Nữ sinh mù mắt khi tiêm filler: Tiết lộ từ bác sĩ điều trị

Dù y bác sĩ cố gắng chữa trị nhưng do tổn thương mắt trái quá nghiêm trọng, nữ sinh 20 tuổi quê Bình Dương gần như hỏng hoàn toàn con mắt này.

Bác sĩ Nguyễn Thế Hồ - Trưởng khoa Mắt bệnh viện Trưng Vương cho hay, bước sang ngày thứ 3 điều trị nhưng mắt trái của nữ bệnh nhân T.P.T.L (20 tuổi, quê Bình Dương, hiện là sinh viên một trường đại học ở TP.HCM) không cải thiện.

Lúc 13h23' ngày 18/9, trước khi tới bệnh viện Trưng Vương cấp cứu 30 phút, nữ sinh tiêm chất làm đầy ( filler ) tại cơ sở spa ở quận 3 và bị biến chứng khiến mắt trái không nhìn thấy gì nữa.

Nữ sinh mù mắt khi tiêm filler: Tiết lộ từ bác sĩ điều trị

Bác sĩ Nguyễn Thế Hồ - Trưởng khoa Mắt bệnh viện Trưng Vương

“Ngay từ lúc vào bệnh viện, dù nằm trong thời gian vàng cấp cứu biến chứng tiêm filler (trong vòng 90 phút), nhưng mắt trái của nữ sinh bị tổn thương rất nghiêm trọng, thị lực sáng tối âm tính” – BS Hồ thông tin.

Theo BS Nguyễn Thế Hồ, qua thăm khám chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch trung tâm võng mạc mắt trái. Người bệnh được điều trị theo phác đồ biến chứng tiêm filler.

“Trong chuyên khoa mắt, thị lực sáng tối âm tính cho thấy gần như con mắt đó đã bị mù. Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng điều trị cho bệnh nhân, nhưng sang ngày thứ 3 mà thị lực người bệnh không phục hồi. Cơ hội cứu chữa mắt trái cho nữ sinh rất thấp. Phác đồ điều trị mắt cũng sẽ dừng lại” - Trưởng khoa Mắt bệnh viện Trưng Vương nói thêm.

TS BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mĩ bệnh viện Trưng Vương cho hay, tiêm chất làm đầy ở vùng mũi là một trong những nơi dễ gặp biến chứng dễ gặp nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất trong phẫu thuật làm đẹp ở vùng mặt.

“Mũi là trung tâm của một tam giác nguy hiểm, với đỉnh là rãnh giữa chân mày và 2 cạnh là 2 rãnh mũi má. Nơi đây có động mạch gốc, rồi chia nhánh ra các động mạch, trong đó có động mạch mắt. Khi tiêm chất làm đầy có thể làm tắc các động mạch, dẫn tới mù mắt” – BS Khanh nhận định.

Nữ sinh mù mắt khi tiêm filler: Tiết lộ từ bác sĩ điều trị

Mắt trái của nữ sinh gần như đã hỏng hoàn toàn

BS Khanh nói thêm, chất làm đầy hiện có 9 chủng loại, nhưng chỉ có duy nhất chủng loại hyaluronic acid là có chất phân giải (chất giải độc).

“Với nữ bệnh nhân này, chúng tôi chưa biết rõ nguồn gốc loại chất làm đầy đã tiêm vào mũi, tuy nhiên, về phương pháp điều trị thì vẫn áp dụng đối với loại hyaluronic acid. Nếu đúng là loại hyaluronic acid thì chất phân giải sẽ làm cái thiện được tình hình tổn thương” - TS BS Phạm Trịnh Quốc Khanh nói thêm.

Sau khi bị biến chứng tiêm chất làm đầy nguy cơ mù mắt, nữ sinh viên T.P.T.L đang khá hoảng loạn.

Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mĩ BV Trưng Vương nói thêm, người bạn của nữ sinh L. cũng tiêm chất làm đầy ở cơ sở spa và có dấu hiệu bất thường ở mũi. Ngày mai, người này sẽ tới BV để thăm khám, xử lý biến chứng.

Sau khi nhận được thông tin về việc nữ sinh viên T.L. bị biến chứng khi tiêm filler ở spa, thanh tra sở y tế TP.HCM phối hợp với phòng y tế quận 3 cùng công an tiến hành kiểm tra, tuy nhiên, chủ cơ sở đã rời đi. Các dụng cụ, thiết bị ở spa này cũng được chuyển đi trước khi đoàn kiểm tra tới.

Hiện ngành chức năng đang truy tìm chủ cơ sở spa này để làm rõ vụ việc.

Theo Vietnamnet