Phát hiện mẫu màng bọc thực phẩm không đảm bảo các chỉ tiêu an toàn

Màng bọc thực phẩm là vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Đằng sau vẻ hợp vệ sinh như trắng trong, sạch sẽ của màng bọc thực phẩm lại tiềm ẩn những chất độc

Trên thị trường có rất nhiều loại màng bọc thực phẩm khác nhau với các chất liệu được ghi là nhựa PVC, PE hoặc màng nhôm. Xuất xứ của sản phẩm cũng rất đa dạng: Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc. Sản phẩm được đóng gói dưới dạng hộp giấy, thường có kèm sẵn dao để cắt khi sử dụng, giá của mỗi hộp màng bọc dao động trong khoảng từ 25.000 đến 50.000đ.

Màng bọc thực phẩm là vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, có khả năng gây ra các phản ứng, thôi nhiễm vào thực phẩm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để kiểm tra chất lượng sản phẩm màng bọc thực phẩm trên thị trường, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành lựa chọn và mua ngẫu nhiên tại các siêu thị trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, 3 mẫu là các thương hiệu nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan và 5 mẫu là các thương hiệu Việt Nam được sản xuất trong nước.

Kết quả, trên 8 mẫu được thử nghiệm và đánh giá theo QCVN 12-1/BYT về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ bằng nhựa tổng hợp tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có 3 mẫu không phù hợp với chỉ tiêu “Cặn khô trong n-heptane ở 25 °C, 60 phút”.

Cụ thể, 3 mẫu nhập khẩu đều phù hợp QCVN 12-1/BYT. Trong đó, hàm lượng “Cặn khô trong n-heptane ở 25 °C, 60 phút” rất thấp thậm chí sản phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản đạt ở mức rất thấp 10,5 µg/mL.

5 mẫu sản xuất trong nước (Việt Nam) có 2 mẫu phù hợp QCVN 12-1/BYT nhưng có hàm lượng “Cặn khô trong n-heptane ở 25 °C, 60 phút” khá cao từ 126 µg/mL và 149 µg/mL. 3 mẫu không phù hợp đối với chỉ tiêu “Cặn khô trong n-heptane ở 25 °C, 60 phút”. Cụ thể, theo quy định mức giới hạn tối đa của QCVN 12-1/BYT là 150 µg/mL, trong khi các mẫu có hàm lượng “Cặn khô trong n-heptane ở 25 °C, 60 phút” từ 162 µg/mL đến 187 µg/mL.

Phát hiện mẫu màng bọc thực phẩm không đảm bảo các chỉ tiêu an toàn

Đằng sau vẻ hợp vệ sinh như trắng trong, sạch sẽ của màng bọc thực phẩm lại tiềm ẩn những chất nguy hiểm

Theo GS.TS Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng Vật liệu polyme, Viện Hoá học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, việc phát hiện hàm lượng cặn khô vượt ngưỡng trong sản phẩm màng bọc thực phẩm cũng là vấn đề đáng lưu ý, bởi trong cặn khô nếu tồn tại những chất hóa học độc hại có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

“Nếu kiểm tra, phân tích xác định rõ được trong cặn khô có những chất hóa học nào, thành phần các chất hóa học hữu cơ là bao nhiêu, hóa học vô cơ là bao nhiêu sẽ xác định được cụ thể mức ảnh hưởng đến người sử dụng”, GS.TS Nguyễn Văn Khôi chia sẻ.

Theo đánh giá của Quatest 3, các chất thôi vào thực phẩm thường không nhiều để có thể gây ngộ độc cấp tính. Điều đáng quan tâm là khả năng tích lũy lâu dài của các hóa chất này, có thể gây ngộ độc mãn tính thường là nguy hiểm, khó lường trước được. Tất nhiên ngộ độc mãn tính còn tùy thuộc cơ địa của người bị nhiễm.

Đối với các sản phẩm màng co tiếp xúc thực phẩm bằng PVC, hiện nay ở các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, thông qua các quy định, văn bản pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đều được kiểm soát chặt chẽ về khả năng và hàm lượng thôi nhiễm của các chất độc hại ở một liều lượng giới hạn khi sử dụng vào thực phẩm và ảnh hưởng của các chất này đối với sức khỏe người sử dụng.

Khi các chất này thôi nhiễm vào thực phẩm, tích tụ lâu ngày trong cơ thể qua các thói quen sinh hoạt hằng ngày (ăn, uống) và vượt qua giới hạn cho phép theo các nghiên cứu khoa học thì sẽ dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm mà chính người sử dụng không hề phát hiện.

Trong đó, việc sử dụng sản phẩm màng co bọc thực phẩm bằng PVC không đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến việc thôi nhiễm các chất độc hại vào thực phẩm. Có 2 nguyên nhân sử dụng chính dẫn đến việc tăng nguy cơ khả năng thôi nhiễm các chất độc hại từ sản phẩm màng co PVC vào thực phẩm là: nhiệt độ và sử dụng bao gói các thực phẩm không phù hợp.

Cụ thể, khi sử dụng sản phẩm màng co bọc thực phẩm ở nhiệt độ cao (lò vi sóng) sẽ là 1 chất xúc tác làm tăng quá trình thôi nhiễm hoặc biến chất thành phần sản phẩm, tạo điều kiện cho các chất độc hại có thể đi vào thực phẩm.

Đối với một số thực phẩm, theo các nghiên cứu khoa học, đặc biệt các thực phẩm chứa chất béo hoặc dầu mỡ khi tiếp xúc với màng co bằng nhựa PVC thì trong thành phần của màng nhựa có một số chất phụ gia khi gặp môi trường có dầu mỡ chất béo sẽ bị hòa tan và thẩm thấu hay biến đổi thành các chất độc hại. Chính các chất này khi đi vào thực phẩm ở một mức độ vượt quá giới hạn cho phép theo các quy định cảnh báo an toàn về sức khỏe một thời gian dài sẽ gây nên các bệnh lý nguy hại đối với người sử dụng.

Theo VietQ