Nước sinh hoạt ở Hà Nội có tỷ lệ styren cao hơn bình thường: Loại chất này nguy hiểm thế nào?

Kết quả xét nghiệm các mẫu nước cho thấy, trong nước có hàm lượng styren cao hơn giới hạn cho phép theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần.

Chiều 15/10, UBND TP Hà Nội đã họp báo thông tin về việc nước sạch tại một số quận trên địa bàn có mùi lạ. Theo đó, sau khi nhận được phản ánh về vụ việc, các cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố đã lấy nhiều mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để xét nghiệm.

UBND TP Hà Nội công bố thông tin cụ thể về vụ nước sinh hoạt có mùi lạ trên diện rộng

Kết quả, các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).

Các chỉ tiêu giám sát nước độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát. Chỉ tiêu mùi vị là không đạt.

Nước sinh hoạt ở Hà Nội có tỷ lệ styren cao hơn bình thường: Loại chất này nguy hiểm thế nào? - Ảnh 2.

Theo kết quả xét nghiệm mẫu nước, hàm lượng styren (có trong dầu thải) vượt mức cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần

Kết quả giám định xác định mùi "khét" có trong nguồn nước tại các nhà dân toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra. Kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo (kết quả xét nghiệm có hàm lượng 0,8mg/l - nằm trong giới hạn cho phép theo TCVN).

Trước đó, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, vào tối ngày 8 rạng sáng 9/10, người dân phát hiện một xe tải 2,5 tấn bơm dầu thải đổ trộm ra khe núi sát suối Trâm tại hai xã Phúc Minh và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình), cách kênh dẫn nước của Nhà máy nước sông Đà khoảng 800m.

Nguồn dầu thải này sau đó chảy ra hồ và Nhà máy nước sông Đà không kiểm soát tốt dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy. Từ hệ thống lọc nước này đã chảy vào hệ thống nước ăn của người dân. Đây chính là nguyên nhân khiến lượng styren cao hơn mức bình thường và tạo ra mùi lạ.

Styren là chất gì?

Trong tự nhiên, styren tồn tại trong dầu thô với hàm lượng khác nhau, tùy thuộc vào khu vực chứa dầu cũng như thời gian dầu được hình thành và tồn tại.

Trong hóa học, styren là chất lỏng không màu trong suốt, dễ cháy và dễ bay hơi. Chất này là dung môi trong sản xuất nhựa, cao su tổng hợp. Bên cạnh đó, styren còn được dùng để sản xuất hộp xốp, giấy, mực in, các bao bì đóng gói…

Khi tiếp xúc với styren lỏng qua da, người dùng có thể bị bỏng. Hít khí này gây buồn nôn, đau bụng, hen suyễn, mất tập trung. Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra tổn thương gan, tổn thương mô thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng thận, giảm thính giác.

Theo nhiều nghiên cứu, styren được xếp vào nhóm chất độc gây ung thư. Nó liên quan đến tổn thương di truyền và tăng nguy cơ ung thư thực quản và tuyến tụy.

nuoc-sinh-hoat-o-ha-noi-co-ty-le-styren-cao-hon-binh-thuong-loai-chat-nay-nguy-hiem-the-nao

Người dân lo lắng khi nước dùng bị ô nhiễm

Liên quan đến việc phát hiện styren trong nước sinh hoạt ở Hà Nội, trao đổi với PV Báo Gia đình &Xã hội, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, nước nhiễm styren nghĩa là nước đã bị ô nhiễm. Mọi người có thể hình dung đơn giản như khi chúng ta nhỏ một giọt dầu thải vào chậu nước sạch, vết dầu sẽ loang ra và gây mùi khó chịu. Kể cả khi vớt hết vết loang, mùi dầu vẫn sẽ nồng nặc và chậu nước đó không thể dùng để nấu ăn được.

Tuy nhiên, điều khiến PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lo lắng hơn là tại sao con suối đầu nguồn dẫn nước vào Nhà máy nước sông Đà lại để bẩn như vậy? Hơn nữa, ngoài styren, liệu nước sinh hoạt của hàng vạn người dân Thủ đô còn bị ô nhiễm bởi những tác nhân nào khác khi con suối có thể là nơi trôi dạt của các loại nước thải, rác thải sinh hoạt, xác động, thực vật, thậm chí cả phân gia súc, gia cầm và phân người… sau mỗi trận mưa lớn.

Theo vị chuyên gia này, dầu thải có mùi nên được phát hiện khi sử dụng nước, còn những chất không có mùi, người dân làm sao phát hiện được bằng cảm quan thông thường.

"Nếu không có vụ đổ trộm dầu và người dân Hà Nội phát hiện ra mùi lạ trong nước, liệu chúng ta có dám chắc, nước chúng ta đang dùng là nước sạch?", PGS.TS Thịnh nói.

Đề cập đến việc xử lý nguồn nước ô nhiễm, trả lời trên Báo Giao thông, GS Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, cho biết, việc cần làm ngay lúc này cần chặn lại nguồn nước ô nhiễm, tập trung sức người thu gom xử lý. Sau đó, tùy theo mức độ xâm lấn dầu thải xuống đất, có thể dùng biện pháp tẩy độc cho phù hợp.

Đối với người dân, GS Sung khuyến cáo không nên dùng trực tiếp nguồn nước sinh hoạt đã bị nhiễm styren. Theo GS Sung, về lý thuyết, có thể loại styren trong nước bằng than hoạt tính. Do đó, người dân có thể dùng nước sau khi đã lọc qua máy lọc có thành phần than hoạt tính. Nếu không có điều kiện lọc, để an toàn, người dân nên mua bình nước dùng tạm thời để đảm bảo sức khỏe.

Mai Thùy

Theo GiaDinh