Những nghĩ suy về vụ mẹ già 88 tuổi bị con trai và con dâu bạo hành

Sau khi đoạn clip cụ Võ Thị Dung (88 tuổi, trú tại xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) bị con đẻ và con dâu bạo hành được phát tán trên mạng, Công an địa phương đã vào cuộc xác minh và bắt tạm giam những đối tượng này.

Khởi tố, bắt tạm giam những đứa con bất hiếu

Công an huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối tượng Võ Quốc Tuấn (56 tuổi, con trai cụ Dung) và Phạm Thị Loan (57 tuổi, vợ Tuấn) về tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" theo Điều 185 (Bộ luật hình sự 2015).

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip ghi lại cảnh cụ Võ Thị Dung bị con dâu là bà Phạm Thị Loan hành hung trong quá trình vệ sinh cho cụ. Thời điểm cụ Dung bị hành hung còn có sự xuất hiện một bé gái và một người đàn ông mặc áo xanh (được xác định là ông Tuấn) chứng kiến, nhưng người này không có hành động can ngăn.

Bước đầu tại cơ quan điều tra, vợ chồng ông Tuấn khai, do bực tức cụ Dung sinh hoạt cá nhân không kiểm soát nên cả hai vợ chồng đã chửi mắng, dùng tay, dùng cây đánh đập ngược đãi mẹ mình. Hành vi này bị bà Võ Thị Kim Phượng (con gái của cụ Dung) phát hiện sau khi trích xuất camera gắn trong nhà. Sau đó, bà Phượng đã đưa mẹ về nuôi dưỡng.

nhung-nghi-suy-ve-vu-me-gia-88-tuoi-bi-con-trai-va-con-dau-bao-hanh

Hình ảnh cụ Võ Thị Dung đang bị con dâu bạo hành trước sự chứng kiến của con trai và cháu nội (ảnh cắt từ clip)

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), có thể nói rằng khi xem clip người phụ nữ đánh đập một người ra đang nằm trên giường khiến nhiều người không khỏi bức xúc, phẫn nộ. 

Điều đáng lên án hơn là việc hành hung người ra đó ngay trước mặt người đàn ông và cháu nhỏ. Bất bình hơn là khi mọi người biết người đàn ông đấy chính là con đẻ của nạn nhân và người hành hung là con dâu của nạn nhân... 

“Kết quả điều tra xác minh ban đầu của cơ quan điều tra cho thấy cả hai vợ chồng người này đều có hành vi hành hung người mẹ già 88 tuổi không có khả năng tự vệ. Đây là hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng, gây phẫn nộ, bất bình trong xã hội; đồng thời cũng là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, đủ căn cứ để có thể xử lý hình sự về tội hành hạ người khác.

Bởi vậy, việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Chợ Gạo khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam Võ Quốc Tuấn và Phạm Thị Loan để điều tra về tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" là có căn cứ, đúng pháp luật thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. 

Đồng thời, việc này cũng để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, duy trì quan hệ đạo đức xã hội, trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ khi về già” luật sư Cường chia sẻ.

"Con cái chăm cha không bằng bà chăm ông"

Cũng theo luật sư Cường, chữ hiếu là thứ để đánh giá phẩm chất đạo đức, ghi nhận sự tử tế của một con người. Khi đối xử không tốt, không tử tế đối với cha mẹ của mình thì chắc chắn rằng họ sẽ không tử tế đối với bất kỳ ai, đó là những con người nghịch tử, bất nhân, không đáng tôn trọng và khiến những người xung quanh luôn phải đề phòng... 

Hành vi đối xử tàn nhẫn, tàn ác đối với cha mẹ của mình khiến con cháu, cộng đồng xã hội chứng kiến sẽ là một cái gương xấu cho các thế hệ sau, làm suy đồi đạo đức, văn hóa của người Việt Nam. Bởi vậy hành vi này cần phải bị lên án mạnh mẽ và cần phải bị xử lý bằng các chế tài nghiêm minh của pháp luật.

Theo truyền thống đạo đức, văn hóa của người Việt Nam thì "trẻ cậy cha, già cậy con". Khi con còn nhỏ thì cha mẹ chăm lo, yêu thương, sẵn sàng hy sinh, dành mọi thứ tốt nhất cho con. Để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục một đứa trẻ trưởng thành thì đó là cả một sự kỳ công, một sự hy sinh, gian khổ của các bậc cha mẹ. 

Ai cũng mong con cái khôn lớn, trưởng thành, đóng góp công sức cho xã hội và yêu thương quý trọng ông bà, cha mẹ. Bố mẹ nào cũng mong con cái hiếu thuận, biết yêu thương quý trọng lẫn nhau và biết báo hiếu với cha mẹ khi về già.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, con cái với cha mẹ, ông bà là mối quan hệ gia đình, phải biết yêu thương, chăm sóc, quý trọng lẫn nhau. Khi con cái còn nhỏ, chưa thành niên thì cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái. Khi bố mẹ về già thì con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. 

Cụ thể, khoản 2 (Điều 71, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014) quy định: "Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ".

“Có thể nói, nghĩa vụ của con cái trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ đặc biệt là cha mẹ ốm đau, già yếu, khuyết tật... không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội mà đây còn là trách nhiệm pháp lý. Nếu người nào vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm này thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ quan điều tra đã sớm vào cuộc và khởi tố, bắt tạm giam hai đối tượng này là điều khiến dư luận hết sức hoan nghênh, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Khi xã hội có nề nếp, kỷ cương, có trật tự, khi mọi người biết yêu thương, tôn trọng, quý mến lẫn nhau và tôn trọng pháp luật thì khi đó xã hội mới ổn định và phát triển”, luật sư Cường nhất mạnh.

Theo GiaDinh