Những loại kẹo mang chất cấm, nhiễm khuẩn nguy hiểm

Những viên kẹo tưởng chừng chỉ là sản phẩm an toàn giành cho trẻ em tuy nhiên chúng đã được 'đội lốt' thành những sản phẩm chứa chất cấm nguy hiểm.

Kẹo sâm Hamer chứa chất cấm bán tràn lan

Mới đây Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) thông báo về việc phát hiện các chất cấm có trong một số loại thực phẩm bán tại nước này. Cụ thể, trong sản phẩm kẹo Hamer có chứa chất kích dục N-desmethyl Tadalafil.

Ngay sau khi được thông báo, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tiến hành rà soát nội bộ và kết quả là: Từ tháng 9/2014 đến nay, các sản phẩm trên chưa được cấp công bố tại Cục nhập khẩu vào Việt Nam. Mặc dù vậy, trên các trang web và mạng xã hội, kẹo sâm Hamer được bày bán tràn lan tại Việt Nam. Đây là sản phẩm được nhiều shop chuyên cung cấp các mặt hàng “phòng the” tiết lộ có sức mua chạy nhất trong thời gian gần đây.

Kẹo sâm Hamer được giới thiệu nhập khẩu từ Mỹ. Sản phẩm không chỉ được quảng cáo tăng cường ham muốn cho phái mạnh, ngậm một viên khỏe tới… 3 ngày mà còn có cả tá công dụng "kỳ diệu" khác như: khắc phục tình trạng yếu sinh lý, xuất tinh sớm, loại bỏ vấn đề xuất tinh sớm, tăng cường số lượng tinh trùng trong tinh dịch, nuôi dưỡng tinh trùng, giảm mệt mỏi, giảm đau khớp…

Trước thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm có tên nêu trên và báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.

nhung-loai-keo-mang-chat-cam-nhiem-khuan-nguy-hiem

 Kẹo sâm chứa chất cấm không nên dùng. Ảnh: Cục ATTP

Kẹo Candy B+ Coffee Extra Power có chứa tân dược

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo về một loại kẹo được bán trên thị trường chưa được cấp phép tại Việt Nam. Theo đó, cơ quan này nhận được Công văn số 720/QLD-ĐK ngày 26-6-2020 của Cục Quản lý dược về việc Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HAS) qua Hệ thống Giám sát hậu mãi ASEAN (PMAS) đã thông báo cảnh báo người dân về sản phẩm thực phẩm (không phải thực phẩm bảo vệ sức khỏe) chứa tân dược.

Cụ thể, đây là sản phẩm Candy B+ Coffee Extra Power có thành phần ghi trên nhãn gồm: Non Dairy Creamer, Sugar, Instant Coffee Powder, Maca Powder, Catuaba Powder, Saw Palmetto, Tongkat Ali Extract, Superba Extract, Sky Fruit Extract; đóng dạng gói; Sản xuất bởi California Pure (Address: 1680 South Eliseo Drive, Suite 320 Greenbrae CA94904, USA) bị phát hiện chứa: Tadalafil (129,07mg/gói).

Trên các mạng xã hội, website của Việt Nam cũng xuất hiện các dòng quảng cáo giới thiệu loại kẹo đặc biệt dành cho nam giới này, với lời quảng cáo gồm các thành phần thảo dược giúp tăng sức mạnh quý ông. Trong khi đó, tadalafil là một tân dược, là một loại thuốc được sử dụng để điều trị các vấn đề về chức năng tình dục ở nam giới, là thuốc điều trị theo đơn.

Qua rà soát từ tháng 9-2014 đến nay, Cục An toàn thực phẩm khẳng định không cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, Giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố cho sản phẩm thực phẩm nêu trên.

Trước đó, năm 2019 Cục An toàn thực phẩm từng cảnh báo về 2 sản phẩm kẹo có chứa hàm lượng cao tadalafil, là dược chất sử dụng để điều trị chứng rối loạn cương dương. Hàm lượng tadalafil trong này cao gấp 30 lần so với liều dùng hằng ngày cho phép. Đáng nói là những sản phẩm này được quảng cáo “100% tự nhiên”, “công thức tự nhiên nguyên chất” và “không tác dụng phụ”.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, tình trạng trộn tân dược vào các sản phẩm sinh lý đã được cảnh báo từ lâu. Nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo giúp tráng dương, bổ thận nhưng thực tế chứa chất kích dục nguy hại.

