao bán trên các trang mạng xã hội, do độ chính xác, nguồn gốc chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 chiều 16/7, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã nêu quan điểm của sở về vấn đề test nhanh được bày bán trên mạng. Theo đó, ngành y thành phố khuyến cáo người dân không nên mua những sản phẩm này.

"Test nhanh cũng được quy định là trang, thiết bị y tế. Những trang, thiết bị này phải được Bộ Y tế cấp phép và công bố trong danh mục được phép sử dụng. Những sản phẩm trên mạng xã hội thường không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục Bộ Y tế cho phép nên việc bán là sai quy định", ông Nguyễn Hoài Nam đánh giá. 

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ thêm nhiều loại test bày bán trên mạng xã hội chỉ có độ nhạy, độ chính xác khoảng 25%. Việc sử dụng các loại test này sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh khi tạo sự chủ quan nếu kết quả âm tính giả.

so-y-te-tphcm-noi-gi-ve-bo-kit-test-nhanh-covid-19-ban-tran-ngap-tren-mang

Các sản phẩm test nhanh được rao bán tràn lan trên không gian mạng.

Ông Nguyễn Hoài Nam thông tin thêm, TPHCM cũng có quy định rất thoáng và Bộ Y tế cũng có hướng dẫn thực hiện việc tự sử dụng xét nghiệm nhanh. Thành phố đã hướng dẫn cho tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất áp dụng cho công nhân thời gian qua.

"Quy trình thực hiện tuy đơn giản, nhưng mỗi test có giá trị tiên đoán, độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau. Bởi vậy, việc sử dụng loại test nhanh nào cần sự thẩm định của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn", ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

Đối với phản ánh các bệnh viện thực hiện xét nghiệm Covid-19 với chi phí cao, không đồng nhất, đại diện Sở Y tế TPHCM thừa nhận giá xét nghiệm ở các bệnh viện tư, bệnh viện ngoài công lập rất cao. Tuy nhiên, tại các bệnh viện công lập, giá xét nghiệm Covid-19 đã được quy định là 200.000 đồng đã bao gồm toàn bộ chi phí vật tư tiêu hao khác.

Đối với xét nghiệm khẳng định, các bệnh viện công lập tại TPHCM phải tuân thủ giá theo quy định của Bộ Y tế là 734.000 đồng. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, các bệnh viện ngoài công lập được tự lựa chọn chi phí xét nghiệm nhanh, xét nghiệm khẳng định phù hợp, nhưng giá phải được niêm yết rõ ràng cho người dân nhận biết.

Theo Dantri