Những dấu hiệu đầu tiên khi nhiễm vi-rút Zika



Diễn biến về sự lây lan của vi-rút Zika đang hết sức khó đoán và ngày càng có nhiều quốc gia ghi nhận thêm các trường hợp lây nhiễm vi-rút này. Tuy vi-rút Zika không gây nguy hiểm về sức khỏe trên người trưởng thành nhưng nó lại ảnh hưởng nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai và thai nhi.

Vi-rút Zika có thể gây tử vong cho thai nhi

Vi-rút Zika đang lây lan nhanh chóng tại khu vực Mỹ La-tinh, trong đó 2 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Brazil và Colombia. Các số liệu thống kê từ Bộ Y tế của 2 nước này ghi nhận số phụ nữ đang mang thai bị nhiễm vi-rút này là hơn 3500 trường hợp tại Brazil và hơn 2100 trường hợp tại Colombia.

Nhung-dau-hieu-dau-tien-khi-nhiem-vi-rut-Zika

Vi-rút Zika đang trở thành nỗi ám ảnh với toàn thế giới (ảnh minh họa: Internet)

Vi-rút Zika không gây nguy hiểm về sức khỏe đối với người trưởng thành, tuy nhiên các nhà khoa học đã tìm ra mối tương quan lớn giữa vi-rút này đối với 2 bệnh là hội chứng teo nhỏ não ở trẻ emvà hội chứng viêm đa rễ thần kinh.

Đối với phụ nữ đang mang thai bị nhiễm vi-rút Zika, vi-rút sẽ truyền từ mẹ sang con phá hủy các mô não đã hình thành dẫn tới giảm kích thước não và gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Đây là một dạng rối loạn thần kinh có tác hại xấu tới sự phát triển não bộ, giác quan và cơ quan vận động của thai nhi. Nghiêm trọng hơn nó có thể khiến thai chết lưu.

Những đứa trẻ ra đời với dị tật teo nhỏ não không chỉ có phần đầu nhỏ bất thường mà còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe trong những năm đầu đời, nhận thức, khả năng giao tiếp và vận động cũng bị chậm phát triển. Chứng bệnh này còn gây tác hại xấu tới các bộ phận khác của cơ thể như làm khuôn mặt bị biến dạng hay bệnh còi cọc.

Dấu hiệu sớm nhiễm vi-rút không điển hình

Do vi-rút Zika lây truyền qua loại muỗi vằn cùng loại với muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết nên người bị nhiễm cũng có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh sốt xuất huyết. Do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với các nhân viên y tế.

Dấu hiệu phổ biến khi bị nhiễm vi-rút Zika là sốt nhẹ, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, phát ban.

Biện pháp điều trị khi bị nhiễm vi-rút Zika

Do hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa vi-rút và thuốc đặc trị bệnh do vi-rút gây ra nên hiện tại việc điều trị chủ yếu tập trung điều trị triệu chứng là chính. Người bị nhiễm nên nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe, hạ sốt, tăng cường bù nước và điện giải, vệ sinh mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý, theo dõi xem có các biểu hiện tổn thương thần kinh như yếu cơ, liệt cơ.

Riêng phụ nữ mang thai, ngoài việc điều trị như trên, cần theo dõi sức khỏe thai nhi kĩ lưỡng hơn, siêu âm thai mỗi tuần để phát hiện sớm những tác hại của vi-rút gây ra cho thai nhi. Phụ nữ có thai trên 15 tuần bị nhiễm vi-rút Zika có thể xét nghiệm nước ối hoặc lấy máu cuống rốn để làm xét nghiệm huyết thanh.

Nhung-dau-hieu-dau-tien-khi-nhiem-vi-rut-Zika

Chưa có vắc-xin phòng ngừa vi-rút Zika (Ảnh minh họa: Internet)

Phòng tránh lây nhiễm vi-rút Zika

Do cứ 4 người nhiễm vi-rút Zika thì chỉ 1 người xuất hiện các triệu chứng khiến cho việc phát hiện, chẩn đoán và ngăn chặn vi-rút lây lan khá khó khăn.

Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa điều chế được vắc-xin phòng ngừa lây nhiễm và thuốc đặc trị dịch bệnh do vi-rút Zika gây ra. Chính vì vậy, biện pháp phòng tránh lây nhiễm được các cơ quan chức năng khuyến cáo là tích cực tự bảo vệ bản thân tránh bị muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài, nằm màn khi ngủ, phát quang bụi rậm và vệ sinh sạch sẽ khu vực xung quanh nơi sống để muỗi không có môi trường phát tán số lượng.

Đặc biệt phụ nữ mang thai càng nên chú ý bảo vệ sức khỏe bản thân bằng việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện thường xuyên để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng của cơ thể. Hạn chế di chuyển đến các vùng đang có dịch lây lan. Những trường hợp trở về từ vùng có dịch cần theo dõi tình trạng sức khỏe trong 14 ngày sau khi trở về, nếu có bất cứ biểu hiện như sốt, nhức đầu, đau mắt (mắt đỏ), đau khớp nhức cơ, phát ban, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được theo dõi và chẩn đoán kịp thời.

Theo Vân Doãn (SKĐS)