Nỗi khổ của các bậc cha mẹ thời nay

Vì quá ôm đồm công việc và những nỗi lo nên các bà mẹ có con không có nổi một ngày thảnh thơi, ngay cả khi con đã trưởng thành.

Các bà mẹ sao không bắt trước… mẹ Tây?

Trên diễn đàn thảo luận dành cho các bà mẹ trẻ, từng có 1 người chống đối kịch liệt chuyện các bà mẹ lo lắng cho con thái quá. Từ khi mang nặng đẻ đau, cho đến khi con biết đi, biết nói, đi học… Ở mỗi độ tuổi, các bà mẹ có những nỗi lo khác nhau, thậm chí còn nhiều hơn.

Vậy khi nào các bà mẹ mới có thể sống cho bản thân?

Tại sao không giống như những bà mẹ nước ngoài. Tập cho con tự lập ngay khi còn nhỏ. Nhất là chuyện ăn uống để khỏi vất vả chạy theo con để ép từng muỗng cơm một cách khó khăn?

Họ làm mẹ nhưng vẫn có thời gian cho bản thân, còn mình thì không. Một chuyến du lịch xa đối với những bà mẹ có con trở nên xa xỉ, hoặc nếu có cũng phải đùm đề con cái theo. Rồi thì tất bật lo cho chúng, thành ra đi chơi mà mệt hơn cả ở nhà!

Nhưng liệu ta có thể sống như… Tây được không khi mà mọi thứ đều quá khập khiễng nếu như so sánh? Về cả tư tưởng lẫn cơ sở hạ tầng, đời sống an sinh…

Cho đến khi nick từng khuyên răn các bà mẹ bớt lo lắng đi, sống cho mình đi ấy có con thì mọi chuyện mới thay đổi.

Không hiểu thời xưa cha mẹ, ông bà ta sinh con “cả bầy” thì như thế nào, có lo lắng như các bà mẹ bây giờ không, nhưng chắc là không. Mỗi thời mỗi khác chẳng thể nào so sánh được. Nhưng nếu càng ngày càng khổ hơn, lo lắng nhiều hơn thì phải xem lại.

Xã hội có quá nhiều bất an

Không lo sao được từ khi con biết ăn đã hoang mang với đủ thứ loại sữa, thực phẩm mà không biết cái nào thật, giả, độc hại hay không? Rồi khi con ốm đau lại hiện lên những thông tin về bệnh viện, bác sĩ tắc trách ảnh hưởng đến cả tính mạng con trẻ.

Chỉ mới nghĩ thôi đã thấy bất lực trước những nỗi lo mà không phải bản thân có thể chu toàn được.

Đến khi con vào nhà trẻ, liệu con có được yêu thương khi mà tình thương của các cô giáo, bảo mẫu bây giờ… hên xui quá! Nhất là khi tình cờ nghe được câu chuyện về kinh doanh nhà trẻ, một trong những nghề kiếm lời được các nhà đầu tư đang dòm ngó nhiều, họ tính toán lời từ những bữa ăn, sữa uống… thấy bất an tột độ.

Như thế, chỉ mỗi việc ăn thôi đã lo lắng ngập đầu cha mẹ. Sau thực phẩm có an toàn hay không, đến con có chịu ăn không, có gầy quá hay thừa cân không…

Lớn lên một chút, khi ra khỏi vòng tay cha mẹ, có thể con tự đến trường, đi học thêm, đi chơi cùng bạn bè… Cha mẹ lại không ngừng lo lắng cho con. Bị ám ảnh bởi những tai nạn giao thông, cướp giật, hãm hiếp… khi mà xã hội ngày càng phức tạp với đủ thứ tệ nạn. Chỉ đến khi nào thấy con đã trở về an toàn mới thở phào nhẹ nhõm.

Đến khi con đi làm, có những cú vấp ngã đầu đời thì  cha mẹ luôn nhìn nét mặt của con mà thấy vui hay buồn. Con có hạnh phúc không, có gặp khó khăn gì không…

Có những bà mẹ may mắn khi con thành đạt, sống ý nghĩa. Nhưng không ít bà mẹ đến khi tóc đổi màu vẫn anh ách những nỗi lo về con: con vỡ nợ, con tù tội, con nghiện ngập, con hôn nhân không trọn vẹn…

Cứ như thế, nếu không may, cả cuộc đời cha mẹ lận đận vì con. Sinh con ra, hy sinh cho con, lo lắng cho con đã là 1 phần công việc làm cha mẹ. Tuy vậy, chưa có bất cứ lời than trách nào. Kể cả khi con cái có lỗi lầm thì vòng tay của cha mẹ vẫn luôn mở rộng đón con. 

Cha mẹ có thể nhàn nhã hơn hay không, đó không phải là điều những người làm cha làm mẹ quan tâm, họ chỉ mong làm sao mang lại cho con một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc nhất!

Mai Anh (Một thế giới)