Những kiêng kỵ vào ngày Rằm tháng Chạp ai cũng cần phải biết

Ngày Rằm tháng Chạp là một trong những ngày cát tường trong năm, là một trong 2 ngày cát tường trong tháng Chạp (gồm ngày sóc và ngày vọng). Hai ngày này theo quan niệm dân gian có những kiêng kị gì?

Thực tế người xưa kiêng kị chủ yếu là ngày mồng 1 đầu tháng và đầu năm nhiều hơn là kiêng kỵ ngày Rằm - trong đó có ngày Rằm tháng Chạp - để mong được may mắn, an lành.

Theo phong tục Việt Nam, ngày mùng 1 gọi là ngày sóc (có nghĩa là khởi đầu, bắt đầu của 1 tháng), ngày Rằm gọi là ngày vọng (có nghĩa là nhìn xa trông rộng, ngày mặt trăng, mặt trời đối xứng nhau ở hai cực xa nhất trong tháng), nên từ xưa đã coi đó là những ngày cát tường nhất trong tháng.

nhung-kieng-ky-vao-ngay-ram-thang-chap-ai-cung-can-phai-biet

Theo giải thích trong dân gian thì 2 ngày cát tường này mặt trăng - mặt trời gần nhau nhất, nhìn rõ thấu rõ và soi chiếu vào mọi tâm hồn giúp con người trở nên sáng suốt, trong sạch, đẩy lùi được những đen tối vẩn đục trong lòng. Nhờ mặt trăng - mặt trời thông suốt nên phần tâm linh, tổ tiên ông bà dễ dàng kết nối với con người, nếu lòng thành cầu nguyện có thể đạt tới sự cảm ứng.

Kiêng kỵ ngày mồng 1

Ngày sóc (mồng 1) có nhiều kiêng kị hơn ngày vọng (ngày Rằm), và có một số điều phải kiêng kỵ như sau:

Kiêng kì kèo, hoặc mặc cả mua bán xong rồi lại bỏ không mua: Người làm ăn buôn bán ngày Rằm, mùng 1 từ sáng sớm đã thắp hương, khấn vái để mong buôn may, bán đắt cả ngày - đặc biệt sáng mùng 1 rất quan trọng vì họ coi đó là may mắn cho cả tháng.

Họ rất chú ý đến người "mở hàng" và coi là gặp may nếu họ và khách hàng cởi mở, thuận mua vừa bán, thậm chí khách hàng có trả giá rẻ hơn giá muốn bán thì họ cũng dễ tính mà bán với mong muốn để cả ngày, cả tháng mua bán suôn sẻ, đắt hàng. Nhưng nếu gặp phải khách khó tính, thậm chí đã mặc cả ngã giá xong xuôi rồi lại bỏ không mua nữa thì thật là không may mắn, bởi như thế thì cả ngày, cả tháng họ bị xúi quẩy, bị dông, mua bán sẽ không thuận lợi.

Và để xua đi cái xúi quẩy, cái dông này người bán phải "đốt vía" bằng cách châm lửa vào tờ giấy, que đóm, hay cái nón mũ nan cũ... rồi châm lửa đốt vía khách hàng vô duyên đó.

Kiêng xuất tiền, vay mượn tiền: Ngày mùng 1 đầu tháng mọi người thường kiêng xuất tiền bạc, vì cho rằng sẽ bị dông, không may mắn cả tháng. Cũng với suy nghĩ đó mà trong dân gian có việc mùng 1 không đi vay mượn, hay trả nợ vì sợ dông cả tháng sẽ phải vay nợ.

Kiêng một số món ăn: Theo quan niệm dân gian, các món thịt chó, trứng vịt lộn, trứng vịt, thịt vịt, mực, cá mè, xôi trắng... ngày đầu tháng (tính trong mồng là từ mồng 1 đến mồng 10) để tránh bị xúi quẩy, hãm tài, mất tiền của, không may mắn...

nhung-kieng-ky-vao-ngay-ram-thang-chap-ai-cung-can-phai-biet

Kiêng không được cắt tóc: Một số người vẫn ngại cắt tóc vào sáng ngày mùng 1 âm lịch đầu tháng vì sợ tài lộc tiêu hao suốt tháng đó, hoặc có thể gặp những chuyện không may mắn, hay bị đau ốm.

