Những con số kinh hoàng do thức uống được 77% đàn ông Việt yêu thích gây ra dịp Tết

Loại thức uống được một nửa đàn ông Việt dùng ở mức nguy hại này đã khiến hàng nghìn gia đình mất Tết.

Bộ Y tế trong báo cáo chiều 11/2 tổng kết tình hình khám chữa bệnh trong 9 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019 (từ 28 Tháng Chạp đến mùng 6 Tết) cho những kết quả giật mình.

Cả nước có hơn 50.500 ca cấp cứu, khám do tai nạn giao thông, chiếm 14% tổng số cấp cứu chung. 35% ca phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi, gần 10% phải chuyển tuyến điều trị. Có nghĩa là những ca này rất nặng, tuyến dưới không xử lý được, hoặc người nhà đề nghị được chuyển tuyến.

nhung-con-so-kinh-hoang-do-thuc-uong-duoc-77-dan-ong-viet-yeu-thich-gay-ra-dip-tet

Một ca cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức Tết Kỷ Hợi 2019. Ảnh: TL

Trong số hàng chục nghìn ca cấp cứu, 195 ca đã tử vong (bao gồm cả tử vong trước khi đến viện, chưa tính các ca tử vong tại hiện trường không được đưa đến viện).

Bộ Y tế nhận định so với cùng kỳ Tết Mậu Tuất 2018 tổng số khám, cấp cứu do TNGT giảm 2% nhưng số ca nặng lại tăng. Rất nhiều ca khám, cấp cứu do TNGT, bị đa chấn thương, chấn thương sọ não nhập viện khi trong người vẫn còn nồng nặc hơi men, kích thích, lảm nhảm.

Tại Bệnh viện Việt Đức, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện thông tin, trung bình mỗi ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, viện tiếp nhận khoảng 60 trường hợp TNGT, có những trường hợp chấn thương sọ não rất nặng, rất thương tâm mà chủ yếu do người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, do không đội mũ bảo hiểm, hoặc sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.

Thông thường, phòng Hồi sức 1, khoa Cấp cứu được thiết kế cho 6 giường, 6 máy thở nhưng cao điểm những ngày nghỉ Tết vừa qua lên tới 12 bệnh nhân, nghĩa là gấp đôi tải lượng.

"Tất cả y bác sĩ phải căng mình" -ThS. BS Đỗ Tất Thành (Bệnh viện Việt Đức) trực cấp cứu ngày mùng 4 Tết cho biết. Không đủ máy thở, các bác sĩ phải điều tiết với các đơn vị hồi sức khác trong bệnh viện nhờ hỗ trợ. "Tất nhiên là với lượng bệnh nhân quá đông như vậy thì đồng nghĩa với việc bác sĩ cũng không có Tết” - BS Thành nói thêm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong lần đi kiểm tra công tác khám chữa bệnh Tết Kỷ Hợi, động viện bệnh nhân, y bác sĩ trực Tết vào đêm Giao thừa vừa qua, kiểm tra ngẫu nhiên 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức cho kết quả đều vào viện vì bia, rượu: Người tai nạn, người đánh nhau.

Rượu, bia cũng là nguyên nhân khiến 611 người đánh nhau vào viện cấp cứu. Báo cáo của các cơ sở y tế trong cả nước cho thấy, tính đến sáng 11/2, cả nước có hơn 6.000 ca cấp cứu vì đánh nhau. 52% phải nhập viện điều trị, hơn 700 ca chuyển tuyến, 17 ca tử vong.

Loại thức uống được không ít đàn ông Việt coi là "đầu câu chuyện" ngày Tết này cũng khiến gần 900 ca ngộ độc, say trong 9 ngày nghỉ Tết.

Những con số khủng khiếp về số người nhập viện vì bia rượu không chỉ dừng lại ở đó. Một người vào viện cấp cứu, kéo theo cả gia đình phải chăm sóc, lo lắng. Hàng nghìn gia đình mất Tết. Một người say rượu, bia gây tai nạn giao thông không chỉ khiến người đó vào viện, mà còn bao nhiêu người, gia đình không uống rượu, cũng mất Tết.

Theo điều tra của Bộ Y tế, 77% đàn ông Việt hiện có uống rượu, bia (uống trong 30 ngày qua). Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam mỗi năm tiêu thụ 305 triệu lít rượu và 4,1 tỷ lít bia. Con số này vẫn tăng hàng năm.

Điều tra của Bộ Y tế cho thấy một người đàn ông Việt Nam trung bình tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên chất/năm, xếp thứ 2 Đông Nam Á và thứ 29 trên thế giới. Hơn 44% nam và 1,2% nữ sử dụng rượu bia ở mức có hại, tức trong 30 ngày qua có ít nhất một lần uống từ 60g cồn trở lên.

Các chuyên gia nhận định sử dụng rượu bia ở mức nguy hại gây ra gánh nặng bệnh không lây nhiễm (tim mạch, tiểu đường, ung thư...), tai nạn giao thông, bạo lực và thương tích.

Theo đó, rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới tuổi 15-49. Khoảng 800 ca tử vong do bạo lực và 30% số vụ gây rối trật tự xã hội mỗi năm do rượu bia.

Nghiên cứu của Học viện Cảnh sát tại 11 tỉnh, năm 2015 có 70% vụ phạm pháp hình sự liên quan đến rượu bia. Nước ta hàng năm phải chi 65.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do rượu bia gây ra.

Theo GiaDinh