Thậm chí, một số sản phẩm gắn mác thảo dược nhưng khi kiểm tra lại phát hiện có chứa tân dược, vốn là các thuốc điều trị các bệnh sinh lý nam giới cần có chỉ định, kê đơn. Các hoạt chất sildenafil, tadalafi… đều bị cấm trong các sản phẩm thực phẩm chức năng.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi mua và sử dụng các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bánh kẹo có các loại hạt của Brazil bị nhiễm Salmonella

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Công ty tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) thông báo về việc Công ty Lidl GB, Công ty Hand2Mouth Ltd, Công ty Palleo Foods Co. và Công ty Rude Health Food của Anh đã tiến hành thu hồi các sản phẩm bánh kẹo có chứa các loại hạt của Brazil do những sản phẩm này bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh Salmonella. Cụ thể: 

Deluxe Dark Chocolate Muesli Bar with Brazils and Cranberries. Bao gói: 3 x 45g có hạn sử dụng trước ngày cuối tháng 8/2020, 9/2020, 10/2020, 12/2020, 01/2021, 02/2021, 03/2021, 04/2021.

Loại kẹo có tên Cocoa & Hazelnut Grain-Free Granola. Bao gói: 285g gói và 6x285g gói. Hạn sử dụng: Trước ngày cuối tháng 8/2020, 9/2020, 10/2020, 12/2020, 01/2021, 02/2021, 03/2021, 04/2021.

Brazil & sultana with peanuts and almonds. Nhãn hiệu: Eat Natural. Bao gói: 35g Bar 96003787 4 x 35g Multi-pack 5013803666712. 50g Bar 50676262 3x 50g Multi-pack 5013803666149 12x 50g Counter pack 50138803621247 20x 50g Assorted Mix Pack 5013803666385. Hạn sử dụng trước ngày cuối tháng 8/2020, 9/2020, 10/2020, 12/2020, 01/2021, 02/2021, 03/2021, 04/2021.

Loại Natural Bar fruit & nut. Nhãn hiệu: HEMA. Hạn sử dụng: Trước ngày 31/08/2020, 30/11/2020, 28/02/2021, 31/03/2021.

Loại Rude Health The Ultimate Muesli. Bao gói: 500g. Hạn sử dụng: Trước ngày 12/6/2021, 24/6/2021, 20/7/2021, 21/7/2021.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm đã thông báo đến cơ quan quản lý có thẩm quyền của Bộ Công Thương để tiếp tục tìm hiểu thông tin, theo dõi và tiến hành kiểm soát sản phẩm này.

Nhiều loại bánh kẹo chứa hóa chất tạo màu

Theo nghiên cứu mới nhất được đăng trên Tạp chí Nhi khoa lâm sàng, gần 1/2 các loại bánh kẹo hiện đang bán trên thị trường có chứa đến 96,3% chất hóa học tạo màu, 94% hương vị trái cây nhân tạo và 89,7% là bột đường.

Điều đáng nói ở đây, tất cả những thành phần trên nếu hấp thu với số lượng lớn đều gây nên ảnh hưởng xấu với cơ thể. Trong đó, loại phụ gia gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể nhiều nhất có thể kể đến là chất tạo màu. Đây được ví là "chất xúc tác" kích thích sự tăng động ở trẻ em và tác động mạnh mẽ lên hệ thần kinh trung ương.

Trước đó, Hội đồng Người tiêu dùng Hong Kong (Trung Quốc) yêu cầu các cơ sở sản xuất bánh kẹo thay đổi nguyên liệu sau khi phát hiện ít nhất 50 loại bánh kẹo bán ở đây đều chứa các chất gây ung thư. Các chất này là glycidol và acrylamide - phụ phẩm hóa học của quá trình sản xuất.

Thêm vào đó, lực lượng chức năng Hong Kong (Trung Quốc) cũng phát hiện 35 loại bánh quy chứa 3-MCPD, một chất gây hại cho thận và làm tăng khả năng vô sinh của nam giới. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là hạn chế ăn tất cả các thực phẩm có chứa màu nhân tạo, vì chúng không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm cho sức khỏe mà còn có giá trị dinh dưỡng cực kỳ thấp. 

Theo VietQ