Quan niệm dân gian cho rằng cắt tóc là "cắt" đi vận may của mình, việc cắt tóc ngày mùng 1 khiến tài lộc, vận may hao hụt, không may mắn. Vì vậy nếu không cần thiết thì không nên cắt tóc những ngày "trong mồng" cho lành.

Kiêng gặp gái: Sáng mùng 1 nếu phải đi xa, hay làm ăn buôn bán... bước chân ra khỏi nhà nhiều người kiêng ra ngõ gặp gái, nhất là vớ phải người vía dữ, ngoa ngoắt, bủn xỉn... Họ mong sáng mùng 1 (và tất cả những buổi sáng) bước chân ra đường là gặp được người vui vẻ, dễ tính, mua bán nhanh nhảu... để lên đường suôn sẻ may mắn, hay buôn may, bán dễ cả ngày, cả tháng.

Không làm đổ vỡ đồ dùng: Người xưa có quan niệm đầu tháng mà đổ vỡ đồ dùng trong nhà (nhất là gương, kính...) là điềm không may mắn. Họ quan niệm trong nhà có sự vỡ, bể là chia cắt, lìa xa. Do đó ngày mùng 1 đầu tháng và những ngày đầu năm mới hết sức cẩn thận kẻo đánh vỡ bát đĩa, ấm chén... để tránh những điềm xui rủi, không vui trong nhà.

Kiêng nói bậy, chửi bới, nói điều không hay: Ngày mùng 1 đầu tháng và ngày đầu năm mới rất nhiều người kiêng việc nói điều không may mắn, rủi ro, hay nói tục chửi bậy vì e cả tháng sẽ vớ phải những rủi ro, thị phi, điều không may mắn...

Ngoài ra còn những kiêng kị khác nữa như kiêng đi thăm bà đẻ đầu tháng, đầu năm mới vì sợ gặp phải điều xui rủi, vận hạn, thị phi, làm ăn thất bát.

Kiêng kị ngày Rằm

Ngày Rằm - và nhất là ngày Rằm tháng Chạp thì ít kiêng kị hơn ngày mồng 1, và có mấy kiêng kị chủ yếu như sau:

- Kiêng câu cá ngày trăng tròn: Ngày Rằm người ta thường không đi câu cá, bởi theo quan niệm tâm linh của người Việt việc câu cá vào ngày Rằm sẽ mang lại vận hạn đen đủi, xui rủi cho người đi câu.

Có lý giải khác nữa là ngày Rằm và ngày mùng 1 người dân kiêng sát sinh, còn mua cá, cua, ốc... phóng sinh cầu an. Vì vậy câu cá sẽ dẫn tới sát sinh, đi ngược lại hướng dẫn và tâm thiện của đạo Phật, nên cần hạn chế và năng làm việc thiện lành. 2 ngày này theo quan niệm xưa có những bí ẩn về tâm linh, phong thủy khá linh nghiệm nên kiêng được thì càng tốt để cầu may mắn, bình an.

- Kiêng kị chuyện phòng the: Ngày Rằm và mùng 1 dân gian kiêng kị chuyện phòng the, đặc biệt là ngày Rằm tháng Chạp vì sợ quá mệt mỏi, lo lắng... mà xảy ra tai nạn phòng the.

Các quan niệm theo dân gian được nhiều người dân tin theo là các kinh nghiệm được truyền miệng, truyền lại có cái vẫn đúng, có cái ngày nay không còn phù hợp nữa, nhưng nhiều người vẫn khuyên nhau cứ kiêng, hoặc hạn chế mắc phải vì "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Còn đúng hay sai, thực hư thế nào thì chưa có chứng nghiệm khoa học nào cả. Vì vậy "chuyện ấy" ngày Rằm tháng Chạp kiêng hay không tùy quan niệm mỗi người.

Theo GiaDinh