Những người tuyệt đối không tự ý truyền dịch kẻo có ngày 'mất mạng'

Thực tế có không ít trước hợp cứ ốm, mệt là nhờ cán bộ y tế đến nhà truyền dịch để mau khỏe. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nhiều trường hợp tử vong sau khi truyền dịch

Gần đây nhất chị Phan Thị H. (SN 1986, quê Thừa Thiên Huế), làm công nhân may và sinh sống ở khu vực Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Bệnh nhân đến phòng khám lúc 18 giờ 30 phút ngày 7/4 và được bác sĩ phụ trách chuyên môn tiến hành truyền nước.

Sau khi truyền một chai nước muối Natri Clorit, bệnh nhân được chuyển sang truyền đạm Alvesin. Sau 10 phút truyền đạm, bệnh nhân có biểu hiện sốc. Bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu theo phác đồ, gọi 115 nhưng bệnh nhân đã tử vong vào lúc 20giờ30 phút cùng ngày.

Cách đây không lâu một cháu bé 22 tháng tuổi ở Long Biên, Hà Nội bị sốc dẫn đến tử vong trong khi truyền nước tại phòng khám tư số 392 Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội), khiến dư luận bàng hoàng.

Theo đó, cháu bé đến phòng khám này khám với biểu hiện sốt, tiêu chảy và được chỉ định truyền dịch. Tuy nhiên sau khi truyền dịch được khoảng 15 phút, cháu bé có biểu hiện sốc, tím tái, cứng đơ, tuy đã được đưa đến bệnh viện Đa khoa Đức Giang để cấp cứu nhưng cháu bé đã không qua khỏi.

Thực tế có không ít trường hợp cứ ốm, mệt là nhờ cán bộ y tế đến nhà truyền dịch để mau khỏe. Không chỉ những trường hợp mệt mỏi, nhiều người không đau ốm cũng truyền dịch, nước hoa quả để đẹp da, tăng cường sức khỏe. Việc lạm dụng dịch truyền xuất phát từ phía người bệnh. Khi vào viện thấy bệnh nhân bên cạnh truyền dịch cũng muốn truyền vì họ quan niệm truyền dịch sẽ hết mệt, dịch truyền không hại cho sức khỏe, ai cũng có thể truyền được.

VTV đưa tin, teo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, mục đích của truyền dịch là để nuôi dưỡng bệnh nhân, bù đủ lượng dịch mà cơ thể bị mất để đảm bảo thể tích tuần hoàn duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể. Về nguyên tắc truyền dịch tốt cho sức khỏe nhưng không phải lúc nào cũng có thể truyền và đặc biệt là không được lạm dụng.

Truyền dịch cũng có quy định chặt chẽ. Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như thể bệnh, dịch được truyền, liều lượng, tốc độ… Với người bị mất nước, cần bù lượng dịch đã mất do mắc một số bệnh như: tiêu chảy, bị bỏng nặng, sốt cao, ăn uống kém, suy kiệt, bệnh nhân sau phẫu thuật tiêu hóa và một số trường hợp đặc biệt... cần được truyền dịch nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ. Khi bác sĩ quyết định việc tiêm, truyền cho bệnh nhân sẽ phải xác định được biểu hiện mệt, sốt là do bệnh gì, bệnh đó có cần phải truyền dịch không? Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ sẽ tính toán kỹ lượng truyền chứ không thể truyền bừa bãi. Việc tự ý truyền dịch sẽ vô cùng nguy hại đến sức khỏe.

nhung-nguoi-tuyet-doi-khong-tu-y-truyen-dich-keo-co-ngay-mat-mang

 Truyền dịch cũng có quy định chặt chẽ. Ảnh minh họa

Lưu ý khi truyền dịch

Bệnh nhân không tự ý đến cơ sở y tế, quầy dược hoặc mời y bác sĩ về nhà truyền dịch khi chưa được khám, xét nghiệm và kết luận từ bác sĩ.

Trong quá trình truyền nên cho dịch chảy chậm, bác sĩ phải thường xuyên theo dõi sát bệnh nhân.

Khi cơ thể gầy yếu, chán ăn, cần xem lại chế độ ăn, nghỉ, làm việc, tập luyện cho thích hợp. Trong trường hợp còn ăn uống được, thay vì truyền dịch thì nên bổ sung bằng các thực phẩm thịt, cá, trứng, sữa... Cách này tốt và an toàn hơn truyền dịch.

Tại các cơ sở y tế phải có thuốc cấp cứu chống choáng, sốc, để nếu không may tai biến xảy ra có thể cứu chữa bệnh nhân kịp thời.

Khi đang truyền dịch, cơ thể có biểu hiện bất thường như rét run, khó thở, phù chỗ tiêm... phải báo ngay nhân viên y tế để kịp thời xử trí, tránh những hậu quả nguy hiểm hơn.

Truyền dịch phải được tiến hành ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện và khả năng xử trí tai biến trong khi truyền, hạn chế thực hiện tại nhà, trên đường, trên phương tiện giao thông.

Hiện phòng khám chỉ được thực hiện khám chữa bệnh theo các danh mục kỹ thuật đã được Sở Y tế cấp phép. Việc phòng khám truyền dịch cho bệnh nhân, nếu không trong phạm vi được cấp phép, là vi phạm, theo thông tin trên VnExpress.

Theo VietQ