'Ông trùm' của những lùm xùm và 'nỗi đau ngàn tỷ' mang tên Tổng công ty HUD

Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là cái tên khiến báo chí tốn nhiều giấy mực với những lùm xùm trong kinh doanh bất động sản.

LTS: Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) đang trở thành cái tên "nổi đình nổi đám" suốt những ngày qua khi nhiều lãnh đạo của đơn vị này dù mắc hàng loạt sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ từ năm 2015 nhưng đến nay việc xử lý vẫn... giậm chân tại chỗ. Chưa hết, công ty này cũng là tâm điểm trong thời gian dài với đủ mọi lùm xùm, từ việc giành quyền thu phí các công trình dịch vụ chung cư, dự án đầu tư rồi bỏ hoang khiến hàng ngàn tỷ "chôn chặt" đến các công trình bị liệt vào danh sách "đen" về PCCC... Với mong muốn cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan nhất về hoạt động của HUD, Chất lượng Việt Nam (Vietq.vn) sẽ khởi đăng loạt bài, phần nào hé lộ những góc khuất xung quanh "ông lớn" này.

Hàng loạt lãnh đạo dính sai phạm

Tại kết luận thanh tra được công bố hồi tháng 4/2015, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt thiếu sót, vi phạm của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) trong quản lý vốn, tài sản; sử dụng vốn đầu tư dự án kinh doanh; thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Đặc biệt, có việc thiếu trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư, kinh doanh dự án đô thị.

Cụ thể, từ năm 2011 về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính, quản trị, dẫn đến chậm và trì trệ trong triển khai dự án, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển, đẩy HUD và một số đơn vị thành đến tình trạng khó khăn. Nợ lớn phải trả, cân đối khả năng thanh toán khó khăn, nợ phải thu chậm thu hồi, phát sinh quá hạn; doanh thu, thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả.

'Ông trùm' của những lùm xùm và 'nỗi đau ngàn tỷ' mang tên Tổng công ty HUD

Từ năm 2015, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về sai phạm của Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HUD). Ảnh: Dân trí  

Bên cạnh đó còn có trách nhiệm trong việc làm trái và buông lỏng quản lý trong hoạt động uỷ quyền kinh doanh dự án cho các đơn vị thành viên quy mô lớn hay thiếu trách nhiệm đối với việc trích trước chi phí trọng yếu trong kinh doanh bất động sản vào giá vốn kinh doanh…

Mới đây nhất, tháng 7/2018, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo gửi Thủ tướng về việc xử lý sau thanh tra tại HUD. Cụ thể, đối với 4 cá nhân gồm ông Nguyễn Đăng Nam - nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV), ông Nghiêm Văn Bang - Chủ tịch HĐTV,  ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera (là Hội đồng thành viên tại HUD) và ông Ngô Doãn - HĐTV kiêm Trưởng ban kiểm soát nội bộ thuộc Bộ Xây dựng quản lý chỉ áp dụng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, trong đó hai cá nhân bị đề nghị khiển trách. 

Với những cán bộ do HUD quản lý, doanh nghiệp đã thành lập Hội đồng kỷ luật, họp kiểm điểm trách nhiệm đối với 3 cán bộ thuộc thẩm quyền với hình thức cảnh cáo, khiển trách. Tuy nhiên, với những trường hợp này, theo Bộ Xây dựng đã quá thời hiệu để xử lý kỷ luật. Đối với 3 cá nhân (gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên và Thành viên HĐQT) đã nghỉ hưu chưa xem xét kỷ luật.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện việc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân vi phạm của Bộ Xây dựng được nêu tại kết luận thanh tra trước đó.  

Kinh doanh bết bát, bán cả dự án với giá rẻ

Một trong những lùm xùm khác phải kể đến của HUD chính là tình hình kinh doanh. Việc làm ăn bết bát khiến HUD phải bán một phần trụ sở. Cụ thể, HUD có văn bản xin chuyển nhượng một phần dự án HUD Tower - trụ sở kết hợp văn phòng cho thuê trên đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội). Bộ Xây dựng đã chấp thuận phương án này, với điều kiện đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và theo đúng quy định. 

Trước đó, hàng loạt lô đất có vị trí đắc địa tại các khu đô thị Vân Canh, Văn Quán, Linh Đàm, Định Công, Việt Hưng… cũng được HUD bán cho các chủ đầu tư thứ cấp với giá rẻ từ nhiều năm trước.

Trong giai đoạn tái cơ cấu phục vụ kế hoạch cổ phần hóa, HUD cũng bán đi những tài sản lớn như: 1,5 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Khách sạn và Du lịch Bảo Việt (vốn điều lệ 60 tỷ đồng); 280.000 cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Phú Quốc (vốn điều lệ 500 tỷ đồng). Cuối năm 2015, HUD cũng bán đi khu “đất vàng” rộng 2,1 ha tại góc đường Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp…

Không chỉ gây chú ý và tranh cãi trong việc bán hàng loạt dự án, "ông lớn" HUD cũng đứng đầu danh sách có các công trình vi phạm về Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Trong danh sách công khai đợt 3 (gồm 88 cơ sở, công trình nhà cao tầng tồn tại, vi phạm về PCCC) do Cảnh sát PCCC Hà Nội công bố hồi đầu tháng 7/2018, HUD tiếp tục có 19 công trình chung cư cao tầng vi phạm về PCCC.

Những công trình bị điểm mặt chỉ tên bao gồm: Tòa nhà OCT1-ĐN1, Tòa nhà OCT2-ĐN3, Tòa nhà OCT-ĐN1, Tòa nhà CT2 tại Khu đô thị Linh Đàm (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội); Loạt các tòa nhà Nơ 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 18, 19, 20, 21, 22, 23 tại Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai); Tòa nhà Nơ 1A, B tại Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai).

'Ông trùm' của những lùm xùm và 'nỗi đau ngàn tỷ' mang tên Tổng công ty HUD

Tổng công ty HUD vừa được Bộ Xây dựng đồng ý cho chuyển nhượng một phần trụ sở để thu hồi vốn. Ảnh: Tạp chí thương gia .

Chưa hết, doanh thu của HUD cũng tụt dốc không phanh qua các năm. Năm 2011, doanh thu đạt 2.373 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 256 tỷ đồng. Đến năm 2012, doanh thu giảm còn 2.056 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế sụt giảm gần một nửa, còn 150 tỷ đồng. Năm 2013, doanh thu tiếp tục sụt giảm mạnh, xuống còn 1.320 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế bốc hơi hơn 2/3, chỉ còn 56 tỷ đồng.

Năm 2014, mặc dù có tăng nhẹ nhưng không đáng kể. Cụ thể, doanh thu đạt 1.328 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 63 tỷ đồng. Năm 2015, doanh thu tiếp tục sụt giảm xuống còn 1.051 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 66 tỷ đồng.

Thực tế này khiến việc xác định giá trị doanh nghiệp của HUD trở thành nút thắt trong tiến trình cổ phần hóa, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cũng trở nên hết sức khó khăn. Từ năm 2016 đến nay, HUD không đưa ra được sản phẩm mới nào để cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Các dự án mà HUD đang đầu tư phát triển chủ yếu là các dự án nhà ở xã hội...

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng tiêu biểu nhất cho thấy việc làm ăn kém hiệu quả, cũng như quản trị có vấn đề của HUD. Chất lượng Việt Nam sẽ đề cập chi tiết về những dự án bết bát nơi hàng núi tiền bị "chôn chặt" của "ông lớn" này trong những bài viết tiếp theo.

Theo VietQ