"Nói chuyện với bệnh nhân đang mổ não" bệnh viện nhận 3 kỷ lục châu Á

Lần đầu tiên trong lĩnh vực y khoa, kỷ lục châu Á được trao cho bệnh viện tại Việt Nam. Các bác sĩ đã đi tắt đón đầu, mang đến cho người bệnh trong nước những kỹ thuật hàng đầu thế giới.

Bệnh viện Nhân Dân 115, TP HCM vừa đón nhận 3 bằng xác lập kỷ lục châu Á trong lĩnh vực y tế, trong đó có 1 kỷ lục cá nhân và 2 kỷ lục tập thể.

BS Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Phó chủ nhiệm bộ môn Ngoại Thần kinh trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là người đã xác lập kỷ lục cá nhân khi là người đầu tiên phẫu thuật u não cho bệnh nhân bằng hệ thống robot hiện đại.

noi-chuyen-voi-benh-nhan-dang-mo-nao-benh-vien-nhan-3-ky-luc-chau-a

Các bác sĩ đã thực hiện thành công 4 ca mổ khi bệnh nhân vẫn tỉnh và trò chuyện bình thường (ảnh; bệnh viện cung cấp)

Bằng cuộc phẫu thuật đầu tiên được thực hiện vào ngày 15/2/2019 trên bệnh nhân 67 tuổi, BS Tấn Sĩ đã mở ra một bước tiến mới trong việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật thần kinh. Kỹ thuật này đã hạn chế tối đa nguy cơ xâm lấn cho người bệnh, giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sau can thiệp.

Đến nay, BS Chu Tấn Sĩ cùng đồng nghiệp đã sử dụng hệ thống robot sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phẫu thuật thành công cho 20 bệnh nhân, trong đó có 4 ca phẫu thuật trên người bệnh “tỉnh” (chỉ gây tê, không gây mê), trong cuộc mổ bác sĩ và người bệnh có thể trò chuyện với nhau như bình thường.

Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Nhân Dân 115 trở thành nơi đầu tiên tại châu Á vinh dự được trao “Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng” của Hội Đột quỵ châu Âu về điều trị đột quỵ (xác lập ngày 21/4/2019).

noi-chuyen-voi-benh-nhan-dang-mo-nao-benh-vien-nhan-3-ky-luc-chau-a

3 kỷ lục châu Á được xác lập, khẳng định vị thế của y tế Việt Nam đối với bạn bè quốc tế

Chứng chỉ vàng về tiêu chuẩn chất lượng trong điều trị đột quỵ cũng được xác lập cho bệnh viện ngày 23/11/2019. Trước đây, phương pháp tiêu sợi huyết, can thiệp mạch máu não lấy huyết khối cửa sổ điều trị trung bình cho người bệnh sau đột quỵ chỉ từ 4,5 đến 6 giờ.

Hiện nay bằng cách sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh học hiện đại, các bác sĩ có thể xem xét tình trạng nhu mô não và hệ thống mạch máu não giúp mở rộng cửa sổ điều trị lên 24 giờ. Trong thời gian trên, nếu bệnh nhân vẫn còn chỉ định, phương pháp can thiệp sẽ được tiến hành để tái thông mạch máu cứu sống bệnh nhân.

TS.BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 chia sẻ:

Bằng việc đi tắt, đón đầu những kỹ thuật hiện đại của thế giới, chúng tôi đã đón nhận nhiều niềm vui khi chứng kiến những người bệnh tưởng như đã cầm chắc cái chết nhưng sau vài ngày can thiệp đã xuất viện, có cuộc sống gần như bình thường.

Cùng với thành công của cả nước trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 sự kiện 3 kỷ lục châu Á được xác lập cho bệnh viện hôm nay khẳng định chuyên môn trong lĩnh vực y tế của Việt Nam đang tiến những bước vững chắc để sánh vai năm châu, góp phần chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho người bệnh trong nước và bạn bè quốc tế”.

Theo Dân trí